Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§239. CHUYỆN CON NHÁI XANH (Haritamātajātaka)[2] (J. II. 237)
Khi ta là con rắn...
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo sư kể về Vua Ajātasattu (A-xà-thế).
Khi phụ vương của Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala gả con gái cho Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la), có cho nàng một làng ở Kāsi như món tiền sắm lễ. Khi Ajātasattu giết cha là Vua Bimbisāra, không bao lâu, mẫu hậu mạng chung vì thương chồng. Sau khi mẹ mất, Vua Ajātasattu vẫn hưởng lợi tức của ngôi làng ấy. Vua nước Kosala quyết định không để ngôi làng thuộc tài sản gia đình mình cho tên nghịch tử đã giết cha và vua gây chiến với Ajātasattu.
Khi thì người cậu (tức là Vua Pasenadi) chiến thắng, khi thì người cháu (tức Ajātasattu) chiến thắng. Khi Ajātasattu thắng trận, vua giương cờ lên khắp trong nước và đi về thành với khí thế tưng bừng. Khi vua thất trận, vua về sầu muộn và không cho ai biết.
Một hôm, tại pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi nói chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, khi Ajātasattu thắng người cậu thì hân hoan, còn khi thất trận thì sầu muộn.
Bậc Ðạo sư đến pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi họp bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Không phải chỉ nay, ngày xưa cũng vậy, khi nào ai thắng trận cũng hân hoan, khi nào ai thất trận cũng sầu muộn.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con nhái xanh. Lúc bấy giờ, khắp nơi tại những hang lỗ sâu dưới sông, dân chúng thường đặt các lưới nơm để bắt cá. Một bầy cá lội vào trong một cái nơm ấy và một con rắn nước cũng bò vào đó để bắt cá. Đàn cá hợp lại và cắn con rắn nước toàn thân chảy máu. Con rắn không thấy ai cứu mình, sợ chết vội bò ra khỏi miệng nơm và nó vô cùng đau đớn, nằm nấp một bên bờ nước.
Lúc bấy giờ, con nhái xanh nhảy đến và rơi vào miệng cái lưới. Con rắn biết không ai có thể phán xử cho mình, thấy nhái xanh nằm đấy liền hỏi:
– Này bạn nhái xanh, bạn có bằng lòng với việc làm của đàn cá này không?
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
177. Khi ta là con rắn, Đi vào trong miệng nơm,
Các con cá cắn ta, Bạn nhái có hoan hỷ,
Với việc đàn cá làm?
Con nhái xanh nói:
– Vâng, thưa bạn, tôi hoan hỷ. Vì sao vậy? Khi những con cá đi vào khu vực của bạn, bạn ăn chúng. Khi bạn vào khu vực đàn cá, chúng ăn bạn. Tại khu vực của mình, tại chỗ mình kiếm ăn, không ai là không có sức mạnh.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
178. Loài người thường ăn cướp, Khi nào thấy được lợi,
Khi người khác ăn cướp, Kẻ bị cướp, cướp lại.
Khi Bồ-tát phân xử vụ kiện này, đàn cá thấy chỗ yếu của con rắn nước, liền nói:
– Chúng ta sẽ bắt kẻ thù.
Ðàn cá đi ra khỏi miệng nơm, giết con rắn ngay tại chỗ rồi bỏ đi.
***
Sau khi nói pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, con rắn nước là Ajātasattu, còn con nhái xanh là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.