Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§290. CHUYỆN THỬ THÁCH GIỚI ĐỨC (Sīlavīmaṁsajātaka) (J. II. 429)
Cho rằng đức hạnh đáng yêu...
Chuyện này được bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn thử nghiệm thanh danh của mình. Các tình tiết đưa đến câu chuyện và ngay cả câu chuyện ở đây đều giống như ở Chuyện thử thách giới đức.[10]
***
Khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, vị giáo sĩ của vua quyết định thử nghiệm thanh danh của mình về đức hạnh. Trong hai ngày đầu, mỗi ngày ông đều lấy một đồng tiền do người coi kho giữ. Vào ngày thứ ba, ông bị đưa đến trình vua vì bị kết tội ăn cắp. Dọc đường, ông chú ý đến mấy người bắt rắn đang làm cho rắn múa. Vua hỏi tại sao ông làm một việc như vậy. Thầy Bà-la-môn trả lời:
– Ðể thử nghiệm thanh danh của tôi về đức hạnh.
Rồi nói tiếp:
118. Cho rằng đức hạnh đáng yêu,
Người ta tôn quý bao nhiêu trên đời.
Xem kia! Rắn độc chết người,
Bảo rằng nó tốt, chẳng đòi giết ngay.
119. Tôi nay bảo, khắp đầy trần thế,
Ðức hạnh là tôn quý đáng yêu,
Kẻ nào đạo đức vẫn nêu,
Con đường đạo quả bước theo mãi hoài.
120. Tình thân thiết, sáng ngời chúng bạn,
Rồi đến khi số tận mạng chung,
Kẻ nào tích đức sẵn sàng,
Cõi trời, kẻ ấy được phần tái sanh.
Sau khi thuyết giảng về cái đẹp của đức hạnh bằng ba bài kệ trên, giáo sĩ Bà-la-môn ấy nói tiếp:
– Tâu Ðại vương, gia đình tôi đã hiến dâng cho ngài bao nhiêu thứ: Tài sản của cha tôi, của mẹ tôi và cả những gì mà tôi đã có, điều ấy chẳng bao giờ dứt. Còn tôi đây, tôi đã lấy mấy đồng tiền kia trong kho báu chỉ để thử nghiệm giá trị của riêng tôi. Bây giờ, tôi thấy rằng thọ sanh, dòng dõi, huyết thống và gia đình chẳng có giá trị gì trên đời này và chỉ có đức hạnh là tốt nhất. Tôi muốn sống đời Phạm hạnh, xin ngài cho phép tôi được như vậy!
Giáo sĩ cứ năn nỉ mãi, cuối cùng vua đành chấp thuận. Thế là ông lìa bỏ thế gian, lui vào dãy Tuyết Sơn để sống Phạm hạnh, tu tập các thắng trí và các thiền chứng cho đến khi tái sanh vào cõi Phạm thiên.
***
Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vị giáo sĩ thử nghiệm thanh danh về đức hạnh kia chính là Ta.
Bản Tích Lan viết Seyyaṃsajātaka, nghĩa là Chuyện điều tốt hơn một phần. ↑
Xem J. I. 261, Mahāsīlavajātaka (Chuyện Vua Sīlavā vĩ đại), số §51. ↑
Xem J. I. 226, Khadiraṅgārajātaka (Chuyện hố than lửa cây keo), số §40. ↑
Ud. 43, Sundarīsutta (Kinh Sundarī), số §8. ↑
Xem Dh. v. 306; Sn. v. 661. ↑
Xem J. I. 196, Muṇikajātaka (Chuyện con heo Muṇika), số §30; J. IV. 219, Cullanāradajātaka (Chuyện tiểu đạo sĩ Nārada), số §477. ↑
Xem Buddhist Birth Stories (Những chuyện tiền thân Phật giáo), p. 277. ↑
Xem J. III. 28, Chavakajātaka (Chuyện người tiện dân), số §309; J. III. 32, Sayhajātaka (Chuyện vị Quốc sư Sayha), số §310; J. III. 515, Lomasakassapajātaka (Chuyện Ca-diếp, vị khổ hạnh nhiều lông tóc), số §433; Vin. IV. 204. ↑
Xem J. IV. 95, Juṇhajātaka (Chuyện Vương tử Juṇha), số §456. ↑
Xem J. I. 369, Sīlavīmaṁsanajātaka (Chuyện thử thách giới đức), số §86; J. II. 429, Sīlavīmaṁsajātaka, số §290; J. III. 18, Sīlavīmaṁsanajātaka, số §305; J. III. 100, Sīlavīmaṁsajātaka, số §330; J. III. 194, Sīlavīmaṁsajātaka, số §362. ↑
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.