Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§272. CHUYỆN CON CỌP (Vyagghajātaka) (J. II. 355)

Nếu do gần bạn tri âm...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể về Kokālika[2] khi Ngài trú tại Kỳ Viên.

Các tình tiết của câu chuyện này sẽ được kể trong chương XIII, Chuyện Hiền giả Takkāriya.[3] Ở đây, Kokālika lại nói:

– Ta sẽ đem Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên) theo với ta.

Vì thế, sau khi rời xứ sở của Kokālika, ông ta đi đến Kỳ Viên, vào đảnh lễ bậc Ðạo sư rồi đi tiếp đến các vị Trưởng lão. Ông ta nói:

– Này các Hiền giả, dân chúng ở xứ của Kokālika muốn mời các Hiền giả, chúng ta hãy đến đó đi.

Sāriputta và Moggallāna trả lời:

– Hiền giả hãy đi đi, chúng tôi không đi đâu!

Sau lời từ chối này, Kokālika ra đi một mình.

Các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán chuyện ấy trong pháp đường:

– Này Hiền hữu, Kokālika không thể sống với Sāriputta và Moggallāna, và cũng không thể sống mà không có các vị ấy! Ông ta không chịu đựng nổi sự chung đụng với họ.

Bậc Ðạo sư bước vào và hỏi mọi người đang bàn tán chuyện gì. Họ kể lại cho Ngài nghe. Ngài dạy:

– Xưa kia cũng như bây giờ, Kokālika không thể sống với Sāriputta và Moggallāna và cũng không thể sống mà không có hai vị ấy.

Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Brahmadatta làm vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị thần cây sống trong một khu rừng nhỏ. Không xa trú xứ của ngài bao nhiêu có một vị thần cây khác sống trong một khu rừng rậm. Khu rừng rậm này lại là chỗ ở của một con sư tử và con hổ. Vì sợ chúng, không ai dám đến đó gieo trồng hoặc đốn cây, ngay cả dừng chân liếc qua chỗ đó cũng chẳng ai dám. Sư tử và hổ ăn thịt mọi loài. Thịt ăn còn dư, chúng vứt bỏ lại rồi đi. Vì thế, khu rừng đầy cả thịt bốc mùi hôi thối.

Vị thần kia điên tiết lên, chẳng kể phải quấy gì nữa, một hôm đã đến nói với Bồ-tát:

– Thưa Hiền giả, cả rừng kia đầy mùi hôi thối vì con sư tử và con hổ kia. Tôi sẽ đuổi chúng đi.

Bồ-tát bảo:

– Này Hiền giả, chính hai con thú ấy đã bảo vệ chỗ ở của chúng ta đấy! Một khi chúng bị đuổi đi thì chỗ ở của chúng ta sẽ bị hoang tàn. Nếu người ta không thấy dấu vết của hổ và sư tử thì họ sẽ tới đốt hết rừng, làm tất cả thành một khoảng đất trống để trồng trọt. Xin Hiền giả chớ làm thế!

Rồi ngài đọc hai bài kệ đầu:

64. Nếu do gần bạn tri âm,

Bình an có thể bị làm tiêu tan,

Còn gì cao trọng cho hơn,

Như tròng con mắt người khôn giữ gìn.

65. Nhưng khi bạn tri âm thực sự,

Làm tăng thêm mức độ bình an,

Hãy làm đời bạn an khang,

Hãy thương đời bạn như thương đời mình.

Tuy Bồ-tát đã giảng giải như thế, vị thần cuồng si kia cũng chẳng để tâm. Thế rồi một hôm, ông hiện hình thật khủng khiếp đuổi sư tử và hổ đi. Chẳng bao lâu, dân chúng không thấy vết chân hai con thú kia nữa, họ đoán rằng sư tử và hổ có lẽ đã bỏ đi sang rừng khác và họ chặt đi một phía rừng. Bấy giờ, vị thần kia mới đến gặp Bồ-tát và nói:

– Ôi thưa Hiền giả, tôi đã không theo lời Hiền giả mà lại đuổi hai con thú ác kia đi. Bây giờ người ta nhận ra rằng chúng đã ra đi và họ đang đốn hạ cả khu rừng. Chúng ta phải làm gì bây giờ đây?

Vị thần được trả lời rằng hai con thú ấy đang sống ở một khu rừng kia, phải đến đó mà tìm chúng về. Vị thần kia làm theo như thế. Ðứng trước hai con thú, vị thần kính cẩn chào rồi đọc bài kệ thứ ba:

66. Xin quay trở lại rừng già,

Ðể rừng khỏi bị san ra đồng bằng.

Bạn đi, rìu sẽ hạ rừng,

Không rừng, mãi mãi bạn không có nhà!

Hai con thú khước từ lời thỉnh cầu và bảo:

– Ði đi, chúng tôi không đến đó đâu!

Thế là vị thần kia phải trở về một mình. Chỉ sau một vài ngày, dân chúng đã đốn hết rừng, làm thành một đồng ruộng để cày cấy, trồng trọt.

***

Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư tuyên thuyết tứ đế và nhận diện tiền thân:

– Lúc bấy giờ, Kokālika là vị thần cuồng si, còn vị thần trí tuệ kia là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.