Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§236. CHUYỆN CON CÒ (Bakajātaka) (J. II. 233)
Thật trắng thay chim này...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một kẻ giả dối. Khi kẻ ấy được đưa đến trước mặt bậc Ðạo sư, Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, người này không những nay mà thuở xưa đã là một kẻ giả dối.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là vua cá, sống trong cái hồ ở khu vực Tuyết Sơn cùng với một số lớn cá tùy tùng.
Lúc ấy, một con cò muốn ăn các con cá tại chỗ gần hồ nước. Vì vậy, nó cúi đầu, dang cánh ra, nhìn các con cá một cách mơ màng, chờ đợi khi nào chúng mất cảnh giác thì bắt chúng.
Bấy giờ, Bồ-tát cùng với đàn cá đi tìm mồi, đến tại chỗ ấy. Ðàn cá thấy con cò đang rình mồi, liền đọc bài kệ đầu:
171. Thật trắng thay chim này, Loài chim hai lần sanh,
Chẳng khác gì hoa súng, Lặng lẽ dang hai cánh,
Im lặng, mơ màng nhìn, Như trầm tư mặc tưởng!
Bồ-tát nhìn con cò và đọc bài kệ thứ hai:
172. Con cò ấy làm gì, Các ngươi đâu biết được,
Vì không biết rõ ràng, Nên có lời tán tụng,
Chim hai lần sanh ấy, Ðang đợi giết chúng ta,
Do vậy hai cánh nó, Không vẫy, không động đậy.
Nghe nói vậy, đàn cá vẫy nước và đuổi con cò đi.
***
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, con cò là kẻ giả dối này, còn vua cá là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.