Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§311. CHUYỆN CÂY PUCIMANDA (Pucimandajātaka) (J. III. 33)

Anh trộm, dậy đi thôi...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về Tôn giả Moggallāna (Mục-kiền-liên).

Bấy giờ, Trưởng lão Moggallāna đang sống tại một túp lều trong khu vườn gần thành Vương Xá. Một tên trộm kia, sau khi bẻ khóa vào một nhà tại một ngôi làng ở ngoại ô, đã chạy thoát đi mang theo đầy các đồ vật trộm được. Khi chạy đến địa phận trú xứ của Trưởng lão, nó nghĩ rằng thế là thoát được rồi, bèn nằm xuống tại lối vào túp lều lá của Trưởng lão. Trưởng lão thấy nó nằm đó liền nghi ngờ ngay tư cách của nó và tự nhủ: “Nếu ta dính líu đến một tên trộm thì sẽ phiền cho ta lắm.” Vì vậy, ngài bước ra khỏi lều, bảo tên trộm đừng nằm đó và đuổi nó đi. Tên trộm nhanh như cắt vụt chạy trốn đi. Mọi người đuốc trên tay, theo sát tên trộm mà đuổi, đến nơi họ nhìn thấy các chỗ đất ghi dấu vết tên trộm và nói:

– Nó đến đây theo lối này, nó đã đứng nơi đây. Nó không còn ở đây nữa đâu!

Thế là họ đổ xô đến chỗ này chỗ nọ và cuối cùng đành quay về vì không tìm thấy tên trộm.

Sáng hôm sau, Trưởng lão đi khất thực ở Vương Xá, và khi trở về ngài ghé đến Trúc Lâm và kể cho bậc Ðạo sư sự việc đã xảy ra. Bậc Ðạo sư dạy:

– Này Moggallāna, ông không phải là người độc nhất đã nghi ngờ trong một trường hợp nghi ngờ là phải. Các trí giả ngày xưa cũng đã nghi ngờ theo cách như thế.

Rồi do thỉnh cầu của Trưởng lão, bậc Ðạo sư kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát ra đời là một thần cây nimba trong một khu rừng nghĩa địa của thành phố.

Bấy giờ, một tên trộm vừa phạm tội trộm trong một xóm lẻ kia trong thành phố rồi chạy vào khu rừng nghĩa địa, nơi đây có một cây nimba (cây có trái làm dầu thơm) và một cây đa đều đã già cỗi mọc cạnh nhau. Tên trộm đặt các đồ vật dưới gốc cây nimba rồi nằm xuống đó. Vào thời ấy, bọn trộm cướp bị bắt đều bị xử xiên người treo trên một cành cây nimba. Vì thế, thần cây nimba tự nghĩ: “Nếu người ta đến đây và bắt tên trộm này, họ sẽ chặt một cành cây nimba này để làm cái gậy mà xiên người nó. Thế là cây sẽ bị hủy hoại. Vậy ta cần phải đuổi anh bạn này đi.” Thần bèn đọc bài kệ đầu để nói với tên trộm:

41. Anh trộm, dậy đi thôi, Ngủ chi, gấp lắm rồi,

Người của vua sắp đến, Tội anh, họ quyết đòi.

Thần lại còn nói thêm:

– Chạy đi, kẻo người của vua đến bắt anh bây giờ!

Thế rồi, thần đuổi tên trộm đi. Tên trộm vừa chạy trốn đi thì thần cây đa đọc bài kệ thứ hai:

42. Tên trộm táo gan ấy, Bị bắt hay thoát đi,

Thần cây nimba xin hỏi, “Với ngài, đâu khác chi?”

Thần cây nimba nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:

43. Ngài đâu biết ta lo thầm kín,

Quân nhà vua sẽ đến nơi đây,

Bắt tên trộm, chặt cành cây,

Phạt xiên tội phạm, cây này còn chi!

Trong lúc hai vị thần trong rừng đang nói chuyện với nhau thì những người chủ gia sản, tay cầm đuốc theo dấu tên trộm đã đến nơi, họ nhìn thấy chỗ tên trộm đã nằm và nói:

– Xem kia, tên trộm vừa thức dậy rồi chạy trốn ngay từ chỗ này. Chúng ta chưa tóm được nó đấy, chứ nếu tóm được thì chúng ta sẽ quay trở lại đây, xiên người nó dưới gốc cây nimba này hoặc treo nó trên một trong những nhánh cây này.

Nói xong, họ đổ xô vào chỗ này chỗ nọ nhưng vẫn không tìm ra tên trộm, họ liền bỏ đi. Nghe mọi người bàn tán như trên, thần cây nimba đọc bài kệ thứ tư:

44. Mối nguy chưa thấy, vẫn lo ngay,

Cân nhắc so đo kẻo muộn thay,

Kẻ trí bao giờ trong hiện tại,

Cũng nhìn tình trạng của tương lai.

***

Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, Sāriputta (Xá-lợi-phất) là thần cây đa và Ta là thần cây nimba ấy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.