Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§255. CHUYỆN CON VẸT (Sukajātaka) (J. II. 291)

Khi nào con chim ấy...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo đã chết vì bội thực. Khi Tỷ-kheo này chết, các Tỷ-kheo ngồi tại pháp đường bàn luận về sự không tiết độ của Tỷ-kheo ấy như sau:

– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo có tên như vậy, không biết lượng cái bụng của mình, đã ăn quá nhiều nên không tiêu hóa nổi và đã chết.

Bậc Ðạo sư đi đến và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, khi các ông ngồi họp ở đây, các ông nói đến chuyện gì?

Khi nghe vấn đề trên, Ngài nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà trước kia cũng vậy, vị ấy vì ăn quá nhiều và đã mạng chung.

Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con vẹt ở Tuyết Sơn. Bồ-tát là vua của vài ngàn con vẹt, sống ven biển trên sườn Tuyết Sơn. Vị vua chim vẹt này sanh một đứa con. Khi nó lớn lên mạnh khỏe thì mắt Bồ-tát bị suy yếu. Người ta thường nói các con vẹt bay rất nhanh; do vậy, khi chúng trở về già thì mắt yếu trước. Con của vua chim vẹt để cha mẹ ở lại tổ, còn mình đi kiếm đồ ăn nuôi dưỡng cha mẹ.

Một hôm, nó đi tìm mồi, đứng trên đỉnh núi nhìn ra biển thấy một hòn đảo, tại đấy có một rừng xoài đầy trái màu vàng. Hôm sau, đến giờ đi tìm đồ ăn, nó bay và hạ xuống rừng xoài, uống nước ngọt của trái xoài, rồi lấy trái xoài chín đem về cho cha mẹ. Bồ-tát ăn trái xoài ấy, biết được vị trái xoài, liền nói:

– Này con thân, có phải trái xoài chín này ở tại đảo tên như vậy không?

Nó trả lời:

– Thưa cha thân, đúng vậy.

Bồ-tát nói:

– Này con thân, những con vẹt đi đến đảo ấy không bảo vệ mạng sống được lâu dài, con chớ nên đi đến hòn đảo ấy nữa.

Vẹt con không nghe theo lời cha và vẫn đi đến hòn đảo ấy. Một hôm, sau khi uống nhiều nước ngọt của xoài, nó mang về một trái xoài chín cho cha mẹ. Khi bay về trên mặt biển, thân trở thành mệt mỏi vì mang nặng, nó buồn ngủ nên vừa ngủ vừa bay, và trái xoài từ mỏ nó rơi xuống. Dần dần nó bỏ con đường về, bay sà xuống mặt nước rồi rơi xuống nước. Một con cá liền bắt lấy nó ăn thịt. Bồ-tát đợi con đã quá giờ mà không thấy nó trở về, biết rằng có lẽ nó đã rơi xuống biển và chết rồi. Kể từ đó, vẹt cha, vẹt mẹ không có đồ ăn, héo mòn rồi chết.

***

Sau khi kể câu chuyện quá khứ xong, bậc Ðạo sư liền đọc các bài kệ này:

13. Khi nào con chim ấy, Biết đủ trong ăn uống,

Chim được thọ mạng dài, Và nuôi dưỡng cha mẹ.

14. Khi chim ăn quá nhiều, Không biết sự tiết độ,

Tại đấy chim chìm xuống, Không còn ai thấy nữa.

15. Do vậy, thật lành thay, Tiết độ, không tham ăn,

Không biết lường, chìm xuống, Biết lường đâu có chìm!

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng ấy, nhiều vị đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, và Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo không tiết độ trong ăn uống là con của vua loài vẹt, còn vua loài vẹt là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.