Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§264. CHUYỆN ĐẠI VƯƠNG MAHĀPANĀDA (Mahāpanādajātaka)[3] (J. II. 331)

Vua Panāda có cung điện ấy...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài ghé đến bên bờ sông Hằng về thần thông của Trưởng lão Bhaddaji.

Một dịp kia, khi bậc Ðạo sư đã an cư mùa mưa ở Xá-vệ, Ngài nghĩ nên ban ân đức cho một trưởng giả trẻ tuổi tên Bhaddaji. Vì thế, Ngài cùng các Tỷ-kheo lên đường tới thành Bhaddiya và ở lại đó ba tháng trong rừng Jātiyā chờ đợi cho đến khi chàng trai ấy thuần thục và kiện toàn về tri thức.

Bấy giờ, thanh niên Bhaddaji là một nhân vật cao sang, con trai độc nhất của một phú thương ở Bhaddiya, hưởng một gia tài tám trăm triệu đồng. Chàng có ba ngôi nhà dùng cho ba mùa khác nhau, mỗi mùa chàng ở bốn tháng trong một ngôi nhà. Sau thời kỳ ở trong một ngôi nhà, chàng cùng với bà con, bạn bè dời đến một ngôi nhà khác trong cảnh xa hoa lộng lẫy. Vào các dịp này, cả thành phố thường nô nức đi xem cảnh sang trọng của chàng thanh niên ấy và giữa các ngôi nhà ấy, người ta thường dựng lên biết bao chỗ ngồi theo hình vòng tròn, hàng hàng lớp lớp chồng chất lên nhau.

Sau khi đã trú nơi kia được ba tháng, bậc Ðạo sư báo cho dân trong thành biết Ngài định ra đi. Dân trong thành xin Ngài hãy nán lại đến ngày mai. Thế là hôm sau, họ góp đủ thứ tặng vật để cúng dường đức Phật và các Tỷ-kheo đệ tử của Ngài. Họ dựng một cái rạp ở giữa thành phố, trang hoàng đẹp đẽ, sắp xếp các chỗ ngồi rồi thông báo rằng đã đến giờ. Bậc Ðạo sư cùng đoàn Tỷ-kheo thứ lớp đến ngồi vào đó. Mọi người đều đến cúng dường rất hào phóng. Khi thọ thực xong, bậc Ðạo sư với giọng ngọt ngào như mật đã nói lời tùy hỷ công đức với họ.

Vào lúc này, thanh niên Bhaddaji đang từ một ngôi nhà của chàng dời sang ngôi nhà khác. Nhưng hôm đó, chẳng có người nào đến ngắm vẻ lộng lẫy, rực rỡ của chàng ngoài những người nhà của chàng. Vì thế, chàng hỏi những người của chàng vì sao như thế. Thường thường, tất cả thành phố đều nô nức xem chàng đi từ nhà này qua nhà nọ, các chỗ ngồi đã được sắp đặt vòng này trên vòng nọ, dãy này trên dãy kia; ấy thế mà bây giờ chẳng có ai cả ngoài những kẻ tùy tùng của riêng chàng! Lý do gì như vậy?

Chàng được trả lời:

– Thưa chủ nhân, đức Phật đã ở suốt ba tháng gần thành phố và hôm nay Ngài ra đi. Ngài vừa thọ thực xong và đang thuyết pháp. Cả thành phố đều đang ở đó nghe Ngài dạy.

Chàng nói:

– Tốt lắm, chúng ta cũng sẽ đến đó nghe Ngài!

Thế rồi chàng trang sức lộng lẫy cùng với số đông tùy tùng đứng ở mé ngoài đám đông. Khi chàng nghe thuyết pháp, chàng vứt bỏ hết mọi tham dục cấu uế, đắc quả vị cao rồi đạt Thánh quả.

Bậc Ðạo sư bảo vị thương gia thành Bhaddiya:

– Thưa ngài, con trai của ngài trông vẻ xa hoa, khi nghe Ta thuyết pháp đã trở thành một bậc Thánh; chính ngày hôm nay, vị ấy hoặc sẽ sống đời tu hành, hoặc sẽ nhập Niết-bàn.

Vị thương gia nói:

– Bạch Thế Tôn, tôi không muốn con tôi nhập Niết-bàn. Xin Ngài chấp nhận cho nó xuất gia. Rồi ngày mai, xin thỉnh Ngài cùng với nó đến nhà tôi!

Thế Tôn nhận lời mời ấy. Ngài đưa vị trưởng giả trẻ tuổi đến tinh xá, nhận chàng vào Giáo đoàn, sau đó thọ Tiểu giới và Đại giới. Suốt một tuần, cha mẹ của chàng trai ấy tiếp đãi chàng rất nồng hậu.

Sau bảy ngày như thế, bậc Ðạo sư mang chàng theo khi đi khất thực, đến một ngôi làng tên là Koṭi. Dân làng Koṭi kính cẩn cúng dường đức Phật và đệ tử của Ngài. Sau khi thọ thực xong, bậc Ðạo sư nói lời tùy hỷ. Trong lúc ấy, chàng trưởng giả đi ra khỏi làng, ngồi bên một bến của sông Hằng dưới một gốc cây mà trầm tư quán tưởng và nghĩ rằng khi nào bậc Đạo sư đến, chàng sẽ đứng lên. Khi các Trưởng lão cao niên nhất đến gần, chàng vẫn không đứng dậy, nhưng khi bậc Ðạo sư đến thì chàng đứng lên ngay.

Những người chưa hiểu đạo lấy làm bất bình vì chàng xử sự như thể một Tỷ-kheo thuộc hàng trưởng thượng, chàng đã không đứng dậy khi thấy các Trưởng lão cao niên nhất đến gần.

Dân làng làm những chiếc bè để đức Phật và các Tỷ-kheo sang sông. Sau đó, bậc Ðạo sư hỏi Bhaddaji ở đâu.

– Bạch Ngài, kia kìa.

– Ðến đây Bhaddaji, hãy lên bè của Ta!

Trưởng lão đứng lên, theo Ngài đến chiếc bè của Ngài. Khi bè ra tới giữa sông, bậc Ðạo sư hỏi Bhaddaji:

– Này Bhaddaji, đâu là cung điện mà ông đã ở lúc Ðại vương Panāda là vua?

Bhaddaji đáp:

– Thưa ở đây, phía dưới nước.

Những kẻ chưa hiểu đạo bảo với nhau:

– Trưởng lão Bhaddaji đang tỏ ra mình là một vị Thánh đấy!

Sau đó, bậc Ðạo sư bảo vị ấy hãy đánh tan mối nghi ngờ của các bạn đồng tu. Lập tức, Trưởng lão cúi mình đảnh lễ bậc Ðạo sư, và do thần lực, ông nắm toàn bộ khối cung điện trên đầu ngón tay rồi bay vụt lên không, mang theo cả tòa cung điện [bao trùm một khoảng tới hai mươi lăm do-tuần]. Sau đó, ông tạo một lỗ hổng bên trong và xuất hiện trước những chúng sanh đang có mặt trong cung điện dưới nước rồi tung cả tòa lâu đài lên khỏi mặt nước một do-tuần, rồi hai, rồi ba do-tuần. Những ai từng là bà con thân thích của ông trong tiền kiếp kia vì quá yêu thích cung điện ấy, nay đã trở thành cá, rùa, rắn nước, cóc, nhái sanh ra ngay tại nơi ấy.

Bấy giờ, khi cả tòa cung điện bị tung lên, chúng giãy giụa lăn lóc cả ra ngoài rồi rơi bì bõm xuống nước lại. Bậc Ðạo sư thấy thế liền bảo:

– Này Bhaddaji, các bà con thân thích của ông đang khốn đốn đấy!

Nghe Ngài dạy thế, Trưởng lão liền thả cả tòa cung điện ra và nó chìm xuống tại chỗ cũ trước đây.

Bậc Ðạo sư đã sang bên kia sông Hằng. Hội chúng sửa soạn cho Ngài một chỗ trên bờ. Ðức Phật ngồi vào chỗ ấy giống như mặt trời ban mai đang phóng ra những tia sáng. Bấy giờ, các Tỷ-kheo hỏi Ngài rằng Trưởng lão Bhaddaji đã ở trong tòa cung điện ấy vào thời nào. Bậc Ðạo sư trả lời:

– Vào thời Ðại vương Panāda.

Rồi Ngài kể cho hội chúng nghe một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, có một ông vua tên Suruci trị vì Mithilā, một thành phố trong vương quốc Videha. Vua có một con trai cũng tên Suruci, rồi lại có thêm một con trai nữa tên là Mahāpanāda. Họ làm chủ cung điện kia. Do một nghiệp trong tiền kiếp, có hai cha con dựng một túp lều lá cùng các cành cây sung làm nơi cư trú dành cho một vị Ðộc Giác Phật.

Phần còn lại của câu chuyện sẽ được kể trong chương XIV, Chuyện Đại vương Suruci.[4]

***

Sau khi kể xong pháp thoại, bậc Ðạo sư với trí tuệ toàn hảo, đọc lên các bài kệ sau:

40. Vua Panāda có cung điện ấy,

Mười sáu ngàn tầm rộng, một ngàn cao.

41. Ngàn tầm cao, cờ xí rợp muôn màu,

Ngọc bích kết cả trăm tầng lầu các,

Sáu ngàn văn công tới lui chơi nhạc,

Gồm bảy ban vẫn múa hát đồng thời.

42. Bhaddaji đã nói đúng như lời:

“Tâu Đế-thích, nô tài chờ thượng lệnh.”

Bấy giờ, những kẻ chưa hiểu đạo không còn nghi ngờ gì nữa.

***

Khi bậc Ðạo sư kể xong pháp thoại, Ngài nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, Bhaddaji là Ðại vương Panāda, còn Ta là Đế-thích.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.