Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§267. CHUYỆN CON CUA (Kakkaṭajātaka) (J. II. 341)

Con vật càng vàng, lồi cặp mắt...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể lúc Ngài trú tại Kỳ Viên về một phụ nữ.

Người ta nghe nói một người chủ đất ở Xá-vệ cùng với vợ đi về quê để thâu tiền nợ thì bị bọn cướp vây bắt. Người vợ vốn rất xinh đẹp và khả ái. Tên tướng cướp bị cuốn hút bởi sắc đẹp của nàng, có ý định giết người chồng để chiếm lấy nàng. Nhưng nàng lại là một phụ nữ đoan trang đức độ, một người vợ trung kiên, nàng phủ phục dưới chân tên cướp và kêu:

– Thưa ngài, nếu ngài giết chồng tôi vì yêu tôi, tôi sẽ dùng độc dược hoặc nín thở mà chết theo luôn! Tôi không thể sống với ngài được đâu! Xin chớ giết chồng tôi một cách vô ích!

Nàng van xin tên cướp như vậy. Cả hai vợ chồng ấy trở về Xá-vệ bình yên. Họ được dịp đi ngang qua tinh xá Kỳ Viên và họ muốn đến tham bái bậc Ðạo sư. Vì thế họ vào hương phòng và sau khi đảnh lễ, họ ngồi xuống bên Ngài. Bậc Ðạo sư hỏi họ từ đâu đến. Họ đáp:

– Chúng con đi thâu tiền nợ.

Ngài hỏi tiếp:

– Các người đi đường có bình yên không?

Người chồng nói:

– Dọc đường chúng con đã bị cướp bắt. Thế rồi tên cướp muốn giết con nhưng vợ con đây đã năn nỉ xin tha cho con và con đã mang ơn nàng cứu mạng.

Bậc Ðạo sư dạy:

– Này cư sĩ, ông chẳng phải là kẻ độc nhất được nàng cứu mạng đâu! Vào thời xưa nàng cũng đã từng cứu mạng nhiều bậc trí giả khác.

Thế rồi do yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo sư kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Brahmadatta làm vua xứ Ba-la-nại, trong dãy Tuyết Sơn có một cái hồ rộng, nơi đó có một con cua vàng rất lớn. Vì cua sống ở đó nên nơi ấy được gọi là Hồ Cua. Con cua lớn lắm, lớn bằng cả cái sân đập lúa. Nó có thể bắt các con voi rồi giết và ăn thịt chúng. Vì sợ nó nên chẳng voi nào dám đến gần đó để ăn đọt non.

Bấy giờ, Bồ-tát đầu thai vào bụng một con voi cái là vợ của chúa voi đầu đàn, sống gần Hồ Cua. Voi mẹ muốn được an toàn cho đến lúc sanh con, đã tìm đến một nơi khác trong một ngọn núi và tại đó nó đã sanh một con voi đực. Theo thời gian, voi con lớn lên rất thông minh, to lớn, khỏe mạnh và thành tựu mọi mặt. Nó oai nghi, sừng sững như trái núi màu tím thẫm.

Nó chọn một con voi khác làm vợ và quyết bắt cho được con cua kia. Vì vậy, cùng với vợ và mẹ, nó tìm đến đàn voi và gặp cha nó để xin đi bắt cua. Voi cha bảo:

– Con không thể làm được việc ấy đâu con ạ!

Nhưng nó cứ nài nỉ xin phép cha mãi, cuối cùng cha nó bảo:

– Thôi được, con cứ thử xem!

Thế là chàng voi trẻ tập hợp tất cả các con voi quanh Hồ Cua lại và dẫn chúng đến gần hồ. Nó hỏi:

– Cua thường bắt voi lúc nào? Lúc voi đang đi tới hồ, hay lúc chúng đang ăn, hay lúc chúng quay trở lên?

Bọn voi đáp:

– Nó bắt lúc chúng quay trở về.

Voi nói:

– Ðược rồi, tất cả các bạn hãy đi tới hồ và cứ ăn thứ gì tùy thích rồi quay trở lên trước, tôi sẽ theo cuối cùng đằng sau các bạn.

Ðàn voi làm theo như vậy. Cua thấy Bồ-tát trở lên sau rốt, liền chộp lấy chân voi, siết chặt vào càng giống như người thợ rèn kẹp khối sắt trong đôi gọng kềm khổng lồ. Vợ Bồ-tát cũng không rời chồng, nàng vẫn đứng đó sát bên chồng. Bồ-tát ra sức kéo nhưng vẫn không sao làm cua nhúc nhích được. Thế rồi, cua kéo và lôi được voi về phía mình.

Giữa lúc nguy khốn này, voi rống lên, rống lên. Nghe tiếng rống ấy, các voi khác quá kinh hãi, vụt chạy tán loạn, kêu thét như tiếng kèn đến nỗi vung vãi phân. Ngay cả vợ voi cũng chẳng đứng yên được và toan phóng chạy. Thế rồi để tỏ cho vợ biết mình đang bị bắt giữ và hy vọng làm cho vợ khỏi phóng chạy đi, voi đọc lên bài kệ đầu:

49. Con vật càng vàng, lồi cặp mắt,

Sống hồ, trần trụi, bọc trong mai,

Tôi kêu, nó kẹp, nghe đau đớn,

Nàng hỡi, thương tôi, chớ bỏ tôi!

Nghe thế, vợ voi quay lại đọc bài kệ thứ hai an ủi chồng:

50. Rời chàng, thiếp quyết chẳng khi nào,

Sáu chục năm đời, chúa tối cao,

Cả bốn phương trời đều chứng tỏ,

Chẳng ai thắm thiết sánh chàng đâu!

Vợ voi khích lệ chồng như thế và nói:

– Này bậc trượng phu, bây giờ thiếp sẽ bảo cua kia thả chàng ra.

Rồi vợ voi cầu xin cua qua bài kệ thứ ba:

51. Trong các loài cua ở biển xa,

Hoặc Yamunā, hoặc Hằng hà,

Ngài là tối thượng, nay tôi biết,

Xin để chồng tôi được thoát ra!

Khi nàng đọc xong, lòng kiêu hãnh hung hăng của cua bị tiếng nói phụ nữ hóa giải. Quên cả sợ, cua nới lỏng đôi càng, thả chân con voi ra, chẳng nghi ngờ gì đến việc voi sẽ làm gì sau khi được thả. Thế là voi nhấc chân lên, đạp lên lưng cua làm cho đôi mắt cua phải lòi ra lập tức. Voi sung sướng kêu lên. Các con voi kia chạy lại, kéo cua đi, đặt cua nằm trên đất rồi giẫm nát nó. Ðôi càng cua bị gãy rời tả tơi. Thế rồi Hồ Cua, vì ở gần sông Hằng nên bị ngập trong một cơn nước dâng. Khi nước hạ, nước rút từ hồ ra tới sông Hằng. Ðôi càng cua bị đẩy đi, bập bềnh trong nước sông Hằng. Một càng trôi ra biển, còn càng kia được mười anh em trong hoàng tộc tìm thấy khi họ đang tắm sông và họ dùng càng này làm cái trống nhỏ gọi là Ānaka. Các thần asura tìm được cái càng trôi ra biển kia và dùng nó làm trống gọi là Āḷambara. Về sau, các thần asura bị Thiên chủ Sakka đánh bại, phải chạy đi và bỏ lại cái trống. Sakka bảo giữ trống ấy để làm đồ dùng riêng. Do thế, người ta mới thường nói: “Sấm động như mây Āḷambara.”

***

Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo sư tuyên thuyết tứ đế và cuối bài giảng, cả người chồng và người vợ đều đắc quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện tiền thân:

– Vào thời ấy, nữ cư sĩ này là con voi cái, còn Ta chính là con voi chồng.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.