Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§188. CHUYỆN SƯ TỬ LAI CHÓ RỪNG (Sīhakoṭṭhukajātaka) (J. II. 108)
Ngón chân và móng chân...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về Kokālika.
Một hôm, khi nhiều vị đa văn đang nói pháp, Kokālika cũng muốn tự mình nói pháp. Mọi việc đều giống các chi tiết ở chuyện trước, Chuyện núi Daddara.[2] Khi nghe việc này, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không chỉ nay Kokālika mới phô bày bản chất qua tiếng nói của mình. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã làm như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một con sư tử ở khu vực Tuyết Sơn, do cùng sống với một con chó rừng cái đã sanh một thú con. Con sư tử lai này về ngón chân, móng, lông bờm, màu sắc, hình dáng, mặt mày đều giống cha nhưng tiếng hú thì giống mẹ.
Một hôm, trời mưa, các sư tử họp lại, rống lên chơi các trò chơi sư tử, và con sư tử này cũng muốn rống lên giữa bọn chúng, nhưng chỉ hú lên tiếng hú của chó rừng. Nghe nó hú, các sư tử đều im lặng. Khi nghe tiếng ấy, một sư tử con cũng được sanh từ Bồ-tát, liền hỏi:
– Thưa cha, con sư tử này về dung sắc, v.v... giống chúng con nhưng tiếng hú lại khác. Con thú ấy là ai?
Rồi nó đọc bài kệ đầu:
75. Ngón chân và móng chân, Là ngón, móng sư tử,
Nó có chân sư tử, Ðể đứng dựa lên trên,
Nhưng giữa chúng sư tử, Tiếng kêu nó lại khác.
Nghe vậy, Bồ-tát nói:
– Này con thân, em con là con một chó rừng cái, giống cha về dung sắc, giống mẹ về tiếng.
Rồi Bồ-tát nói với con sư tử có mẹ là con chó rừng cái:
– Này con thân, bắt đầu từ nay, sống ở đây chớ lên tiếng! Nếu con lên tiếng, chúng sẽ biết con là giống chó rừng.
Khuyên dạy vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
76. Này con thân chớ hú, Sống im lặng trong rừng,
Với tiếng, chúng biết con, Tiếng con không giống bố!
Sau khi nghe lời khuyên dạy này, con thú ấy không bao giờ thử rống nữa.
***
Khi bậc Ðạo sư thuyết pháp thoại này xong, Ngài nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là Kokālika, con sư tử cùng một cha là Rāhula (La-hầu-la), còn vua các loài thú là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.