Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§179. CHUYỆN BÀ-LA-MÔN SATADHAMMA (Satadhammajātaka) (J. II. 82)
Nhỏ thay dư tàn ấy...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về hai mươi mốt sinh kế phi pháp. Một thời, nhiều Tỷ-kheo làm nghề thầy thuốc, nghề sứ giả, nghề đưa tin, nghề liên lạc đường bộ, đổi đồ ăn khất thực, v.v... Những pháp này sẽ được nói đến trong Chuyện thành Sāketa.[6] Khi bậc Ðạo sư biết được các Tỷ-kheo đã sinh sống như vậy, Ngài nói:
– Nay nhiều Tỷ-kheo đã sinh sống phi pháp. Sinh sống như vậy, sẽ không giải thoát mà còn đọa làm dạ-xoa hay ngạ quỷ. Họ sẽ sanh làm những trâu bò chở nặng, một số sẽ thác sanh vào địa ngục. Vì hạnh phúc và an lạc cho họ, Ta cần phải nói lên một bài pháp liên hệ đến cá nhân.
Vì vậy, bậc Ðạo sư bảo họp các Tỷ-kheo lại và nói:
– Này các Tỷ-kheo, các ông chớ làm hai mươi mốt sanh kế phi pháp. Ðồ ăn khất thực nhận được phi pháp giống như hòn sắc nung đỏ, ví như nọc rắn độc; các sanh kế phi pháp này đã bị các đệ tử chư Phật, các Ðộc Giác Phật chỉ trích và bài xích. Hưởng thọ các món ăn khất thực nhận được do sanh kế phi pháp không đem lại vui cười hoan hỷ. Các đồ ăn khất thực nhận được như vậy trong Giáo hội của Ta chẳng khác gì món ăn tàn dư của kẻ hạ tiện.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con một người ở giai cấp hạ tiện. Khi đến tuổi trưởng thành, vì một vài công việc, Bồ-tát lên đường ra đi và đem theo một giỏ gạo làm lương thực. Lúc bấy giờ, tại Ba-la-nại, có một thanh niên tên là Satadhamma, là con một gia đình đại Bà-la-môn phương Bắc cũng vì một vài công việc lên đường ra đi, nhưng không đem theo gạo để làm lương thực. Cả hai cùng gặp nhau trên con đường lớn. Thanh niên ấy hỏi Bồ-tát:
– Ngươi ở giai cấp gì?
Bồ-tát đáp:
– Tôi thuộc giai cấp hạ tiện.
Bồ-tát hỏi:
– Cậu ở giai cấp gì?
Anh ta đáp:
– Tôi thuộc giai cấp Bà-la-môn phương Bắc.
– Lành thay, chúng ta cùng đi!
Cả hai cùng đi. Khi đến giờ ăn sáng, Bồ-tát ngồi xuống tại chỗ có nước tốt, rửa tay, mở giỏ cơm và nói với thanh niên ấy:
– Hãy ăn cơm!
– Này tiện dân, ta không cần cơm.
Bồ-tát nói:
– Lành thay!
Rồi không để cho dư cơm thừa, Bồ-tát để cơm vừa đủ cho mình ăn trên một cái lá khác, cột cái giỏ lại, để nó một bên. Bồ-tát ăn xong, uống nước, rửa tay chân rồi cầm lấy cơm gạo còn lại và nói với thanh niên:
– Này cậu, chúng ta cùng đi!
Rồi họ lại lên đường. Cả ngày hai người cùng đi, đến chiều cả hai tắm tại một chỗ có nước tốt. Sau khi tắm xong, họ lên bờ. Bồ-tát ngồi một chỗ thoải mái, mở giỏ cơm, không mời cậu thanh niên kia và bắt đầu ngồi ăn. Cậu trai kia cả ngày đi mệt mỏi lại đói bụng, đứng nhìn và nghĩ: “Nếu nó cho ta cơm, ta sẽ ăn.” Bồ-tát không nói gì, vẫn ăn. Cậu trai nghĩ: “Kẻ hạ tiện này không mời gì ta, lại ăn hết cả đồ ăn. Ðể khỏi bị đói bức bách, ta lấy một miếng, quăng đi phần cơm dơ bẩn ở trên và ăn phần cơm còn lại.” Anh ta làm như anh đã nghĩ và ăn phần cơm được làm cho sạch sẽ. Vừa ăn xong, anh ta hết sức hối hận ăn năn. Anh nôn hết thức ăn và máu trào ra theo đó:
– Ôi, vì ta phóng dật, đã làm một việc không thích đáng. Ta đã làm nhục dòng họ, gia tộc cao quý của ta. Ta đã ăn phần cơm dư thừa của một tên hạ đẳng!
Sau khi khóc than, sầu muộn, anh ta nói lên bài kệ đầu:
57. Nhỏ thay dư tàn ấy, Nó cho rất khó khăn!
Ta sanh là Phạm chí, Món ăn bị nôn ra.
Cậu trai ấy than khóc như vậy:
– Hôm nay, ta đã làm một việc không thích đáng chỉ vì sự sống!
Nói vậy xong, anh ta đi sâu vào rừng, không để một ai thấy mình rồi anh ta sầu muộn và chết trong cô độc.
***
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, giống như thanh niên Satadhamma, sau khi ăn đồ ăn dư tàn của kẻ hạ tiện, tự trách mình đã ăn không xứng đáng nên không vui cười, không hoan hỷ. Cũng vậy, ai xuất gia trong Giáo hội này và sống với sinh kế phi pháp, khi hưởng thọ thức ăn đã nhận được do cách thức như trên, đã sống một nếp sống bị đức Phật bài bác và chỉ trích, kẻ ấy sẽ không vui cười và hoan hỷ.
Rồi bậc Ðạo sư đọc bài kệ thứ hai:
58. Ai hủy hoại Chánh pháp, Sinh sống theo phi pháp,
Như Satadhamma, Sống không được hoan hỷ.
Như vậy, bậc Ðạo sư thuyết pháp thoại này xong, liền thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng, nhiều Tỷ-kheo đã đắc các Đạo và Quả.
Và Ngài nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, Ta là kẻ tiện dân ấy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.