Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§194. CHUYỆN KẺ TRỘM NGỌC (Maṇicorajātaka) (J. II. 121)
Không có thiên thần nào...
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo sư kể về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) muốn sát hại mình.
Khi nghe Devadatta đang âm mưu sát hại mình, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thuở xưa cũng vậy, Devadatta đã âm mưu sát hại Ta. Nhưng kẻ ấy cũng không thể làm như vậy được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một gia chủ tại một ngôi làng nhỏ không xa Ba-la-nại bao nhiêu. Khi Bồ-tát đến tuổi trưởng thành, người ta đi cưới con gái của một gia đình từ Ba-la-nại về gả cho Bồ-tát. Nàng dễ thương, xinh đẹp, mỹ lệ giống như thiên nữ, yểu điệu giống như cây leo nở hoa, yêu kiều như con chim thần Kinnarī, có tên là Sujātā. Nàng thủy chung, có giới hạnh, luôn luôn làm tròn bổn phận đối với chồng. Nàng được Bồ-tát thương mến và quý trọng, vì vậy cả hai sống với nhau hoan hỷ, đồng tâm và thuận hòa.
Một hôm Sujātā thưa với Bồ-tát:
– Em muốn về thăm cha mẹ em.
– Lành thay, hiền thê. Hãy chuẩn bị thật đầy đủ lương thực đi đường!
Rồi Bồ-tát bảo nấu đủ loại đồ ăn và sắp đặt các lương thực đi đường. Chuẩn bị xong, Bồ-tát ngồi phía trước đánh xe, còn vợ ngồi phía sau. Cả hai đi đến gần thành Ba-la-nại, tháo đôi bò khỏi xe, tắm rửa và ăn uống. Rồi Bồ-tát cột bò vào xe lại và ngồi phía trước, còn Sujātā đã thay áo, trang điểm và ngồi phía sau.
Khi cỗ xe đi vào thành, vua xứ Ba-la-nại ngồi trên lưng con voi đẹp đang đi xung quanh thành và đến chỗ ấy. Sujātā vừa xuống xe và đi bộ sau xe. Vua thấy nàng, sanh tâm luyến ái, bảo một vị cận thần đi theo dò hỏi nàng ấy đã có chồng hay chưa, và về tâu với vua:
– Thần nghe nàng ấy đã có chồng và chồng nàng đang ngồi phía trước xe.
Vua không thể chế ngự tâm ái luyến của mình và tham dục đã tràn ngập trong lòng, vua suy nghĩ: “Với mọi phương tiện, ta sẽ giết tên này và lấy nữ nhân.”
Vua gọi một người và bảo:
– Này người kia, hãy cầm lấy viên ngọc này, giả bộ đang đi trên đường, rồi bỏ rơi hòn ngọc trong xe của người ấy!
Nói vậy xong, vua giao cho anh ta một hòn ngọc và thúc giục anh ta đi. Người ấy vâng lời lấy hòn ngọc, đi đến thả nó vào trong xe rồi trở về thưa:
– Thưa Thiên tử, tôi đã thả hòn ngọc xong.
Vua la lớn:
– Ta đã mất một hòn ngọc!
Mọi người làm ầm ĩ lên và vua ra lệnh:
– Hãy đóng tất cả, cắt đứt mọi đường đi ra và bắt tên ăn trộm!
Các người hầu vua làm theo đúng lệnh. Còn người kia đem theo một số người, đi gần đến Bồ-tát và nói:
– Này ông, hãy để xe lại! Vua mất hòn ngọc trên vương miện. Chúng tôi phải khám xe của ông.
Anh ta khám xe, lấy hòn ngọc mà chính anh ta đã bỏ vào, rồi bảo Bồ-tát là kẻ ăn cắp hòn ngọc, lấy tay chân đánh đá ngài, cột tay ngài ra đằng sau, dẫn đến trình vua và thưa:
– Hãy xem, đây là tên trộm hòn ngọc!
Vua ra lệnh:
– Hãy chặt đầu nó!
Các người của vua tại các ngã tư đường đánh Bồ-tát bằng roi, rồi dẫn ngài ra ngoại thành qua cửa phía Nam.
Bấy giờ, Sujātā bỏ xe, giơ tay lên trời than khóc chạy theo chồng:
– Ôi, chồng tôi! Vì tôi mà chồng tôi phải chịu cảnh đau khổ này!
Nàng đi theo và khóc than như vậy. Các người hầu của vua bắt Bồ-tát nằm ngửa với ý định chặt đầu ngài. Thấy vậy, Sujātā nghĩ đến công đức giới hạnh của mình và nói thầm: “Ta chắc rằng trong đời này không vị thiên thần nào có khả năng chặn đứng bàn tay những người độc ác dã man làm hại những người có giới hạnh.”
Rồi nàng than khóc và đọc bài kệ đầu:
87. Không có thiên thần nào, Chắc các ngài đi vắng,
Có lẽ không một ai, Bảo vệ cõi đời này.
Kẻ bạo ngược hung hãn, Muốn làm gì thì làm,
Có lẽ không một ai, Chặn đứng được bọn chúng!
Vì nàng là người có giới hạnh than khóc như vậy nên chiếc ngai của Thiên chủ Ðế-thích trở thành nóng. Ðế-thích nghĩ: “Ai lại muốn ta rời khỏi ngôi vị Thiên chủ của ta đây?” Rồi Ðế-thích xem xét địa giới, biết sự việc đã xảy ra và nói:
– Vua xứ Ba-la-nại đang làm một điều thật ác độc khiến cho Sujātā có giới hạnh phải đau đớn. Nay ta cần phải đi xuống đó!
Ðế-thích từ thiên giới đi xuống, với thần lực của mình bắt ông vua độc ác đang ngồi trên lưng voi phải rời khỏi voi và đặt vua nằm ngửa tại chỗ hành quyết thay Bồ-tát. Ðế-thích đỡ Bồ-tát dậy, trang điểm ngài với mọi thứ đồ trang sức, rồi mặc áo mũ của vua và đặt ngài ngồi trên lưng voi của vua.
Quân hầu của vua giơ cao búa lên chém đầu. Khi chém xong, họ mới biết là đầu của vua! Thiên chủ Ðế-thích hiện hình có thể thấy được, đi đến Bồ-tát, làm lễ Quán đảnh cho ngài và đặt Sujātā lên ngôi hoàng hậu. Các vị đại thần và các Bà-la-môn gia chủ, v.v... thấy Thiên chủ Ðế-thích, sung sướng nói:
– Vua phi pháp đã bị giết, chúng ta nay được vua đúng pháp do Ðế-thích ban cho chúng ta!
Ðế-thích đứng giữa hư không nói:
– Ðây là vua của các ngươi do Ðế-thích ban cho. Bắt đầu từ nay, vua ấy sẽ trị vì quốc độ đúng pháp. Nếu vua làm việc phi pháp, trời sẽ mưa phi thời, đúng thời trời không mưa và có ba tai nạn về đói, về bệnh, về chiến tranh. Ba tai nạn này sẽ đến cho dân chúng vì vua ác.
Rồi Ðế-thích thuyết giáo họ với bài kệ thứ hai:
88. Với nó, mưa phi thời, Ðúng thời, trời không mưa,
Từ trời, vua xuống đất, Hãy nhìn rõ nguyên nhân,
Kẻ này đã bị giết.
Như vậy, Ðế-thích thuyết giáo cho đại quần chúng xong, liền trở về cõi thiên của mình. Còn Bồ-tát trị nước đúng pháp và về sau đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư thiên.
***
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy, vua phi thời là Devadatta, Ðế-thích là Anuruddha (A-na-luật-đà), Sujātā là mẹ của Rāhula (La-hầu-la), còn vị vua do Ðế-thích đặt lên ngôi là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.