Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§280. CHUYỆN KẺ PHÁ HƯ GIỎ (Puṭadūsakajātaka) (J. II. 390)
Hẳn chúa đàn có tài khéo léo...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một kẻ phá hư giỏ.
Ở Xá-vệ, một vị quan nọ mời đức Phật và hội chúng đệ tử của Ngài và đưa các vị đến ngồi trong vườn của ông. Khi ông phân phát đồ dùng trong bữa cơm, ông bảo:
– Vị nào muốn đi dạo trong vườn thì xin cứ đi.
Các Tỷ-kheo đi đây đó trong vườn. Bấy giờ, người giữ vườn leo lên một cái cây rậm lá, hái một nắm lá và bảo:
– Cái này để đựng hoa, còn cái này để đựng quả.
Thế rồi, ông kết lá thành những cái giỏ và thả xuống gốc cây. Cứ mỗi cái giỏ rơi xuống liền bị ngay đứa con trai nhỏ của ông ta đến phá hư hết. Các Tỷ-kheo kể chuyện này cùng bậc Ðạo sư. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên cậu bé phá hư giỏ, trước kia cậu ấy cũng đã làm như thế.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình nọ ở Ba-la-nại. Ngài lớn lên và trở thành gia trưởng. Nhân có việc, ngài đi ngang qua một khu vườn, trong đó có một bọn khỉ đang sinh sống. Người giữ vườn đang ném xuống những cái giỏ bằng lá như đã kể trên, và con khỉ đầu đàn đến phá hư giỏ khi chúng vừa rơi xuống, con khỉ tưởng rằng xé các giỏ ấy là làm vui lòng chủ. Rồi ngài đọc bài kệ thứ nhất:
88. Hẳn chúa đàn có tài khéo léo,
Làm giỏ kia lắm nẻo công phu,
Ðời nào ông lại làm hư,
Trừ phi giỏ khác ông trù làm thêm.
Nghe thế con khỉ đọc bài kệ thứ hai:
89. Từ cha mẹ đến tôi nữa đó,
Có thế nào làm giỏ như người?
Người làm, ta xé rã rời,
Tính riêng loài khỉ truyền đời là đây!
Và Bồ-tát trả lời bằng bài kệ thứ ba:
90. Nếu ta tính riêng bầy khỉ đột,
Quả là không thích hợp tính này!
Dù ngươi có đúng hay sai,
Cũng không đáng kể cả hai, cút liền!
Bồ-tát trách rầy như thế rồi ra đi.
***
Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, con khỉ là cậu bé phá hư các giỏ kia, còn người trí nọ là Ta.
Bản Tích Lan, Campuchia viết Araññavagga, nghĩa là Phẩm Khu rừng. Bản CST viết Udapānavagga, nghĩa là Phẩm Giếng nước. ↑
Kokālika là người theo nhóm Đề-bà-đạt-đa. ↑
Xem J. IV. 242, Takkāriyajātaka (Chuyện Hiền giả Takkāriya), số §481. ↑
Xem J. II. 12, Uragajātaka (Chuyện con rắn), số §154; J. II. 51, Nakulajātaka (Chuyện con chuột rừng), số §165. ↑
Bản Tích Lan, Thái Lan viết Mahisajātaka. Bản CST viết Mahiṃsarājajātaka. Xem Cp. 87, Mahiṃsarājacariya (Hạnh của con trâu chúa). ↑
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.