Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§215. CHUYỆN CON RÙA (Kacchapajātaka) (J. II. 175)
Con rùa nói lên lời...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về Kokālika. Câu chuyện sẽ được kể trong Chuyện Hiền giả Takkāriya.[2] Bấy giờ, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokālika mới bị hại vì lời nói. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã bị hại như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần, khi lớn lên trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh hay nói nhiều. Khi vua nói, không cho ai cơ hội xen vào. Và Bồ-tát muốn ngăn chặn vua nói nhiều nên cố tìm một cơ hội.
Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn có một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm, ngỗng trời nói với rùa:
– Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakūṭa, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé!
– Ồ, làm sao tôi đi được!
– Chúng tôi sẽ đưa bác đi nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.
– Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi!
Chúng chấp thuận, bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy rồi bay lên hư không.
Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:
– Hai con ngỗng trời mang con rùa trên cái gậy!
Con rùa muốn nói lên: “Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ bọn vô loại kia?”
Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai. Khi ấy tiếng ồn ào nổi lên:
– Con rùa rơi trên sân trống đã bị vỡ làm hai rồi!
Vua đem theo Bồ-tát cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ-tát:
– Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?
Bồ-tát suy nghĩ: “Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy và đi đến chỗ chết.” Và Bồ-tát thưa với vua:
– Thưa Ðại vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc các bài kệ này:
129. Con rùa nói lên lời, Lời nói tự hại mình,
Tuy khéo ngậm cái gậy, Mở miệng tự sát hại.
130. Hãy thấy rõ điều này, Bậc Nhân chủ vĩ đại,
Hãy nói lên vừa phải, Cẩn thận nói đúng thời.
Kẻ nào nói nhiều lời, Như con rùa gặp nạn.
Vua biết Bồ-tát kể chuyện này vì mình, liền nói:
– Thưa bậc Hiền trí, có phải vì trẫm mà bậc Hiền trí nói vậy?
Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời:
– Dù Ðại vương hay người khác, nếu nói quá lượng đều gặp nạn như vậy.
Từ đấy trở đi, vua bỏ tánh nói nhiều và trở thành người ít nói.
***
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, con rùa là Kokālika, hai con ngỗng trời là hai vị Trưởng lão lừng danh, vua là Ānanda, còn vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.