Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§258. CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG MANDHĀTU (Mandhātujātaka)[3] (J. II. 310)
Dầu có được bao nhiêu...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về chuyện một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn.
Nghe nói Tỷ-kheo ấy đi khất thực ở Xá-vệ, thấy một nữ nhân trang sức đẹp đẽ và sanh tâm luyến ái. Các Tỷ-kheo đưa vị ấy đến pháp đường và trình diện với bậc Ðạo sư:
– Bạch Thế Tôn, đây là một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn.
Bậc Ðạo sư hỏi vị ấy:
– Có thật chăng ông thối thất tinh tấn?
Vị ấy nói:
– Thưa có thật, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Tỷ-kheo, ngay trong khi ông còn đang ở trong gia đình, ông có bao giờ thỏa mãn được ái dục này chăng? Ái dục giống như biển cả rất khó làm đầy. Thuở trước, có những vị Chuyển Luân Vương ngự trị trên bốn đại châu với hai ngàn hòn đảo vây quanh, bao trùm cả loài người, ngay cả khi ngự trị trên thiên giới của Bốn Ðại Thiên Vương, hay ngự trị chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba, hoặc trên thiên giới của ba mươi sáu vị Thiên chủ Ðế-thích; các vị ấy cũng không thể nào thỏa mãn được ái dục của mình, rồi mạng chung trước khi có thể thực hiện được việc ấy. Vậy làm sao ông có thể thỏa mãn ái dục này được?
Nói xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, trong những thời đại tối sơ của thế giới, Vua Mahāsammata có mặt ở đời. Vua có con trai tên là Roja. Roja có con trai tên là Vararoja. Vararoja có con trai tên là Kalyāṇa. Kalyāṇa có con trai tên là Varakalyāṇa. Varakalyāṇa có con trai tên là Uposatha. Uposatha có con trai tên là Mandhātu. Mandhātu có đầy đủ bảy báu vật, bốn thần thông và là bậc Chuyển Luân Vương trị vì quốc độ.
Khi tay trái vua co lại và vỗ nhẹ tay mặt thì cơn mưa bảy báu vật rơi xuống, ngập đến đầu gối, như một cơn mưa dông từ trời đổ xuống. Vua thật là một người kỳ diệu hy hữu. Ngài làm hoàng tử trong tám mươi bốn ngàn năm, làm phó vương cũng trong tám mươi bốn ngàn năm, làm vị Chuyển Luân Vương cũng trong tám mươi bốn ngàn năm. Tuổi thọ của ngài thật là vô lượng.
Một hôm, vì không thỏa mãn được ái dục, vua tỏ lộ vẻ bất mãn. Các đình thần thưa:
– Tâu Thiên tử, sao Thiên tử lại bất mãn?
– Khi xét đến sức mạnh công đức của ta thì vương quốc này để làm cái gì? Có trú xứ nào tốt đẹp khả ái hơn chăng?
– Tâu Ðại vương, có thiên giới.
Vì thế, vua chuyển vận bánh xe báu, cùng với hội chúng đi lên cõi trời Bốn Thiên Vương. Bốn vị Đại vương với vòng hoa và hương thiên giới cầm tay, với thiên chúng vây quanh đi đến nghênh đón vua cùng lên thiên giới của chư vị và giao thiên giới ấy cho vua trị vì.
Vua cùng với hội chúng của mình trị vì thiên giới ấy trong một thời gian dài, nhưng tại đấy, vua không thể thỏa mãn ái dục và bắt đầu lộ vẻ bất mãn.
Bốn Thiên vương hỏi:
– Tâu Ðại vương, sao Ðại vương lại bất mãn?
– Có trú xứ nào đẹp hơn cõi trời này chăng?
– Tâu Thiên tử, chúng tôi giống như người hầu hạ của cõi trời trên! Cõi trời Ba Mươi Ba còn đẹp hơn cõi này nhiều!
Mandhātu chuyển bánh xe báu, với hội chúng của mình vây quanh đi tới, hướng mặt về cõi trời Ba Mươi Ba. Thiên chủ Ðế-thích với vòng hoa và hương trời cầm tay, với thiên chúng vây quanh, đi đến nghênh đón, hướng dẫn vua và nói:
– Tâu Ðại vương, hãy đi tới!
Vào thời vua cha đang du hành ở thiên giới giữa hội chúng chư thiên thì thái tử của ngài vận chuyển bánh xe báu đi xuống cõi người và ngự vào kinh thành của mình.
Ðế-thích đưa Mandhātu đến cung điện cõi trời Ba Mươi Ba, chia một nửa vương quốc dâng vua này. Từ đấy trở đi, hai vị cùng trị vì cõi trời. Thời gian trôi qua như vậy cho đến khi Ðế-thích đã sống ba mươi sáu triệu năm rồi mạng chung và tái sanh cõi người. Một Đế-thích khác sanh ra trị vì thiên quốc, khi tuổi thọ hết liền mạng chung và tái sanh cõi người. Theo cách thức này, ba mươi sáu vị Ðế-thích đã lần lượt mạng chung. Mandhātu với hội chúng của mình trị vì cõi trời. Như vậy, với thời gian trôi qua, lòng ái dục của vua càng tăng thịnh. Vua nghĩ: “Một nửa vương quốc có nghĩa gì đối với ta. Ta sẽ giết Ðế-thích và ngự trị toàn vương quốc.” Nhưng vua không thể giết Ðế-thích được. Ái dục này là nguồn gốc tai họa của vua. Do vậy, thọ mạng của vua bắt đầu suy giảm. Tuổi già xâm chiếm thân ngài, nhưng một thân người không có thể tan rã trên cõi trời.
Từ thiên quốc, vua rơi xuống và đi vào một công viên. Người giữ công viên thấy vua liền báo tin cho hoàng gia. Họ liền đến nơi soạn một chỗ nằm cho ngài trong công viên, và vua nằm xuống trong sự mệt mỏi. Các đình thần hỏi:
– Tâu Thiên tử, khi Thiên tử mạng chung, Thiên tử sẽ nói lên lời dặn dò gì?
– Sau khi ta mạng chung, hãy nói cho quần chúng lời dặn này của ta: “Ðại vương Mandhātu lên ngôi làm vị Chuyển Luân Vương, trị vì bốn đại châu lục, được vây quanh với hai ngàn hòn đảo, đã trị vì cõi trời Bốn Thiên Vương trong một thời gian và đã trị vì vương quốc ở thiên giới suốt thời gian dài bằng tuổi thọ của ba mươi sáu vị Ðế-thích, nay đang mạng chung.”
Nói vậy xong, vua mạng chung và đi theo nghiệp của mình.
***
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư đọc những bài kệ này:
22. Dầu có được bao nhiêu, Mặt trăng và mặt trời,
Chiếu sáng khắp mọi phương, Tất cả là nô lệ,
Của Vua Mandhātu, Cùng tất cả chúng sanh,
Sống nương tựa cõi đất, Ðều thuộc quyền Ðại vương.
23. Dầu có mưa tiền vàng, Vẫn không thỏa ái dục,
Dục ít vị, khổ nhiều, Bậc trí ý thức vậy.[4]
24. Ngay cả các thiên dục, Cũng không đem an lạc,
Ðệ tử bậc Chánh Giác, Chỉ thích ái diệt tận.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất và nhiều vị khác đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy, Ðại vương Mandhātu là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.