Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§308. CHUYỆN CHIM GÕ KIẾN (Javasakuṇajātaka) (J. III. 25)

Bao nhiêu lòng tốt trong tôi...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự vô ơn của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa). Cuối cùng, Ngài dạy:

– Chẳng phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, Devadatta cũng đã tỏ ra vô ơn.

Sau đó, Ngài kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra là một con chim gõ kiến sống trong vùng Tuyết Sơn.

Bấy giờ, có một con sư tử, trong khi ăn mồi bị một miếng xương mắc trong cổ. Cổ nó sưng lên đến độ nó không thể ăn gì được và đau đớn khôn cùng. Chim gõ kiến đang kiếm đồ ăn, đậu trên một cành cây, trông thấy sư tử và hỏi nó:

– Này bạn, cái gì làm bạn đau thế?

Nghe sư tử bảo cho biết, chim nói:

– Bạn ạ, tôi có thể lấy cái xương ra khỏi cổ họng bạn nhưng tôi không dám chui đầu vào mồm bạn vì sợ bạn ăn tôi luôn!

– Bạn ơi, đừng sợ, tôi sẽ không ăn bạn đâu. Xin bạn hãy cứu sống tôi!

– Ðược rồi.

Chim nói thế và bảo sư tử nằm xuống một bên nó. Rồi nó nghĩ: “Ai biết được anh bạn này sẽ làm sao chứ?” Và để ngăn ngừa sư tử ngậm miệng lại, nó cắm một khúc cây giữa hàm trên và hàm dưới sư tử, thò đầu vào miệng con này rồi dùng mỏ gắp đầu mút xương. Cái xương rớt ra ngoài rồi mất đi. Gõ kiến rút đầu ra khỏi miệng sư tử, lấy mỏ đập khúc cây cho rớt ra rồi nhảy lên đậu trên chóp một cành cây. Sư tử được khỏi bệnh. Một hôm, nó đang ăn một con bò rừng mà nó vừa giết. Chim gõ kiến liền nghĩ: “Ta sẽ thử lòng hắn xem sao!” Ðậu trên một cành cây phía trên đầu sư tử, nó nói với sư tử qua bài kệ sau:

29. Bao nhiêu lòng tốt trong tôi,

Tôi đây đã tỏ cho ngài lần kia,

Phần ngài chẳng nguyện cao xa,

Cho tôi đôi chút gọi là hảo tâm.

Nghe thế, sư tử trả lời bằng bài kệ thứ hai:

30. Ngươi gởi đầu vào hàm sư tử,

Loài vuốt nanh rực thứ máu hồng,

Nhưng ngươi vẫn sống như thường,

Hảo tâm ta đã tỏ tường cho ngươi.

Chim gõ kiến nghe thế, liền đọc thêm hai bài kệ nữa:

31. Bao việc tốt trên đời, Thi hành để giúp ngươi,

Giúp loài vô ơn nghĩa, Mong chi được đền bồi?

32. Ðừng khởi ý chua cay, Ðừng buông lời gắt gay,

Phường xấu xa như thế, Ta cần lánh xa ngay!

Nói vậy xong, chim gõ kiến bay đi.

***

Bậc Ðạo sư chấm dứt pháp thoại và nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, Devadatta là con sư tử, còn Ta chính là con chim gõ kiến.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.