Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§260. CHUYỆN SỨ GIẢ (Dūtajātaka) (J. II. 317)

Vì mục đích cái bụng...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo tham lam. Câu chuyện này sẽ được trình bày trong chương IX, Chuyện chim hồng nga.[6] Bậc Ðạo sư nói với vị ấy:

– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới tham ăn. Thuở trước, ông cũng đã vậy rồi. Do lòng tham ông đã bị gươm chém đầu.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm hoàng tử. Khi đến tuổi trưởng thành, hoàng tử học các tài nghệ ở Takkasilā. Sau khi phụ thân mất, hoàng tử lên ngôi vua và rất ham thích các món cao lương mỹ vị nên được gọi là “Vua thích mỹ vịˮ.

Người ta nói, vua dùng các món ăn một cách hoang phí đến độ chỉ một đĩa cơm cũng đã tiêu hết một trăm ngàn đồng tiền vàng. Khi ăn, vua không ăn trong nhà, vì muốn cho quần chúng trông thấy các buổi ăn sáng hoang phí của mình, vua truyền dựng một cái đình được trang hoàng châu báu tại cửa cung và đến giờ ăn, vua bảo trang hoàng ngôi đình ấy. Rồi vua ngồi trên long sàng toàn bằng vàng có lọng trắng che phía trên, hai bên có các công chúa vây quanh, vua dùng các món ăn có trăm vị tuyệt hảo trong các đĩa vàng trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng.

Bấy giờ, có một người tham ăn nhìn sự hoang phí trong cách ăn uống của vua và thèm muốn đồ ăn ấy. Không thể đè nén cơn thèm, anh ta tìm ra một phương tiện, liền mặc áo nai nịt quanh bụng thật chặt chẽ, giơ hai tay lên cao và la lớn tiếng:

– Tâu Ðại vương, tôi là sứ giả! Sứ giả!

Rồi anh ta chạy đi đến gần vua. Lúc bấy giờ, trong quốc độ ấy, nếu người nào nói: “Tôi là sứ giả” thì không ai ngăn cản người ấy. Do vậy, dân chúng chia ra làm hai, nhường chỗ cho anh ta đi qua. Anh ta chạy thật mau đến trước vua chụp lấy một miếng cơm từ đĩa của vua và bỏ vào miệng. Một vệ sĩ tuốt gươm ra định chém đầu anh ta. Nhưng vua ngăn cản vị ấy và nói:

– Chớ chém!

Rồi vua bảo anh ta:

– Chớ sợ gì cả, hãy ăn đi!

Sau khi rửa tay, anh ta ngồi xuống. Cuối bữa ăn, vua cho anh ta uống nước và ăn trầu của vua, rồi hỏi:

– Này người kia, vậy ngươi là sứ giả của ai?

– Thưa Ðại vương, tôi là sứ giả của lòng tham, tôi là sứ giả của cái bụng. Chính lòng tham sai tôi đến đây.

Nói vậy xong, anh ta đọc hai bài kệ:

28. Vì mục đích cái bụng, Người ta đi thật xa,

Ði đến cả kẻ thù, Ðể cầu xin ân huệ,

Tôi đây là sứ giả, Của chính cái bụng mình.

29. Xin chớ phẫn nộ tôi, Ôi, Chúa tể vương xa!

Suốt cả ngày lẫn đêm, Mọi người trên đời này,

Ðều rơi vào uy lực, Của cái bụng tham ăn.

Vua nghe nói vậy liền phán:

– Sự thật là vậy, những người này là sứ giả của cái bụng. Chúng bị tham dục chi phối nên chúng phải đi khắp nơi. Kẻ này đã nói lên thật khéo léo làm sao!

Vua bằng lòng với người ấy và đọc bài kệ thứ ba:

30. Hỡi này Bà-la-môn, Ta ban thưởng cho ông,

Một ngàn bò cái đỏ, Một bò đực thêm vào,

Ðây là phần quà tặng, Giữa sứ giả với nhau,

Vì tất cả chúng ta, Là sứ giả cái bụng!

Nói vậy xong, vua tiếp:

– Ta vừa nghe một điều mà trước kia ta chưa từng nghe hay chưa từng nghĩ đến do vị đại nhân này nêu ra.

Vua hoan hỷ ban cho anh ta danh vọng lớn.

***

Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo sư giảng các sự thật và cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo tham ăn đã đắc quả Bất lai và nhiều người khác đắc các quả kia.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, người tham ăn ấy là vị Tỷ-kheo tham lam này, còn vị vua thích cao lương mỹ vị là Ta vậy.

  1. Bản Tích Lan viết Saṅkappajātaka. Bản CST và Thái Lan viết Saṅkapparāgajātaka, nghĩa là Chuyện dục tầm.

  2. Xem Vin. III. 145.

  3. Tham chiếu: Pháp cú kinh “Lợi dưỡng phẩm” 法句經利養品 (T.04. 0210.33. 0571b26); Xuất diệu kinh “Dục phẩm”出曜經欲品 (T.04. 0212.2. 0626c27); Pháp tập yếu tụng kinh “Ái dục phẩm” 法集要頌經愛欲品 (T.04. 0213.2. 0778a02).

  4. Dh. v. 186-87.

  5. Xem J. II. 23, Guṇajātaka (Chuyện công đức), số §157.

  6. Xem J. III. 520, Cakkavākajātaka (Chuyện chim hồng nga), số §434; J. III. 314, Kākajātaka (Chuyện con quạ), số §395.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.