Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§225. CHUYỆN ÐỀ CAO TÍNH KHAM NHẪN (Khantivaṇṇanajātaka) (J. II. 206)
Thưa Thiên tử, thần có...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về vua xứ Kosala.
Bấy giờ, một vị đại thần giúp ích nhiều cho vua đã lợi dụng chức vụ và thông gian trong nội cung. Vua biết được kẻ phạm tội nhưng vì vị đại thần ấy giúp nhiều cho vua nên vua chịu đựng tội lỗi kia và thưa chuyện với bậc Ðạo sư. Ngài nói:
– Các vua thuở trước, thưa Ðại vương, cũng chịu đựng như vậy.
Rồi theo lời vua thỉnh cầu, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở trước, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, có một đại thần thông gian trong nội cung. Vị đại thần ấy cũng có một người hầu cận thông gian trong nhà mình. Ðại thần ấy không thể chịu đựng tội phạm ấy, vì thế đã đem nó đến trước vua và hỏi:
– Thưa Thiên tử, thần có một người hầu cận làm tất cả mọi việc cho thần nhưng nó lại thông gian tại nhà thần. Nay phải làm gì với nó?
Và vị ấy đọc bài kệ đầu:
149. Thưa Thiên tử, thần có, Một người giỏi nhiều việc,
Người ấy đã phạm tội, Ngài nghĩ phải làm gì?
Nghe vậy, vua đọc bài kệ thứ hai:
150. Và chính ta cũng có, Người như vậy đứng đây,
Người tốt thật khó tìm, Nên ta cần kham nhẫn!
Vị đại thần biết lời vua nói ám chỉ mình và từ đấy trở đi không dám thông gian trong nội cung nữa. Còn người hầu hạ ấy biết vấn đề đã được tâu với vua nên từ đấy trở đi không dám hành động sai quấy nữa.
***
Sau khi nói pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, Ta là vua xứ Ba-la-nại, còn vị đại thần ấy biết vua đã thưa với bậc Ðạo sư câu chuyện về mình, nên từ đấy trở đi không dám hành động sai quấy nữa.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.