Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§288. CHUYỆN XÂU CÁ (Macchuddānajātaka) (J. II. 423)
Nào ai tin được chuyện này...
Chuyện này được bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một thương gia không thật thà. Các tình tiết câu chuyện như đã kể ở trên.
***
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một điền chủ. Khi lớn lên, ngài trở thành một người giàu có. Ngài có một người em trai. Khi người cha mất, hai anh em quyết định sắp đặt công việc của cha. Thế rồi họ đến một làng kia, nơi đây họ được trả một ngàn đồng. Trên đường về, trong lúc chờ thuyền bên sông, họ lấy cơm bới ra ăn. Bồ-tát ném phần thức ăn vào sông Hằng cho cá và cúng dường công đức ấy cho vị thần sông. Nữ thần rất vui lòng tiếp nhận việc này vì nó làm tăng thêm thần lực của bà, và khi nghĩ đến sự gia tăng năng lực, bà biết được việc đã xảy ra.
Bồ-tát cởi áo ngoài để trên cát rồi nằm xuống ngủ. Người em có tính gian tham. Anh ta muốn lấy tiền của Bồ-tát và giữ cho riêng mình. Thế là anh gói một gói đá trông giống như gói tiền rồi cất cả hai gói. Hai anh em lên thuyền. Khi thuyền ra giữa sông, người em làm bộ ngã vào mạn thuyền rồi cố ý để rơi cái gói đá ra khỏi thuyền. Thực ra anh ta đã lầm vì đó chính là gói tiền. Anh ta la lên:
– Anh ơi, gói tiền rơi mất rồi! Làm sao đây?
Người anh trả lời:
– Chúng ta biết làm sao được? Thôi việc gì đã qua thì cho qua luôn, đừng nghĩ tới nó nữa!
Nhưng vị thần sông nghĩ rằng bà thực quá vui mừng được nhận sự cúng dường và được gia tăng năng lực nên bà quyết định giữ gìn của cải cho người anh. Do thần lực, bà khiến một con cá miệng rộng nuốt lấy gói tiền và bà giữ gìn con cá cẩn thận. Khi kẻ gian tham kia về nhà khoái chí với thủ đoạn đã gây cho anh mình, nhưng khi mở gói ra chỉ thấy có sỏi đá mà thôi. Lòng héo hắt, anh ngã vật xuống giường, nằm ôm lấy ván.
Bấy giờ, mấy ngư ông vừa quăng một mẻ lưới. Do năng lực của vị thần sông, con cá kia rơi vào lưới. Các ngư ông đem nó về phố bán. Người ta hỏi giá bao nhiêu. Các ngư ông trả lời:
– Một ngàn đồng bảy hào đấy.
Ai cũng cợt nhạo:
– Kia kìa, một con cá với giá một ngàn đồng.
Họ cười ầm lên. Các ngư ông mang con cá đến cửa nhà Bồ-tát và hỏi ngài có mua cá không. Ngài hỏi:
– Giá bao nhiêu đấy?
Họ đáp:
– Xin trả bảy hào để lấy cá.
– Các ông đòi những người khác bao nhiêu chứ?
Họ đáp:
– Nếu là những người khác thì chúng tôi đòi một ngàn đồng bảy hào. Nhưng ngài chỉ phải trả bảy hào thôi.
Bồ-tát trả bảy hào để lấy cá rồi giao cá cho vợ. Bà vợ mổ cá ra và thấy gói tiền. Bà gọi Bồ-tát. Ngài nhìn vào nhận ra các dấu vết và biết đó là gói tiền của chính mình. Ngài tự nghĩ: “Các ngư ông này đòi hỏi những người khác phải trả với giá một ngàn đồng bảy hào, còn ta, vì một ngàn đồng này vốn là của ta nên họ thuận cho ta chỉ trả bảy hào thôi. Nếu một ai khác không hiểu sự việc này thì không gì có thể làm cho người ấy tin được.” Rồi ngài đọc bài kệ thứ nhất:
112. Nào ai tin được chuyện này,
Mấy con cá nọ giá ngay ngàn đồng,
Ta đây chỉ bảy hào con,
Mong gì mua được cá tròn một dây?
Ðọc xong bài, Bồ-tát lấy làm lạ tại sao ngài tìm lại được số tiền ấy. Ngay khi ấy, vị thần sông bay ẩn mình trên không và nói:
– Ta là thần sông Hằng đây. Ngài đã cho bọn cá ăn phần còn thừa và đã cúng dường công đức cho ta, do đó ta đã giữ gìn của cải cho ngài.
Rồi bà đọc một bài kệ:
113. Người cho lũ cá ăn, Cúng dường ta có phần,
Ta ghi công đức ấy, Và đạo tâm vẹn toàn.
Thế rồi nữ thần kể lại thủ đoạn gian manh của người em. Bà còn nói thêm:
– Hắn nằm kia, lòng héo hon sầu khổ. Chẳng có lợi lộc gì dành cho kẻ gian lận. Ta mang lại cho ngài sở hữu của riêng ngài, đừng để cho mất đi, đừng đem cho đứa em gian tham kia. Hãy giữ tất cả cho mình!
Rồi bà đọc tiếp bài kệ thứ ba:
114. Tâm địa xấu, dối lừa, trộm cắp,
Gạt anh, em mong đoạt gia tài,
Ác tâm nào gặp vận may,
Quỷ thần chẳng chút tỏ bày kính tâm.
Vị thần nói như vậy, vì không muốn cho kẻ gian lận xấu xa kia được nhận tiền. Nhưng Bồ-tát nói:
– Không thể như thế được.
Và ngài liền gửi cho em năm trăm đồng.
***
Sau khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư tuyên thuyết tứ đế và ở phần kết thúc tứ đế, thương gia kia đắc quả Dự lưu. Thế rồi bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, người em là thương gia không thật thà kia, còn người anh chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.