Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§271. CHUYỆN KẺ LÀM BẨN GIẾNG NƯỚC (Udapānadūsakajātaka) (J. II. 354)

Giếng được tạo do người ẩn dật...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Isipatana (trú xứ của chư thiên) về một con chó rừng đã làm bẩn giếng nước.

Người ta nghe nói có một con chó rừng thường đến làm bẩn cái giếng mà các Tỷ-kheo thường đến múc nước rồi bỏ đi. Một hôm, các chú tiểu lấy đất ném nó để đe dọa. Sau đó, nó không bao giờ trở lại nơi ấy nữa.

Các Tỷ-kheo nghe chuyện ấy và bắt đầu bàn tán trong pháp đường:

– Này các Hiền hữu, con chó rừng thường làm bẩn giếng nước của chúng ta, từ khi bị các chú tiểu dùng đất ném đuổi đi đã không hề quay trở lại nữa.

Bậc Ðạo sư đi vào và hỏi xem họ đang ngồi với nhau và thảo luận chuyện gì. Họ kể lại cho Ngài nghe. Ngài dạy:

– Này các Tỷ-kheo, đây chẳng phải là lần đầu tiên con chó rừng kia làm bẩn giếng nước. Trước kia nó cũng đã làm như thế.

Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, chính cái giếng kia nằm tại nơi có tên là Isipatana, gần Ba-la-nại. Lúc bấy giờ, Bồ-tát được sanh ra trong một gia đình thiện hảo. Lớn lên, ngài sống đời tu hành và cư trú tại Isipatana cùng với một nhóm người tùy tùng. Một con chó rừng làm bẩn giếng nước như đã nói trên rồi phóng chạy đi. Một hôm, các ẩn sĩ vây bắt được nó và dẫn nó tới trước mặt Bồ-tát. Ngài nói với nó qua bài kệ đầu:

61. Giếng được tạo do người ẩn dật,

Ðộc cư nơi khoảng đất rừng sâu,

Nhọc nhằn khổ cực bấy lâu,

Bạn ơi, sao vấy dơ vào giếng trong?

Nghe vậy, chó rừng đọc tiếp bài kệ thứ hai:

62. Ðó là luật giống dòng tôi đấy,

Uống nơi nào là vấy cho dơ,

Tổ tiên làm thế đến giờ,

Lời ngài trách cứ, có ngờ sai chăng?

Bồ-tát trả lời bằng bài kệ thứ ba:

63. Nếu luật ấy chó rừng đã đặt,

Lạ lùng thay, phi pháp mất rồi!

Mong rằng lần cuối thấy ngươi,

Hành vi kia đúng hay sai, chớ làm.

Bậc Ðại sĩ khuyên nhủ nó như vậy rồi bảo:

– Ðừng đến đó nữa!

Từ đó về sau, ngay cả việc dừng lại để nhìn qua giếng, con chó rừng cũng không dám.

***

Kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư tuyên thuyết tứ đế và nhận diện tiền thân:

– Cả hai trường hợp làm dơ bẩn giếng nước cũng đều do chính con chó rừng ấy, còn Ta là vị Sư trưởng kia.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.