Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§246. CHUYỆN LỜI PHỈ BÁNG (Telovādajātaka)[5] (J. II. 262)
Người ác không tự chế...
Câu chuyện này, khi ở tại ngôi nhà có nóc nhọn gần Vesāli (Tỳ-xá-ly), bậc Ðạo sư đã kể về Tướng quân Sīha. Sau ngày quy y đức Thế Tôn, vị này đã mời Ngài dùng cơm có thịt. Các Niganṭṭha Nāthaputta (Ni-kiền-tử) nghe vậy liền phẫn nộ, không hoan hỷ. Muốn làm hại đức Như Lai, họ đã phỉ báng như sau:
– Sa-môn Gotama tuy biết món thịt bất tịnh được làm cố ý vì mình mà vẫn ăn.
Do đó, các Tỷ-kheo ngồi tại pháp đường bắt đầu nói chuyện này:
– Này các Hiền giả, Niganṭṭha Nāthaputta đi khắp nơi với hội chúng của mình và phỉ báng như sau: “Sa-môn Gotama tuy biết món thịt bất tịnh được làm cố ý vì mình mà vẫn ăn.”
Nghe vậy, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Niganṭṭha Nāthaputta mới phỉ báng ta ăn món thịt được làm cố ý vì mình mà trước kia vị ấy cũng hành động như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở trước, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị ẩn sĩ.
Vì mục đích lấy muối và giấm, ngài từ vùng Tuyết Sơn đi đến Ba-la-nại, và ngày hôm sau vào thành khất thực. Có một điền chủ muốn làm hại vị tu khổ hạnh liền mời ngài vào nhà, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và đãi món thịt cá. Sau bữa ăn, gia chủ ngồi xuống một bên vị ẩn sĩ thưa:
– Khi làm món thịt này, chính vì ngài mà tôi giết các loài vật hữu tình. Việc bất thiện này không thuộc chúng tôi mà chỉ thuộc về ngài thôi.
Rồi ông ta đọc bài kệ đầu:
192. Người ác không tự chế, Bảo giết, nấu, mời ăn,
Người ăn món thịt này, Bị ác làm ô nhiễm.
Nghe vậy, vị ẩn sĩ đọc bài kệ thứ hai:
193. Nếu người không tự chế, Giết vợ con, mời ăn,
Người có trí, tuy ăn, Không bị ác làm nhiễm.
Bồ-tát thuyết pháp như vậy rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
***
Khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người điền chủ là Niganṭṭha Nāthaputta, còn vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.