Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§310. CHUYỆN VỊ QUỐC SƯ SAYHA (Sayhajātaka)[9] (J. III. 30)
Trên đời chẳng ngai vàng, vương quốc...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.
Tỷ-kheo này trong khi đi khất thực ở Xá-vệ, đã trông thấy một phụ nữ đẹp, rồi từ đó trở nên buồn chán và mất hết an lạc trong Ðạo pháp. Các Tỷ-kheo đưa ông ra trước đức Thế Tôn. Ngài dạy:
– Này Tỷ-kheo, Ta nghe nói ông cứ buồn chán, có thật thế không?
Ông thú thật quả như thế. Sau khi biết được lý do buồn chán của ông, bậc Ðạo sư dạy:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông lại khao khát cuộc đời sau khi đã thọ trì giới luật của một giáo pháp đưa đến giải thoát? Các trí giả ngày xưa, khi được ban vinh dự làm giáo sĩ hoàng gia, đã từ bỏ chức vị ấy và sống đời khổ hạnh.
Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo nghe một chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai bà vợ một Bà-la-môn giáo sĩ của hoàng gia và ra đời cùng một ngày với thái tử con vua. Khi vua hỏi các quan rằng có đứa trẻ nào sinh cùng ngày với thái tử không thì họ bảo:
– Tâu Ðại vương có, đó là một đứa con của giáo sĩ hoàng gia.
Thế là vua truyền mang Bồ-tát đến giao cho các nhũ mẫu săn sóc cẩn thận cùng với thái tử ấu thơ kia. Cả hai cùng có đồ trang sức, cùng ăn, cùng uống các thứ như nhau. Khi lớn lên, họ cùng đến học ở Takkasilā và chẳng bao lâu đều thành đạt mọi ngành khoa học rồi trở về.
Vua phong cho con làm phó vương và ban danh dự lớn lao cho Bồ-tát. Từ đó, Bồ-tát cùng ăn, cùng uống, cùng sống với thái tử. Giữa hai người nảy nở một tình bằng hữu vững bền. Ít lâu sau, vua cha mất, thái tử lên nối ngôi và hưởng phú quý khôn cùng. Bồ-tát tự nghĩ: “Giờ đây bạn ta trị vì vương quốc, khi có dịp thích đáng thế nào ông cũng phong cho ta ngôi vị giáo sĩ hoàng gia. Ta phải làm gì với cuộc đời của một gia trưởng đây? Ta muốn trở thành một nhà tu khổ hạnh, dấn thân vào đời độc cư.”
Vì thế, ngài đến đảnh lễ cha mẹ, xin được chấp trì giới hạnh. Ngài chối bỏ mọi của cải của trần gian và từ đó xuất gia một mình đi vào vùng Tuyết Sơn. Tại đó, trên một khoảnh đất thích hợp, ngài tự dựng một túp lều sống đời Phạm hạnh của một ẩn sĩ, ngài phát huy các thắng trí và các thiền chứng, hưởng an lạc của cuộc sống huyền nhiệm.
Bấy giờ, vua nhớ đến ngài và bảo:
– Không biết bạn ta thế nào rồi nhỉ? Sao không hề thấy ông ta đâu cả?
Các cận thần bảo rằng ngài đã chấp trì giới hạnh và nghe nói ngài đang sống trong một khu rừng tịnh lạc nào đó. Vua hỏi trú xứ của ngài và bảo một quốc sư tên Sayha:
– Hãy đi mang bạn ta về đây! Ta sẽ phong cho ông ấy làm giáo sĩ của ta.
Sayha sẵn sàng tuân lệnh. Từ Ba-la-nại, ông đi mãi đến một làng ở biên địa và trú ở đó, rồi cùng với vài người kiểm lâm đến nơi Bồ-tát ở. Ông thấy Bồ-tát ngồi như một bức tượng vàng trước túp lều của ngài. Sau khi chào hỏi, cung chúc theo thường lệ, ông ngồi xuống cách một khoảng để tỏ lòng kính cẩn và bảo:
– Thưa Tôn giả, đức vua muốn ngài quay trở về vì đang nóng lòng phong ngài lên ngôi vị giáo sĩ của hoàng gia.
Bồ-tát trả lời:
– Nếu ngoài chức giáo sĩ ra, ta còn được trao thêm cả nước Kāsi và Kosala, cả vương quốc Ấn Ðộ, cả sự vinh quang của một đế quốc hoàn vũ, ta cũng không chấp nhận đâu. Bậc trí giả không mang lấy những tội lỗi mà họ đã từng từ bỏ cũng giống như họ không nuốt cục đàm mà họ đã khạc ra.
Ðoạn, ngài đọc các bài kệ sau:
37-38. Trên đời chẳng ngai vàng, vương quốc,
Chiếm lòng ta, gây nhục ta nào!
Xấu thay, danh lợi mong cầu,
Ðưa người vào cảnh khổ đau ngập tràn.
39-40. Kiếp không nhà lang thang đây đó,
Cầm bát xin nhà nọ nhà kia,
Hơn làm vua, tạo phiền hà,
Trị vì độc đoán theo đà ác tham.
Mặc dù Sayha cứ năn nỉ mãi, Bồ-tát cũng không chấp nhận yêu cầu của ông ta. Không thể nào khuyên nhủ được Bồ-tát, Sayha đành tạ từ quay về trình vua là ngài từ chối trở lại.
***
Khi bậc Ðạo sư kể xong pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết tứ đế. Khi kết thúc tứ đế, Tỷ-kheo thối thất kia đắc quả Dự lưu và nhiều Tỷ-kheo khác cũng đạt các quả vị như thế. Thế rồi, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, Ānanda là vị vua, Sāriputta là Sayha, còn Ta là vị giáo sĩ hoàng gia.
Bản Tích Lan viết Vivaravagga, nghĩa là Phẩm Hãy mở ra. Bản CST viết Kāliṅgavagga, nghĩa là Phẩm Kāliṅga. ↑
Xem J. II. 23, Guṇajātaka (Chuyện công đức), số §157. ↑
Xem Cp. 97, Kapirājacariya (Hạnh của con khỉ chúa) ↑
Xem J. II. 39, Seyyajātaka (Chuyện điều tốt hơn), số §282. ↑
Xem J. I. 261, Mahāsīlavajātaka (Chuyện Vua Sīlavā vĩ đại), số §51. ↑
Xem J. IV. 113, Pānīyajātaka (Chuyện ngụm nước uống), số §459. ↑
Xem Miln. 172, Rukkhācetanabhāvapañho (Câu hỏi về bản thể suy tư của cây cối). ↑
Xem J. II. 421, Lābhagarahajātaka (Chuyện chê bai lợi nhuận), số §287; J. III. 32, Sayhajātaka (Chuyện vị Quốc sư Sayha), số §310; J. III. 515, Lomasakassapajātaka (Chuyện Ca-diếp, vị khổ hạnh nhiều lông tóc), số §433; Vin. IV. 204. ↑
Bản Tích Lan và Thái Lan viết Sayhajātaka. Bản CST viết Seyyajātaka. Xem J. II. 421, Lābhagarahajātaka (Chuyện chê bai lợi nhuận), số §287; J. III. 28, Chavakajātaka (Chuyện người tiện dân), số §309; J. III. 515, Lomasakassapajātaka (Chuyện Ca-diếp, vị khổ hạnh nhiều lông tóc), số §433; Miln. 219, Lomasakassapapañho (Câu hỏi về Lomasakassapa); Vin. IV. 204. ↑
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.