Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§284. CHUYỆN VẬN MAY (Sirijātaka) (J. II. 409)

Những của cải do mình tạo dựng...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể về một vị Bà-la-môn ăn cắp vận may.

Các tình tiết trong câu chuyện tiền thân này giống như ở Chuyện hố than lửa cây keo.[3]

Cũng như trước kia, vị nữ thần tà giáo sống ở tháp cổng nhà ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) ăn năn hối lỗi, đem bỏ vào kho của ông năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng và trở thành bạn của ông. Ông dẫn nàng đến trước bậc Ðạo sư. Ngài thuyết giảng cho nàng, nhờ thế nàng nhập quả vị Dự lưu. Từ đó, danh tiếng của vị Trưởng giả lại vang lừng như trước.

Bấy giờ, có một Bà-la-môn sống tại Kỳ Viên có tài xem dấu hiệu của vận may, suy nghĩ: “Ông Cấp Cô Ðộc bị nghèo khó rồi lại trở nên nổi danh. Ta giả bộ tới thăm hắn rồi lấy cắp vận may của hắn xem sao!”

Thế là ông ta đến nhà ông Cấp Cô Ðộc và được đón tiếp rất niềm nở. Sau những lần trao đổi xã giao, chủ nhà hỏi lý do cuộc viếng thăm. Vị Bà-la-môn để ý xem vận may của Trưởng giả kia nằm ở đâu. Bấy giờ, ông Cấp Cô Ðộc có một con gà trống trắng, trắng như một vỏ sò đã được cọ rửa, con gà được giữ trong một cái lồng bằng vàng, và vận may của vị Trưởng giả đang nằm trong cái mồng của nó. Thế là người Bà-la-môn ấy đã dò tìm được vận may nằm ở đâu rồi. Ông ta nói:

– Thưa Tôn giả, tôi dạy thần chú cho năm trăm người bạn trẻ. Chúng tôi đang bực mình vì một con gà trống cứ gáy không phải lúc. Con gà của ngài gáy đúng giờ giấc, vì thế mà tôi đến đây để xin nó. Ngài có thể cho tôi không?

Trưởng giả bảo:

– Vâng.

Và ngay khi ông thốt ra lời ấy thì vận may rời khỏi cái mồng gà và đến nằm trong một viên ngọc gắn ở cái gối. Người Bà-la-môn thấy vận may vào trong viên ngọc liền xin luôn viên ngọc. Và ngay khi chủ nhân thuận cho thì vận may lại rời viên ngọc mà vào nằm trong cái gậy dùng để tự vệ đang đặt trên gối. Người Bà-la-môn thấy thế lại xin thêm chiếc gậy.

– Hãy lấy đi rồi ra về!

Chủ nhân nói. Và ngay lúc ấy, vận may lại rời chiếc gậy mà vào nằm trên đầu người vợ chánh của chủ nhân, đó là phu nhân Puññalakkhaṇā (Phước Tướng). Thấy thế, vị Bà-la-môn gian xảo kia tự nghĩ: “Ðây là thứ không thể nhượng lại, ta đâu có thể xin được!” Thế rồi ông nói với vị Trưởng giả:

– Thưa Trưởng giả, tôi đến nhà ngài chỉ để đánh cắp vận may của ngài. Vận may ấy nằm trong mồng con gà trống của ngài nhưng khi ngài cho tôi con gà trống, vận may lại chạy sang viên ngọc; khi ngài cho tôi viên ngọc, vận may lại sang chiếc gậy; khi ngài cho tôi chiếc gậy thì nó lại chạy thoát ra ngoài và vào trong đầu của phu nhân Puññalakkhaṇā. Chắc chắn đây là thứ không thể nhượng lại, vậy không bao giờ tôi có thể có được vận may ấy. Không thể nào đánh cắp vận may của ngài được. Vậy thì ngài hãy giữ nó!

Nói xong, ông ta đứng dậy và ra đi. Ông Cấp Cô Ðộc quyết định kể chuyện cùng bậc Ðạo sư. Vì thế ông đến tinh xá. Sau khi thành kính đảnh lễ, ông ngồi xuống một bên và kể cùng đức Phật đầu đuôi sự việc. Bậc Ðạo sư nghe xong và dạy:

– Này thiện nam tử, ngày nay, vận may của một người không đi sang người khác. Nhưng ngày xưa, vận may của những kẻ kém trí lại đi sang kẻ khôn lanh.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại vương quốc Kāsi. Lớn lên, ngài được giáo dục tại Takkasilā và sống trong gia đình của ngài. Nhưng khi cha mẹ mất, ngài quá sầu muộn, lui về sống ẩn dật trong dãy Tuyết Sơn, tu tập các thắng trí và các thiền chứng.

Một thời gian lâu sau, ngài xuống các làng mạc để kiếm muối và đồ gia vị, rồi trú trong các vườn cây của vua xứ Ba-la-nại. Ngày hôm sau, trên đường khất thực, ngài ghé đến cổng nhà của một người dạy voi. Ông này cảm mến cung cách của ngài, cho ngài ăn rồi thuận cho ngài trú trong vườn nhà của ông và đều đặn hầu hạ ngài.

Bấy giờ, có một người kia làm nghề kiếm củi, từ trong rừng về muộn quá không kịp đến thành phố. Ông phải ngủ đêm tại một ngôi đền, đặt bó củi dưới đầu để làm gối nằm. Tại ngôi đền, có một số gà trống rừng đang đậu trên một ngọn cây. Ðến sáng, con gà đậu trên cao đã để rơi phân trên lưng con đậu bên dưới. Con ở dưới kêu lên:

– Ai đã để rơi phân trên lưng tôi thế?

Con ở trên đáp:

– Tôi đấy!

– Sao vậy chứ?

– Mặc tôi.

Con đậu trên cao đáp rồi lại nhỏ phân xuống. Thế là hai con bắt đầu gây gổ nhau và kêu to:

– Ngươi có quyền gì chứ, ngươi có quyền gì chứ.

Cuối cùng, con đậu phía dưới nói:

– Hễ ai giết ta, đem thịt ta quay trên than mà ăn thì sẽ được một ngàn đồng vào mỗi buổi sáng đấy!

Con gà đậu phía trên trả lời:

– Ồ, chớ quá phách lối vì một chuyện quá nhỏ nhặt như thế! Ta ấy à, hễ ai ăn toàn thịt của ta thì sẽ được làm vua; nếu ai ăn phần da bên ngoài của ta, người ấy sẽ được làm tể tướng hoặc làm chánh hoàng hậu, tùy theo người ấy là đàn ông hay đàn bà; còn nếu ai lấy xương ta mà gặm thịt thì sẽ được làm quan coi kho báu của nhà vua nếu người ấy là một gia trưởng, và nếu người ấy là một nhà tu thì sẽ được vua trọng vọng!

Người tiều phu nghe hết mọi sự việc và đắn đo suy nghĩ: “Nếu ta được làm vua thì đâu cần một ngàn đồng?” Thế rồi ông im lặng trèo lên cây, chộp lấy con gà trống đậu phía trên cao và giết nó đi. Ông cột túm con gà nhét vào túi áo rồi tự bảo: “Thế là ta sẽ làm vua!” Khi cổng thành vừa mở, ông đã bước ngay vào. Ông ta nhổ lông gà, rửa sạch rồi đem giao cho bà vợ, bảo bà ta làm món thịt thật ngon. Bà vợ làm món thịt với một ít gạo, rồi đem đặt trước mặt chồng và mời chồng ăn.

Người chồng nói:

– Bà nó này, thịt này có giá trị rất lớn, ăn thịt này tôi sẽ trở thành vua và bà sẽ trở thành hoàng hậu!

Rồi hai vợ chồng mang món thịt nấu với gạo ấy ra để trên bờ sông Hằng, họ định tắm xong rồi mới ăn. Thế là sau khi để thịt trên bờ, họ xuống tắm. Vừa lúc ấy, một ngọn gió dâng nước lên cuốn thịt đi. Món thịt trôi bập bềnh trên sông. Một người dạy voi, ấy là một nhân vật quan trọng, trong lúc cho voi tắm ở phía dưới dòng sông đã trông thấy món thịt ấy.

– Cái gì đây?

Ông ta bảo vớt nó lên. Có người trả lời:

– Thưa ngài, đây là món thịt nấu với gạo.

Ông ta sai gói lại, niêm phong và gởi về nhà cho vợ ông, dặn rằng khi ông trở về thì mở ra cho ông ăn. Còn ông tiều phu cứ chạy rong, từ bụng phun ra cả cát và nước mà ông đã nuốt vào.

Bấy giờ, một vị khổ hạnh kia là giáo sĩ của người dạy voi ấy, vốn có nhãn thông, tự nghĩ: “Ông bạn chủ ta vẫn giữ chức vụ với bầy voi mãi, biết bao giờ ông ta mới được thăng chức?” Suy nghĩ như vậy, và nhờ có nhãn thông ông thấy rõ người kia và hiểu cần phải làm gì. Ông liền đến trước, ngồi trong nhà người chủ. Người chủ trở về, kính cẩn chào giáo sĩ rồi ngồi xuống một bên. Ông ta sai dọn ăn, rồi bảo mang thức ăn, thức uống cho vị khổ hạnh. Vị ấy không nhận đồ ăn mang đến cho ông và nói:

– Tôi sẽ chia thức ăn này ra.

Người chủ chấp nhận. Vị giáo sĩ chia thịt ra từng phần, các phần thịt đưa cho người dạy voi, phần da đưa cho vợ của ông ấy, và lấy phần thịt dính ở xương cho mình. Bữa ăn chấm dứt, giáo sĩ nói với gia chủ:

– Ba ngày nữa, ông sẽ làm vua, hãy cẩn thận mọi việc ông làm!

Rồi vị ấy ra đi. Vào ngày thứ ba, một ông vua láng giềng đến vây Ba-la-nại. Vua bảo người dạy voi mặc áo của vua rồi lên voi và ra trận, còn chính ngài giả trang, lẫn lộn trong đám quân lính. Một mũi tên bay vọt tới cắm vào vua, thế là vua chết ngay tại chỗ. Người dạy voi biết rằng vua đã chết, liền bảo đưa đến một số tiền lớn rồi đánh trống lên và tuyên bố:

– Những ai muốn được tiền, hãy tiến lên và chiến đấu!

Ðám quân lính trong nháy mắt đã giết được ông vua đối nghịch kia. Sau tang lễ của vua, các triều thần thương nghị ai là người được chọn làm vua. Họ bảo:

– Khi đức vua chúng ta còn sống, ngài đã mặc long bào cho người dạy voi. Chính người ấy đã chiến đấu và giữ được vương quốc, vậy thì vương quốc sẽ phải được trao cho người ấy!

Thế rồi họ tôn ông lên ngôi vua và vợ của ông được lên làm chánh hậu. Bồ-tát trở thành người thân tín của vua.

***

Sau khi bậc Ðạo sư kể xong pháp thoại này, với trí tuệ toàn hảo, Ngài đọc hai bài kệ sau đây:

100. Những của cải do mình tạo dựng,

Chẳng phải nhờ may mắn mà thành,

Do ơn thần nữ phúc lành,

Người hay, kẻ dở đều dành phần cho.

101. Trên cuộc thế sờ sờ lắm kẻ,

Thiện hiền hay ác tệ hung tàn,

Cuối cùng được hưởng giàu sang,

Ðúng ra nào phải là phần họ đâu?

Sau đó, bậc Ðạo sư dạy thêm:

– Này thiện nam tử, những kẻ ấy chẳng có nguồn lợi nào khác ngoài công đức của họ tạo được trong các đời trước; điều này khiến cho ông đạt được những của báu ngay ở chỗ vốn chẳng có hầm mỏ gì.

Rồi Ngài đọc bài kệ sau đây:

Kho báu kia muôn điều thiện phúc,

Thỏa mãn bao nguyện ước trời, người:

Hình dung, tiếng nói tốt tươi,

Mặt mày xinh đẹp, sống đời quyền uy.

Mọi kiêu sa, oai nghi vương giả,

Hạnh phúc đầy và cả ngôi trời,

Trời, người phúc lạc đôi nơi,

Niết-bàn tự chứng, trí thời tự do.

Tình chân thiết dành cho bè bạn,

Với tự mình chiến thắng lấy mình,

Bích Chi Phật quả nên hình,

Giác tri, giải thoát, tu hành tinh chuyên.

Ấy tất cả ước nguyền vừa dẫn,

Kho báu kia vốn sẵn có rồi,

Diệu kỳ công đức cao vời,

Trí nhân, thắng giả muôn người ngợi ca.

Cuối cùng, bậc Đạo sư đọc vần kệ thứ ba để giải thích những báu vật ẩn chứa vận may của ông Cấp Cô Ðộc:

102. Gà kia, ngọc nọ, gậy này,

Rồi người vợ nữa, vận may luân hành,

Cho hay một kẻ thiện lành,

Kho tàng kia vẫn được dành phần riêng.

***

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Vị vua thời đó chính là Trưởng lão Ānanda và giáo sĩ của gia đình kia chính là Ta, đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.