Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§289. CHUYỆN MONG ƯỚC KHÁC NHAU (Nānacchandajātaka) (J. II. 426)
Chúng tôi chung sống một nhà...
Chuyện này được bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về việc Tôn giả Ānanda nhận một vật phẩm có giá trị.
Tình tiết câu chuyện sẽ được diễn tả trong chương XI, Chuyện Vương tử Juṇha.[9]
***
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con trai của chánh hoàng hậu. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasilā rồi lên ngôi vua sau khi phụ vương mất. Có một giáo sĩ của hoàng gia bị bãi chức đang sống rất nghèo khổ trong một ngôi nhà cũ kỹ.
Một đêm kia, nhà vua giả trang vi hành trong thành phố để xem xét tình hình. Một đám trộm cướp xong việc, ghé đến uống rượu trong một quán, rồi ra về mang thêm một tí rượu đựng trong một cái bình. Chúng rình thấy vua đang đi trên đường, liền la lớn:
– Này anh là ai?
Chúng quật ngài xuống, giật lấy chiếc áo choàng rồi lượm bình lên và đi, đồng thời mang ngài theo.
Vị Bà-la-môn nói trên, bấy giờ đang đứng ngoài đường xem thiên văn. Ông nhìn sao, biết được vua đang rơi vào tay bọn bất lương, liền gọi vợ, bà vội chạy đến hỏi việc gì. Ông bảo:
– Bà nó ạ, đức vua của chúng ta đã rơi vào tay bọn đối nghịch!
Bà vợ nói:
– Sao thưa ông, ông tính thế nào với nhà vua đấy? Các Bà-la-môn của ngài sẽ lo việc ấy thôi.
Vua nghe vị Bà-la-môn nói thế rồi đi được một đoạn, ngài năn nỉ bọn vô lại:
– Thưa các ông, tôi là một kẻ nghèo khó, các ông hãy lấy áo của tôi mà tha cho tôi đi!
Ngài cứ năn nỉ như vậy mãi, cuối cùng bọn chúng thương hại và thả ngài ra. Ngài để ý chỗ ở của hai vợ chồng kia, bèn quay trở lại.
Bấy giờ, vị Bà-la-môn nói với vợ:
– Bà nó ạ, đức vua đã thoát khỏi tay bọn đối nghịch kia rồi.
Vua nghe hết việc này cũng như trước kia. Rồi vua trở về cung điện.
Sáng hôm sau, vua cho gọi các vị Bà-la-môn của ngài và hỏi họ:
– Quý vị có xem thiên văn không?
– Thưa Ðại vương, có.
– May hay rủi thế?
– Thưa Ðại vương, may.
– Không có mây mờ hay nguyệt thực chứ?
– Không, tâu ngài, không có.
Vua phán:
– Ði kiếm đem về cho ta thầy Bà-la-môn ở chỗ nhà kia...
Vua chỉ chỗ cho họ. Thế là họ kiếm đem về vị giáo sĩ già kia. Bấy giờ vua hỏi ông ta:
– Thưa thầy, đêm hôm qua thầy có xem thiên văn không?
– Vâng, tâu Ðại vương, thần có xem.
– Có mây mờ hay nguyệt thực nào không?
– Thưa Ðại vương, có. Ðêm hôm qua, ngài rơi vào tay những kẻ nghịch và một lúc sau ngài thoát ra được.
Nhà vua phán:
– Phải như vậy mới đúng là một chiêm tinh gia.
Ngài bèn đuổi các Bà-la-môn kia và bảo vị lão sư ấy rằng ngài rất bằng lòng rồi ban cho ông ta một ân huệ. Ông xin phép được về hỏi ý kiến gia đình và vua chấp thuận. Thầy Bà-la-môn về gọi vợ, con trai, con dâu và cô tớ gái đến và đặt vấn đề với họ:
– Vua ban cho ta một điều ước. Vậy ta phải xin gì?
Bà vợ đáp:
– Theo tôi, ông hãy xin một trăm con bò sữa.
Người con trai tên Chatta nói:
– Theo con, hãy xin một chiếc xe được kéo bởi những con ngựa nòi trắng thật đẹp.
Và người con dâu:
– Còn theo con, hãy xin đủ thứ trang sức, bông tai có gắn ngọc, v.v...
Rồi đến cô tớ gái tên là Puṇṇā:
– Theo con, hãy xin một bộ cối chày và một cái rổ sàng thóc.
Còn thầy Bà-la-môn ước được hưởng hoa lợi của một ngôi làng. Thế rồi, ông trở lại chầu nhà vua. Ngài muốn biết vợ ông có được hỏi ý kiến không, ông đáp:
– Tâu Ðại vương, có. Nhưng mọi người được hỏi ý đều không ai đồng ý với nhau.
Rồi ông đọc hai bài kệ sau:
115. Chúng tôi chung sống một nhà,
Ý này, ý nọ chia ra mỗi người!
Trăm bò sữa, ý vợ tôi,
Còn tôi thì muốn một ngôi làng giàu,
116. Trai ưa ngựa kéo xe sau,
Hoa tai gắn ngọc, mong cầu gái kia,
Puṇṇā bé nhỏ, nữ tỳ,
Nói rằng nàng muốn cối đi cùng chày!
Vua phán:
– Ðược rồi! Tất cả đều được như ý.
Rồi ngài đọc bài kệ sau:
117. Hãy cho người vợ trăm bò,
Người chồng tốt bụng được cho ngôi làng,
Hoa tai ngọc tặng cô nàng,
Xe đôi ngựa kéo gởi chàng trai kia,
Còn cô giúp việc trong nhà,
Trao cho chày cối, thế là thỏa chung.
Thế là vua đã làm thỏa nguyện thầy Bà-la-môn ấy và ban cho cả danh vọng lớn lao. Vua còn ban lệnh từ nay về sau ông được tham dự vào các công việc của vua và giữ ông bên cạnh làm cố vấn riêng cho ngài.
***
Khi kể xong pháp thoại này, Bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, thầy Bà-la-môn kia là Ānanda, còn vị vua chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.