Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§251. CHUYỆN TƯ DUY (Saṁkappajātaka)[1] (J. II. 271)

Không có người bắn cung...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn.

Nghe nói, một thiện nam tử trú ở thành Xá-vệ, do lòng tin pháp nên đã xuất gia. Một hôm, đi vào thành Xá-vệ để khất thực, vị ấy thấy một nữ nhân trang điểm đẹp đẽ, ái dục khởi lên trong tâm và vị ấy không còn hoan hỷ trong nếp sống xuất gia.

Các vị Sư trưởng, Giáo thọ sư thấy vậy, liền hỏi nguyên nhân vì sao vị ấy không được hoan hỷ. Khi được biết ái dục của vị ấy khởi lên và tâm dao động khiến vị ấy có ý muốn hoàn tục, họ liền nói với nhau:

– Thưa các Hiền giả, bậc Ðạo sư có khả năng đoạn diệt các phiền não của những ai bị ái dục bức bách. Ngài thuyết giảng các sự thật và đem lại cho họ các kết quả tu chứng. Chúng ta hãy dẫn Tỷ-kheo ấy đến gặp bậc Ðạo sư.

Ngài hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, vì sao các ông lại đưa đến đây một Tỷ-kheo ngoài ý muốn của vị ấy?

Các Tỷ-kheo tường thuật rõ sự việc ấy. Bậc Ðạo sư hỏi:

– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông thối thất tinh tấn?

Vị ấy trả lời:

– Bạch Thế Tôn, sự thật là như vậy.

Bậc Ðạo sư hỏi:

– Do nguyên nhân gì?

Tỷ-kheo ấy kể lại những sự việc đã xảy ra. Bậc Ðạo sư nói:

– Này Tỷ-kheo, các nữ nhân này thuở trước đã làm uế nhiễm tâm của những bậc thanh tịnh, những người đã nhiếp phục ái dục bằng thiền lực. Còn đối với những hạng người trống rỗng như các ông, khi bị nữ sắc chinh phục thì làm sao không bị ái dục xâm chiếm? Các người thanh tịnh vẫn còn bị uế nhiễm, những vị có danh vọng tối thượng vẫn còn bị ô nhục thì nói gì đến các người không thanh tịnh? Khi một ngọn gió làm rung chuyển núi Tu-di thì sá gì mà không rung chuyển đống lá già cỗi được sao? Ái dục này đã thử thách tâm bất động của bậc Chánh Giác ngồi dưới cây Bồ-đề thì sao lại không làm dao động tâm mới tu tập của một người như ông được?

Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các Tỷ-kheo, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn đại phú, có tài sản lên đến tám trăm triệu đồng tiền vàng. Khi lớn lên, Bồ-tát học hết tất cả các tài nghệ ở Takkasilā rồi trở về Ba-la-nại lấy vợ.

Khi cha mẹ mất, Bồ-tát làm tròn tất cả các hiếu sự đối với song thân, Bồ-tát quan sát gia sản và nghĩ: “Tài sản cha mẹ tạo vẫn còn đây. Nhưng than ôi, những ai tạo ra gia sản này đâu còn nữa!” Vì vậy, ngài cảm thấy xúc động mạnh và mồ hôi chảy ra từ thân. Bồ-tát sống trong gia đình một thời gian, rồi bố thí tài sản lớn; ngài bỏ các dục, từ giã bà con thân thuộc và đi vào Tuyết Sơn để làm ẩn sĩ.

Tại đấy, Bồ-tát sống theo hạnh lượm rễ, củ, trái cây rừng và những loại thực phẩm khác. Không bao lâu ngài đạt được các thắng trí và các thiền chứng, vui thích trong thiền lạc và sống một thời gian dài như vậy.

Sau đó, ngài suy nghĩ: “Ta sẽ đi vào con đường của dân chúng, dùng muối và giấm, như vậy thân ta sẽ trở thành mạnh mẽ. Ta sẽ đi bộ và những người cúng dường đồ ăn sẽ đảnh lễ một người giữ giới như ta. Sau khi mạng chung, họ sẽ tràn đầy thiên giới.” Vì vậy, Bồ-tát từ núi đi xuống, tiếp tục đi bộ đến thành Ba-la-nại, vào lúc hoàng hôn, Bồ-tát tìm chỗ trú ẩn. Khi thấy khu vườn của vua, ngài nghĩ: “Chỗ này rất thích hợp vì yên tịnh, ta sẽ sống tại đây.” Rồi Bồ-tát đi vào khu vườn, ngồi dưới một gốc cây, trải qua một đêm trong thiền lạc.

Ngày hôm sau, khi làm vệ sinh thân thể xong, vào buổi sáng, ngài sửa soạn bện tóc, áo da và áo vỏ cây, cầm bát đi khất thực. Với các căn yên tịnh, với ý tịch tịnh, đầy đủ uy nghi, Bồ-tát chỉ nhìn trước mặt khoảng một tầm, viên mãn đủ mọi mặt; với dung sắc sáng chói, ngài lôi cuốn cái nhìn của người đời; Bồ-tát đi vào thành khất thực và đến cửa cung vua. Bấy giờ, vua đang đi qua lại trên sân điện rộng lớn, nhìn ngang qua cửa sổ thấy Bồ-tát, vua hoan hỷ với uy nghi, đức độ của ngài nên nghĩ: “Nếu thực sự có pháp an tịnh viên mãn thì pháp ấy phải có trong người này.” Vì vậy, vua ra lệnh cho một đại thần:

– Hãy đi mời vị khổ hạnh ấy!

Vị đại thần đến đảnh lễ, cầm bình bát khất thực của ngài và thưa:

– Thưa Tôn giả, vua cho mời Tôn giả.

Bồ-tát nói:

– Thưa bậc đại phúc, vua không biết chúng tôi.

– Vậy thưa Tôn giả, xin hãy chờ ở đây cho đến khi tôi trở về.

Nói xong, vị đại thần tâu vua lời của vị ẩn sĩ. Vua nói:

– Chúng ta không có vị khổ hạnh thân tín trong gia đình. Hãy đi mời vị ấy về!

Và từ cửa sổ, vua duỗi tay ra vẫy gọi:

– Thưa Tôn giả, hãy đến đây!

Bồ-tát đưa bình bát cho vị đại thần và bước lên sân bằng con đường lớn của cung điện. Rồi vua đảnh lễ Bồ-tát và mời Bồ-tát ngồi trên long sàng. Sau đó, vua mời Bồ-tát ăn cơm, cháo và các món đã được sửa soạn cho mình. Khi ngài ăn xong, vua hỏi chuyện và nghe trả lời, vua rất hoan hỷ, đảnh lễ và thưa:

– Thưa Tôn giả, ngài ở đâu? Từ đâu ngài đến đây?

Bồ-tát thưa:

– Tôi sống ở Tuyết Sơn, thưa Ðại vương. Từ Tuyết Sơn, tôi đến đây.

Vua lại hỏi:

– Vì nhân duyên gì ngài đến đây?

Bồ-tát trả lời:

– Thưa Ðại vương, trong mùa mưa, tôi cần có một chỗ nhất định.

Vua nói:

– Thưa Tôn giả, hãy sống trong vườn ngự uyển của trẫm. Tôn giả khỏi lo về bốn vật dụng cần thiết. Trẫm sẽ tạo công đức đưa đường lên thiên giới.

Bồ-tát nhận lời vua. Sau khi ăn sáng xong, vua cùng Bồ-tát đi đến khu vườn. Vua ra lệnh cho dựng một chòi lá và xây một lối đi kinh hành có mái che, sắp đặt chỗ ở ban đêm và ban ngày cho Bồ-tát cũng như các vật cần thiết của một vị xuất gia, rồi nhà vua nói:

– Thưa Tôn giả, hãy sống an lạc ở đây!

Và vua gởi gắm Bồ-tát cho người giữ vườn. Bồ-tát bắt đầu từ đấy sống tự tại suốt mười hai năm.

Một hôm, có cuộc nổi loạn xảy ra ở biên địa. Vua muốn đi dẹp cuộc nổi loạn ấy, liền gọi hoàng hậu và nói:

– Này Hoàng hậu, hoặc khanh hoặc trẫm phải ở lại thành này.

– Thưa Thiên tử, vì sao Thiên tử nói vậy?

– Này Hiền thê, vì vị khổ hạnh giữ giới ấy.

– Thưa Thiên tử, thần thiếp sẽ không xao lãng việc săn sóc Tôn giả của chúng ta. Ðại vương hãy đi dẹp loạn, chớ lo lắng gì!

Vì vậy vua ra đi, hoàng hậu hầu hạ Bồ-tát rất chu đáo. Kể từ khi vua ra đi, hàng ngày đến thời đã định, Bồ-tát đi đến cung vua và ăn uống tại đấy.

Một hôm, Bồ-tát đi đến quá trễ, hoàng hậu sửa soạn các món ăn xong, tắm rửa, trang điểm và soạn một chỗ nằm thấp. Trong khi chờ đợi Bồ-tát đến, bà đắp sơ sài một tấm áo trên thân rồi nằm nghỉ. Bồ-tát xem giờ, liền cầm bình bát, đi ngang qua hư không và đến cửa sổ lớn.

Nghe tiếng áo vỏ cây sột soạt của Bồ-tát, hoàng hậu hấp tấp đứng dậy và áo choàng của bà rơi xuống. Bồ-tát để các căn bị chi phối bởi đối tượng đặc biệt khác thường này và đứng nhìn bà như bị thôi miên. Ác dục phiền não đã được chế ngự nhờ thiền lực trước kia, nay lại khởi lên giống như con rắn hổ phồng mang, ngóc đầu lên từ cái giỏ nó bị cầm giữ, giống như cây vú sữa bị búa chém. Do phiền não khởi lên, thiền định thối thất, các căn trở nên không thanh tịnh, khi ấy Bồ-tát giống như con quạ bị gãy cánh. Bồ-tát không thể ngồi xuống như trước nữa và không thể ăn uống gì được. Dầu được hoàng hậu mời ngồi, Bồ-tát cũng không thể ngồi yên.

Rồi hoàng hậu đặt các món ăn đủ loại cứng, loại mềm vào trong bình bát, nhưng Bồ-tát không thể ăn như trước được, và cũng không thể đi ra cửa sổ rồi bay ngang qua hư không. Cầm lấy các thức ăn, Bồ-tát đi xuống bằng thang lầu lớn và đi về khu vườn. Còn hoàng hậu biết được tâm của Bồ-tát đã say đắm đối với mình.

Bồ-tát đi về vườn, không ăn được, liền quăng thức ăn dưới chân giường; suốt một tuần, Bồ-tát nằm dài, miệng nói mê sảng:

– Ôi, hoàng hậu diễm kiều! Tay hoàng hậu đẹp làm sao! Chân đẹp làm sao! Thân thể đẹp làm sao! Bắp vế đẹp làm sao!

Trong khi bị chi phối bởi sắc đẹp ấy, Bồ-tát để đồ ăn thối và ruồi xanh đậu đầy trên mặt bát.

Sau khi dẹp loạn về, vua đi vòng quanh thành phố được trang hoàng lộng lẫy, luôn hướng về phía hữu rồi vua tiến về cung điện.

Sau đó, vua quyết định sẽ yết kiến Bồ-tát, liền đi đến khu vườn. Khi thấy am thất đầy rác dơ bẩn, nghĩ rằng Bồ-tát đã đi khỏi, vua mở cửa chòi lá và đi vào. Thấy Bồ-tát đang nằm, vua nghĩ: “Chắc Tôn giả có gì không ổn”, liền bảo người hầu quăng các đồ ăn thối, dọn dẹp chòi lá và hỏi:

– Thưa Tôn giả, ngài có việc gì không ổn?

– Thưa Ðại vương, tôi đã bị trúng tên.

Vua nghĩ: “Chắc kẻ thù của ta không tìm được cơ hội hại ta nên chúng quyết định làm hại người mà ta yêu mến! Chúng đến và gây ra vết thương này.” Rồi vua lật ngửa thân Bồ-tát, tìm kiếm chỗ bị thương nhưng không thấy vết thương, liền hỏi:

– Thưa Tôn giả, ngài trúng tên ở đâu?

Bồ-tát nói:

– Thưa Ðại vương, không ai bắn tôi. Chỉ có tôi tự bắn quả tim mình.

Rồi Bồ-tát đứng dậy, ngồi trên ghế và đọc những bài kệ này:

1-2. Không có người bắn cung, Phóng tên ở bên tai,

Không có tên bằng lông, Ðược nhổ từ cánh công,

Và được trang hoàng đẹp, Bởi người làm tên khéo.

Chính là tâm của ta, Ðược gột sạch tham ái,

Liên hệ với dục tầm, Bằng quyết tâm, trí tuệ,

Chính dục tạo vết thương, Thiêu đốt khắp tay chân,

Chẳng khác gì ngọn lửa.

3. Ta không thấy vết thương, Từ đấy máu rỉ chảy,

Do tâm không chân chính, Ðã đâm thủng tự thân.

Như vậy, Bồ-tát thuyết pháp cho vua qua ba bài kệ này.

Rồi Bồ-tát khuyên vua đi ra khỏi chòi lá. Còn Bồ-tát chuẩn bị đề tài thiền định, làm phát khởi thiền định đã mất và từ giã chòi lá, ngồi trên hư không giáo giới cho vua rồi nói:

– Thưa Ðại vương, tôi sẽ đi về Tuyết Sơn.

Vua nói:

– Thưa Tôn giả, ngài không thể đi được.

Bồ-tát nói:

– Thưa Ðại vương, khi tôi sống ở đây, tôi đã đổi thay nhục nhã như vậy. Nay tôi không thể ở đây được.

Mặc dù vua yêu cầu tha thiết, Bồ-tát vẫn bay bổng lên hư không đến Tuyết Sơn và ở đó cho đến khi mạng chung rồi sanh lên cõi trời Phạm thiên.

***

Khi bậc Ðạo sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài giảng các sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả A-la-hán, một số khác đắc quả Dự lưu, Nhất lai và Bất lai. Rồi Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, vua là Ānanda và vị ẩn sĩ tu khổ hạnh là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.