Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§217. CHUYỆN CON GÁI CỦA NGƯỜI BÁN RAU (Seggujātaka) (J. II. 179)

Thế giới thích hoan lạc...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một nam cư sĩ bán rau trái. Câu chuyện này đã được nói đến trong chương I, Chuyện người bán rau.[3] Tại đây, bậc Ðạo sư hỏi nam cư sĩ ấy:

– Này nam cư sĩ, sao lâu ngày ông không đến?

– Bạch Thế Tôn, con gái của con thường hay cười. Sau khi thử thách nó, con đã gả nó cho con trai một gia đình quý tộc. Vì phải làm việc này, con không có dịp đến yết kiến Ngài.

Rồi bậc Ðạo sư nói với nam cư sĩ ấy:

– Này nam cư sĩ, không phải chỉ nay con gái ông có giới hạnh. Thuở trước, nàng cũng có giới hạnh rồi. Không phải chỉ nay ông mới thử thách nàng. Thuở trước, ông cũng đã thử thách nàng.

Rồi theo lời nam cư sĩ thỉnh cầu, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát làm một vị thần cây.

Lúc bấy giờ, người nam cư sĩ buôn bán rau trái này nghĩ: “Ta sẽ thử con gái của ta.” Rồi ông đem cô vào rừng, cầm tay cô làm như thể ông có ham muốn tội lỗi với cô. Sau đó, người cư sĩ đọc bài kệ đầu với con gái đang than khóc:

133. Thế giới thích hoan lạc, Còn con gái của ta,

Lại không khéo hiểu biết, Ðối với chuyện hạ liệt.

Nay con còn được gọi, Thiếu nữ đồng trinh chăng?

Bị ta bắt trong rừng, Thôi con đừng khóc nữa!

Nghe vậy, cô con gái nói:

– Thưa cha thân, con vẫn là con gái! Con không biết gì về dâm dục cả.

Rồi vừa khóc, cô vừa đọc bài kệ thứ hai:

134. Người đáng bảo vệ con, Khỏi buồn phiền đau khổ,

Người ấy là cha con, Lại ác ý trong rừng,

Nay con khóc với ai, Giữa núi rừng thanh vắng,

Người đáng bảo vệ con, Lại muốn dùng sức mạnh?

Như vậy, người bán rau trái ấy thử con gái mình xong, liền đưa cô về nhà, và gả cô cho một chàng trai tốt. Về sau, ông mạng chung và đi theo nghiệp của mình.

***

Khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng, người bán rau chứng quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, người cha và cô con gái là hai người hiện tại, còn vị thần cây chứng kiến câu chuyện ấy là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.