Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§226. CHUYỆN CON CHIM CÚ (Kosiyajātaka) (J. II. 208)

Lành thay nếu xuất hành...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về vua xứ Kosala.

Vua ấy đi dẹp loạn ở biên địa nhưng xuất hành không đúng thời. Câu chuyện đã được kể ở chương II, Chuyện nắm hạt đậu.[6]

Cũng như trước, bậc Đạo sư kể câu chuyện quá khứ theo lời thỉnh cầu của vua.

***

Thuở xưa, vua xứ Ba-la-nại xuất hành phi thời, cắm trại ở một khu ngự viên. Lúc bấy giờ, một con chim cú bay vào một khóm tre và nấp tại đấy. Một đàn quạ cũng đến, vây quanh nó với ý định: “Khi nào nó ra, chúng ta sẽ bắt nó.”

Không chờ đợi mặt trời lặn, chim cú đi ra không đúng thời và bắt đầu chạy trốn. Các con quạ vây quanh, lấy mỏ đánh nó, làm nó rơi xuống đất. Nhà vua gọi Bồ-tát và hỏi:

– Này bậc Hiền trí, vì sao những con quạ lại tấn công và đánh ngã con cú?

– Thưa Ðại vương, hễ ai đi ra khỏi trú xứ của mình không đúng thời, đều phải gặp khổ nạn như vậy. Do vậy, chớ nên đi ra khỏi trú xứ của mình phi thời.

Và để nêu lên ý nghĩa này, Bồ-tát đọc hai bài kệ:

151. Lành thay nếu xuất hành, Ðúng thời, không phi thời,

Khi xuất hành phi thời, Nhiều người hay chỉ một,

Thế nào cũng gặp nạn, Vì không rõ nghĩa này,

Như con cú khốn khổ, Phải chết vì quạ bầy.

152. Bậc trí biết quy luật, Biết nhược điểm người khác,

Chinh phục mọi kẻ thù, Như cú, nếu khôn ngoan,

Sẽ được nhiều an lạc.

Vua nghe lời Bồ-tát, liền quay về nhà, không đem quân đi đánh nữa.

***

Khi bậc Ðạo sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, vua là Ānanda và vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.