Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§182. CHUYỆN CON VOI THIỆN CHIẾN (Saṁgāmāvacarajātaka) (J. II. 92)
Anh hùng quen chiến trận...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về Tôn giả Nanda.
Từ khi trở về thành Kapila lần đầu tiên, cho người em trai là Hoàng tử Nanda (Nan-đà) xuất gia xong, bậc Ðạo sư đã đi ra khỏi thành Kapila, tuần tự đi đến Xá-vệ và sống tại đây. Tôn giả Nanda nhớ lại khi cầm lấy bình bát của Thế Tôn, cùng với Thế Tôn đi ra khỏi nhà thì một Thích nữ có tình cảm đối với Nanda, nhìn ra cửa sổ với đầu tóc đang chải dở, thấy vậy nàng nói:
– Sao Hoàng tử Nanda lại đi ra với bậc Ðạo sư? Mong Tôn giả hãy sớm trở về!
Nhớ tiếng nói của nàng, Tôn giả sanh luyến ái, không vui vẻ, trở thành vàng vọt và tay chân nổi gân. Bậc Ðạo sư biết được tin này, suy nghĩ: “Ta sẽ khuyên dạy Nanda từ bỏ tiếng sét ái tình và tu đạo giải thoát.”
Ngài đi đến phòng Nanda ở, ngồi xuống chỗ soạn sẵn và hỏi:
– Này Nanda, ông có an vui trong Pháp và Luật này không?
– Bạch Thế Tôn, tâm con bị nàng chi phối. Con không an vui.
– Này Nanda, trước đây ông đã đến chiêm bái Tuyết Sơn chưa?
– Bạch Thế Tôn, con chưa đến.
– Vậy chúng ta hãy đi.
– Bạch Thế Tôn, nhưng con không có thần thông làm sao con đi được?
– Này Nanda, Ta sẽ đưa ông đi với thần lực của Ta.
Rồi bậc Ðạo sư cầm lấy tay vị Trưởng lão bay lên hư không.
Giữa đường, hai vị đi qua một đám ruộng bị cháy, trên một khúc cây bị cháy, một con khỉ cái ngồi với mũi và đuôi bị sứt lông trụi hết, da ngoài bị cháy, chỉ còn da trong bê bết máu. Bậc Ðạo sư hỏi:
– Này Nanda, ông có thấy con khỉ không?
– Dạ có, bạch Thế Tôn.
– Hãy nhìn nó cho kỹ.
Rồi bậc Ðạo sư dắt Nanda và chỉ cho Nanda thấy trải dài sáu mươi do-tuần là cao nguyên Manosilā, bảy hồ lớn như hồ Anotatta kỳ vĩ, v.v... năm con sông lớn, toàn bộ Tuyết Sơn có hàng trăm cảnh trí tuyệt đẹp với núi Vàng, núi Bạc, núi Bảo Châu. Rồi bậc Ðạo sư hỏi:
– Này Nanda, trước đây ông có thấy cung điện cõi trời Ba Mươi Ba chưa?
– Bạch Thế Tôn, con chưa thấy.
– Hãy đi, này Nanda, Ta sẽ chỉ cho ông thấy cung điện cõi trời Ba Mươi Ba.
Rồi bậc Ðạo sư dắt Nanda đến đấy và ngồi trên hoàng thạch tọa. Thiên chủ Sakka (Ðế-thích) liền đi đến với chư thiên của hai thiên giới, đảnh lễ bậc Ðạo sư và ngồi xuống một bên. Hai mươi lăm triệu tiên nữ của Ðế-thích và năm trăm thiên nữ với bàn chân bồ câu cũng đến đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo sư làm cho Nanda khởi tâm say đắm nhìn năm trăm thiên nữ ấy không chớp mắt.
– Này Nanda, ông có thấy các thiên nữ với bàn chân bồ câu này không?
– Bạch Thế Tôn, con đã thấy.
– Này Nanda, những thiên nữ này đẹp hay Thích nữ của ông đẹp?
– Bạch Thế Tôn, ví như con khỉ cái tàn phế so sánh với cung nữ của vua; cũng vậy, nếu so sánh Thích nữ của vua với các thiên nữ này.
– Này Nanda, nay ông sẽ làm gì?
– Bạch Thế Tôn, làm thế nào để được các thiên nữ ấy?
– Hành trì Sa-môn pháp sẽ được các thiên nữ ấy.
– Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn hứa với con rằng do hành trì pháp Sa-môn con sẽ được các thiên nữ ấy thì con sẽ hành trì pháp Sa-môn.
– Này Nanda, Ta hứa với ông đó, hãy hành trì đi!
Như vậy, vị Trưởng lão đứng giữa thiên chúng, sau khi được lời hứa của Thế Tôn, liền thưa:
– Bạch Thế Tôn, chớ quá chậm trễ. Chúng ta hãy đi về và con sẽ hành trì pháp Sa-môn.
Bậc Ðạo sư đưa Nanda trở về Kỳ Viên và vị Trưởng lão bắt đầu hành trì pháp Sa-môn. Bậc Ðạo sư gọi vị Tướng quân Chánh pháp và bảo:
– Này Sāriputta (Xá-lợi-phất), Nanda em của Ta, giữa thiên chúng cõi trời Ba Mươi Ba, vì thích thú các thiên nữ đã khiến Ta lấy lời hứa của Ta để khích lệ vị ấy.
Cùng cách ấy, bậc Ðạo sư báo tin cho Trưởng lão Mahāmoggallāna, Trưởng lão Mahākassapa (Đại Ca-diếp), Trưởng lão Anuruddha (A-na-luật-đà), Trưởng lão Ānanda (A-nan), vị Thủ kho Chánh pháp, tất cả tám mươi vị Đại đệ tử và lần lượt các Tỷ-kheo còn lại đều biết. Trưởng lão Sāriputta, vị Tướng quân Chánh pháp đi đến Trưởng lão Nanda và nói:
– Có thật chăng, này Hiền giả Nanda, nghe nói giữa thiên chúng cõi trời Ba Mươi Ba, Hiền giả đã khiến bậc Ðạo sư hứa là Hiền giả sẽ hành trì pháp Sa-môn để được các thiên nữ?
Rồi Trưởng lão nói tiếp:
– Nếu sự việc như vậy thì Phạm hạnh của Hiền giả tùy thuộc nữ nhân và hệ lụy đến phiền não. Nếu Hiền giả hành trì pháp Sa-môn vì mục đích được các nữ nhân ấy thì có gì khác giữa Hiền giả và một người làm thuê để lấy lương?
Lời nói ấy khiến Tôn giả Nanda xấu hổ và liền dập tắt mọi ham muốn. Cũng với phương tiện này, tất cả tám mươi vị Đại đệ tử và các Tỷ-kheo còn lại đều khuyên răn khiến Tôn giả Nanda xấu hổ. Tôn giả Nanda suy nghĩ: “Ðiều ta làm thật không xứng đáng.” Và với tàm quý, Tôn giả Nanda kiên trì nỗ lực, tăng trưởng thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Rồi Tôn giả Nanda đi đến Thế Tôn và thưa:
– Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa Thế Tôn khỏi lời hứa.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Nanda, khi ông đã đạt quả A-la-hán thì Ta được giải tỏa khỏi lời hứa rồi.
Biết được sự việc này, các Tỷ-kheo tại pháp đường bắt đầu nói chuyện về Tôn giả Nanda:
– Hiền giả Nanda thật là dễ dạy. Chỉ một lời khuyên răn đã khiến vị ấy xấu hổ. Hiền giả Nanda liền hành trì pháp Sa-môn và chứng quả A-la-hán.
Bậc Ðạo sư đi đến pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang họp ở đây bàn câu chuyện gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà thuở xưa, Nanda cũng đã nghe lời khuyên dạy như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người huấn luyện voi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát đạt được sự thiện xảo trong nghề nghiệp và phục vụ một vị vua thù nghịch với vua xứ Ba-la-nại. Bồ-tát được bảo huấn luyện con voi quý của vua và đã huấn luyện nó tốt đẹp.
Vua ấy quyết định xâm chiếm quốc độ Ba-la-nại liền đem Bồ-tát đi theo, cưỡi lên con voi quý cùng với quân đội lớn đi đến Ba-la-nại, bao vây thành và gửi tối hậu thư cho vua xứ Ba-la-nại:
– Hãy giao quốc độ hay chiến đấu!
Vua Brahmadatta quyết định đánh, liền triệu tập đội binh hùng hậu tại các cửa thành, tháp canh và chiến đấu. Vua thù địch cho con voi quý mặc áo giáp, rồi tự mình mặc áo giáp cưỡi lên đầu con voi, cầm một câu móc sắc bén, thúc con voi tiến đến trước mặt thành và nói lớn:
– Ta sẽ công phá thành, giết mạng sống của tên vua thù địch, khiến vương quốc nó rơi vào trong tay ta.
Khi thấy các quân giữ thành đổ bùn sôi, ném các hòn đá từ máy ném, con voi ấy sợ chết, nên không thể tiến tới và lùi bước. Tức thì vị tượng sư đến và nói:
– Này voi thân, con là bậc anh hùng đã quen thuộc chiến trận. Tại trận địa như vậy, nếu con lùi bước thì thật là không xứng đáng.
Bồ-tát khuyên con voi với bài kệ này:
63. Anh hùng quen chiến trận, Voi được tiếng lẫy lừng,
Tấn công các cửa thành, Sao voi lại lùi bước?
64. Phá mau thanh cửa sắt, Nhổ lên các cột trụ,
Ðạp nát các cửa thành, Hỡi voi, mau vào thành!
Nghe nói vậy, theo lời khuyên, con voi quay trở lại, lấy cái vòi quấn vào các cột trụ, nhổ chúng lên như nhổ các cọng nấm. Nó đạp nát cửa thành, bẻ gãy thanh cửa, đi vào thành và chiếm lấy vương quốc cho vua.
***
Khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này xong, Ngài liền nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy con voi là Nanda, vua là Ānanda và Sư trưởng huấn luyện voi là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.