Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§285. CHUYỆN HEO RỪNG TRONG HANG THỦY TINH (Maṇisūkarajātaka) (J. II. 415)
Ba chục chúng tôi đã sống trong...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về vụ sát hại Sundarī.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rất được trọng vọng, kính nể. Các tình tiết cũng giống như ở Kinh Phật tự thuyết[4] và đây là phần tóm tắt của các tình tiết ấy.
Nghe nói đức Thế Tôn và các Tỷ-kheo thường nhận được phẩm vật cúng dường và sự tôn kính như nước của năm con sông đổ vào biển lớn, các người ngoại đạo thấy rằng phẩm vật cúng dường và vinh danh của họ không còn được như trước nữa mà trở thành lờ mờ như bầy đom đóm trước lúc bình minh, họ liền họp nhau lại và bàn:
– Từ khi Sa-môn Gotama xuất hiện, lợi lộc và vinh danh của chúng ta đã rời bỏ chúng ta. Chẳng người nào biết rằng chúng ta đang có mặt trên đời. Ai có thể giúp ta đem lại tiếng xấu cho Sa-môn Gotama và làm cho ông ta không còn nhận được mọi lợi dưỡng này?
Thế rồi họ bỗng nghĩ: “Sundarī có thể giúp ta việc ấy.” Một hôm, Sundarī đến thăm rừng cây của người ngoại đạo, họ chào cô ta mà chẳng nói gì cả. Cô ta cứ hỏi đi, hỏi lại mãi mà vẫn không được ai trả lời. Cô liền hỏi:
– Có việc gì mà các thánh phụ lại phiền não thế?
Các người ngoại đạo đáp:
– Này chị, há chị chẳng thấy Sa-môn Gotama đã làm chúng ta phiền não, đã tước đi của chúng ta những phẩm vật bố thí và vinh danh như thế nào ư?
Cô ta hỏi:
– Thế thì tôi có thể làm gì đây nào?
– Này chị, chị xinh đẹp lại đáng yêu. Chị có thể làm ô nhục cho Sa-môn Gotama, lời nói của chị sẽ gây ảnh hưởng đến quần chúng, và như vậy có thể phục hồi cho chúng ta những phẩm vật cúng dường và danh thơm như trước.
Cô ta nhận lời và từ giã ra đi. Sau đó, cô thường mang hoa, dầu thơm, hương liệu, long não, đồ gia vị và trái cây, vào mỗi buổi chiều, đám đông trở vào thành sau khi nghe bậc Ðạo sư thuyết pháp thì cô quay mặt về phía Kỳ Viên. Hễ ai hỏi cô sắp đi đâu thì cô bảo:
– Tôi sắp đến với Sa-môn Gotama, tôi sống với ông ta trong một hương phòng.
Thế rồi cô ngủ đêm tại một xóm ngoại đạo và sáng hôm sau đi theo con đường từ Kỳ Viên vào thành phố. Hễ có ai hỏi cô đi đâu về thì cô bảo:
– Tôi đã ở với Sa-môn Gotama trong một hương phòng và ông ấy đã ân ái với tôi.
Vài ngày sau, các ngoại đạo mướn vài tên vô lại giết chết Sundarī trước phòng của đức Gotama rồi đem ném xác cô ta trong một đống rác. Bấy giờ, các người ngoại đạo mới la ầm lên về Sundarī rồi thông báo với nhà vua. Vua hỏi họ nghi ngờ chỗ nào, họ trả lời rằng cách đấy ít ngày Sundarī có đến Kỳ Viên nhưng sau đó sự việc xảy ra thế nào thì họ không biết. Vua sai họ đi kiếm cô ta. Ðược lệnh, họ mang theo một số người hầu riêng của vua, và đi đến Kỳ Viên. Tại đó, họ kiếm quanh quẩn rồi tìm thấy Sundarī trong đống rác. Họ lấy một cái cáng mang thi thể cô về thành phố và trình vua rằng các môn đệ của đức Gotama đã giết Sundarī rồi ném xác vào đống rác để che giấu tội cho bậc Ðạo sư của họ.
Vua sai các ngoại đạo ấy đi khắp thành phố, trên khắp các đường sá, họ vừa đi vừa la lớn:
– Hãy đến đây mà xem việc làm của các Tỷ-kheo môn đệ của Thái tử dòng họ Thích-ca!
Thế rồi họ trở lại cổng cung điện. Vua cho đặt thi thể Sundarī trên tấm bệ rồi đưa vào nghĩa địa canh giữ. Tất cả mọi người, trừ các Tỷ-kheo, đều đi khắp trong, ngoài thành, khắp các công viên, khắp rừng cây, nhục mạ các Tỷ-kheo và kêu lên:
– Xin tới mà xem việc làm của các môn đệ của Thái tử dòng họ Thích-ca.
Các Tỷ-kheo kể hết đầu đuôi câu chuyện cho đức Phật, bậc Ðạo sư dạy rằng:
– Ðược rồi. Hãy đi ra và khiển trách những người này bằng các lời sau:
Vào địa ngục, người ưa nói dối,
Cùng người nào chối việc mình làm,
Cả hai, thần chết đã mang,
Như người ác hạnh vẫn thường tái sanh.[5]
Nhà vua sai vài người đi tìm xem Sundarī còn bị kẻ nào giết nữa không. Bấy giờ, bọn vô lại đang uống rượu bằng thứ tiền vấy máu và gây gổ nhau. Một đứa trong bọn nói:
– Mày đã giết Sundarī bằng một cú đập rồi ném xác cô ấy vào trong đống rác, thế rồi giờ đây mày mua rượu bằng số tiền vấy máu ấy!
– Ðúng đây rồi, đúng đây rồi!
Những người được vua sai đi nghe nói thế, rồi bắt bọn vô lại kia đem đến trình vua. Vua hỏi:
– Có phải chúng bây đã giết Sundarī không?
Chúng thú nhận đã làm như thế.
– Ai sai chúng bây?
– Tâu Ðại vương, các người ngoại đạo.
Vua gọi các người ngoại đạo đến và phán:
– Hãy đỡ thi thể Sundarī lên rồi mang nàng đi khắp thành phố, vừa đi vừa kêu lớn: “Cô Sundarī này muốn làm nhục Sa-môn Gotama, chúng tôi đã bảo giết cô ta, đức Gotama cũng như các môn đệ của Ngài không hề có tội lỗi gì, chính chúng tôi mới là có tội!”
Bọn người ngoại đạo làm theo lệnh ấy. Số đông những người chưa được giáo hóa cũng đã tin như thế. Bọn ngoại đạo đã không còn gây tội ác vì phải bị trừng phạt về tội giết người. Từ đó về sau, tiếng tăm của đức Phật ngày càng lừng lẫy. Thế rồi một hôm, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong pháp đường:
– Này Hiền hữu, bọn ngoại đạo tưởng bôi nhọ đức Phật nhưng chính họ chỉ tự bôi nhọ mà thôi. Từ đó, lợi lộc và danh vọng của chúng ta càng tăng thêm.
Bậc Ðạo sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì. Họ thuật cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không thể nào gây bất lợi cho đức Phật được. Cố sức bôi nhọ đức Phật cũng giống như cố sức bôi nhọ viên ngọc thượng hạng mà thôi. Vào thời xưa, người ta cũng đã từng mong làm vẩn đục một viên ngọc đẹp nhưng không cách nào làm được, đành phải chịu thất bại mà thôi.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi ngài lớn lên, thấy rằng tham dục là khổ, ngài liền ra đi, vượt qua ba lớp núi của dãy Tuyết Sơn và ngài trở thành một ẩn sĩ sống trong một túp lều lá. Gần lều của ngài có một hang bằng thủy tinh, trong đó có ba mươi con heo rừng đang sống. Một con sư tử thường lai vãng gần hang ấy. Bọn heo thường cứ thấy bóng sư tử phản chiếu vào hang và kinh sợ đến gầy ốm, xanh xao. Chúng liền nghĩ: “Chúng ta thấy cái bóng phản chiếu ấy vì thủy tinh quá trong trẻo. Chúng ta nên làm cho thủy tinh dơ bẩn và mờ đục đi.”
Thế rồi, chúng lấy bùn đất ở trong một vũng nước gần đó đem bôi chà vào thủy tinh. Nhưng thủy tinh được đánh bóng bằng lông heo rừng trở thành sáng loáng hơn bao giờ hết. Bọn heo không biết phải tính sao, liền quyết định đến hỏi vị ẩn sĩ kia làm thế nào để làm dơ bẩn thủy tinh. Chúng đến nơi, sau khi kính cẩn chào, chúng ngồi xuống một bên ẩn sĩ và đọc hai bài kệ:
103. Ba chục chúng tôi đã sống trong,
Thủy tinh động ấy bảy năm ròng,
Vẻ sáng động kia nay nhọc sức,
Chúng tôi chẳng thể vấy dơ xong.
Dù đã tốn công đem hết sức,
Làm lu mờ bóng sáng kia đi,
104. Bóng kia càng sáng hơn lên mãi,
Xin hỏi chẳng hay duyên cớ gì?
Nghe xong, Bồ-tát đọc bài kệ tiếp:
105. Thủy tinh kia quý giá dường bao,
Trong sáng, luôn luôn rực ánh hào,
Tuyệt chẳng vật gì ngăn vẻ sáng,
Heo nên dời chỗ ở đi nào!
Nghe lời Bồ-tát, bọn heo dời đi ở chỗ khác. Còn Bồ-tát chuyên tâm thiền định và tái sanh lên cõi Phạm thiên.
***
Khi kể xong pháp thoại, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, Ta là vị ẩn sĩ nọ.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.