Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§245. CHUYỆN PHÁP MÔN CĂN BẢN (Mūlapariyāyajātaka) (J. II. 259)

Thời gian ăn hữu tình...

Câu chuyện này, khi ở rừng Subhaga gần Ukkaṭṭhā, bậc Ðạo sư kể về Kinh Pháp môn căn bản (Mūlapariyāyasutta).[3]

Nghe nói lúc bấy giờ, có năm trăm Bà-la-môn tinh thông ba tập Vệ-đà đã xuất gia trong giáo pháp, đã học Ba tạng kinh điển và sanh lòng ngã mạn.

Họ suy nghĩ: “Bậc Chánh Ðẳng Giác biết Ba tạng kinh điển, chúng ta cũng biết Ba tạng kinh điển. Như vậy, giữa chúng ta và bậc Chánh Ðẳng Giác nào có khác gì?” Họ không đi đến hầu Thế Tôn, và họ sống với một hội chúng đệ tử ngang bằng hội chúng của bậc Ðạo sư.

Một hôm, bậc Ðạo sư đi đến gặp họ, và khi họ đã ngồi gần mình, bậc Ðạo sư thuyết Kinh Pháp môn căn bản và tô điểm thêm tám thứ bậc tu chứng. Họ không hiểu được một lời gì. Trước kia, họ kiêu mạn nghĩ rằng không có bậc Hiền trí nào bằng họ. Nay đứng trước Phật, họ thấy mình không hiểu một tí gì. Họ tự bảo: “Thật không có ai hiền trí như chư Phật. Ôi, công đức chư Phật thật tối thắng!”

Từ đấy trở đi, họ không còn kiêu mạn, trở thành hiền lành như rắn bị rút nanh.

Bậc Ðạo sư trú ở Ukkaṭṭhā cho đến khi thỏa thích, rồi đi Vesāli, đến điện thờ Gotama và giảng Kinh Gotama.[4] Cả ngàn thế giới đều rung động! Khi nghe kinh ấy xong, các Tỷ-kheo này trở thành các vị A-la-hán.

Nhưng khi bậc Ðạo sư giảng xong Kinh Pháp môn căn bản và trú ở Ukkaṭṭhā, các Tỷ-kheo hội họp tại pháp đường, bắt đầu nói chuyện như sau:

– Thưa các Hiền giả, ôi uy lực của đức Phật thật vĩ đại! Các du sĩ Bà-la-môn ấy thường vẫn kiêu mạn tự đắc như vậy, nay đã diệt trừ kiêu mạn nhờ bài thuyết pháp về Pháp môn căn bản của Thế Tôn.

Bậc Ðạo sư đến tại pháp đường và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn luận vấn đề gì?

Khi biết vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mới như vậy. Thuở xưa, những người này sống đầy tự cao, tự đại, Ta cũng đã nhiếp phục lòng kiêu mạn của họ.

Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài tinh thông ba tập Vệ-đà, trở thành bậc Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương và giảng dạy thần chú cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Năm trăm thanh niên ấy chú tâm học tập cho đến thành tựu viên mãn, rồi lòng kiêu mạn khởi lên, họ tự nghĩ: “Chúng ta hiểu biết chừng nào, vị Sư trưởng cũng hiểu chừng ấy thôi, không có gì khác.” Vì vậy, họ không đi đến hầu Sư trưởng, cũng không làm các bổn phận đối với Sư trưởng.

Một hôm, họ thấy Sư trưởng ngồi dưới gốc cây táo, muốn nhạo báng Sư trưởng, họ lấy móng tay gõ vào cây táo và nói:

– Cây này thật sự không có lõi!

Bồ-tát biết họ nhạo báng mình, liền nói:

– Này các đệ tử, ta sẽ hỏi các anh một câu.

Họ thích thú nói:

– Hãy nói lên, chúng tôi sẽ trả lời!

Sư trưởng hỏi bằng cách đọc bài kệ đầu:

190. Thời gian ăn hữu tình, Ăn tất cả, ăn mình,

Ai là hữu tình ấy, Ăn cả đến thời gian,

Ai là người nấu chín, Thời gian nấu hữu tình?

Nghe câu hỏi này, không một ai trong đám thanh niên Bà-la-môn có thể hiểu được. Rồi Bồ-tát nói với chúng:

– Chớ tưởng rằng câu hỏi này nằm trong ba tập Vệ-đà! Các anh tưởng rằng mình biết tất cả mọi điều ta biết. Các anh hành động giống như cây táo. Các anh không biết rằng ta biết được nhiều hơn mọi điều các anh biết. Hãy đi đi! Ta cho các anh bảy ngày. Hãy nghiền ngẫm câu hỏi này suốt thời gian ấy!

Họ đảnh lễ Bồ-tát rồi đi về nhà của mình. Họ suy nghĩ suốt bảy ngày nhưng cuối cùng không giải quyết được câu hỏi. Sau bảy ngày, họ đi đến gặp Sư trưởng, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Sư trưởng hỏi:

– Này các đệ tử với mặt mày hiền thiện kia, các anh có đáp được câu hỏi ấy không?

Họ trả lời:

– Thưa không, chúng tôi không biết.

Rồi Bồ-tát quở trách họ với bài kệ thứ hai:

191. Loài người có nhiều đầu, Trên đầu tóc mọc lên,

Ðầu dính lên trên cổ, Bao nhiêu đầu có tai?

Bồ-tát tiếp tục chê trách các thanh niên Bà-la-môn ấy:

– Các anh là người ngu si, tai của các anh chỉ có lỗ chứ không có trí tuệ.

Sau đó, Bồ-tát trả lời câu hỏi. Nghe xong, họ nói:

– Ôi, Sư trưởng thật vĩ đại thay!

Họ liền xin lỗi, rồi nhiếp phục lòng kiêu mạn và hầu hạ Bồ-tát.

***

Khi bậc Ðạo sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, năm trăm thanh niên Bà-la-môn là những Tỷ-kheo này, còn vị Sư trưởng là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.