Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§178. CHUYỆN CON RÙA (Kacchapajātaka) (J. II. 79)

Tại đây ta sanh ra...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một người được chữa khỏi bệnh thổ tả. Một thời, tại một gia đình ở Xá-vệ, có bệnh thổ tả lan đến. Cha mẹ nói với con trai:

– Này con thân, chớ sống trong nhà này. Hãy phá tường và trốn đi, đến một chỗ nào đó và bảo vệ sự sống. Sau khi về, tại chỗ này có nhiều của chôn cất, con hãy đào lên, dựng lại cơ nghiệp và sống hạnh phúc.

Nghe nói vậy, người con trai vâng theo và phá bức tường chạy trốn. Khi chứng bệnh của mình đã chấm dứt, anh ta trở về, đào của cải lên và sống đời sống gia đình. Một hôm, anh ta đem theo bơ chín, dầu, vải và áo ấm... đi đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo sư và ngồi xuống. Sau khi tiếp đón anh ta, bậc Ðạo sư liền hỏi:

– Chúng ta nghe nhà của con có bệnh dịch tả lây lan, làm thế nào con thoát được?

Anh ta kể lại sự tình. Bậc Ðạo sư nói:

– Này cư sĩ, thuở xưa khi tai họa khởi lên, có những kẻ quá luyến tiếc trú xứ của mình và không đi chỗ khác nên đã không giữ được mạng sống. Còn những kẻ không quá luyến tiếc trú xứ và bỏ đi nơi khác thì đã cứu được mình.

Nói như vậy xong, theo lời yêu cầu của người con trai, bậc Ðạo sư kể chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình làm đồ gốm ở một ngôi làng nhỏ. Bồ-tát cũng làm nghề gốm để nuôi dưỡng vợ con.

Lúc bấy giờ, có một hồ nước lớn gần một con sông lớn ở Ba-la-nại. Trong thời nước lớn, hồ ngập nước từ con sông tràn vào; trong thời nước yếu, hồ nước tách riêng. Các con cá và rùa biết: “Trong năm nay sẽ có mưa nhiều, hay trong năm nay sẽ có hạn hán.” Vào thời có chuyện này, có con cá và rùa sanh trong hồ ấy biết: “Trong năm nay sẽ hạn hán.”

Vì vậy, trong khi nước hồ còn hợp thành một với sông, chúng từ trong hồ bơi ra và đi đến con sông. Nhưng có một con rùa nghĩ: “Chỗ này ta sanh ra, chỗ ta lớn lên, chỗ ở của cha mẹ, ta không thể bỏ chỗ này được.” Nghĩ vậy, nó không đi ra sông.

Trong thời kỳ mùa hạ, ở đấy, nước bị khô cạn, con rùa ấy đào đất tại chỗ Bồ-tát thường đến lấy đất sét. Bồ-tát đi đến đấy để lấy đất sét với cái cuốc lớn và đào đất lên, đập trên lưng con rùa, với cái cuốc hất nó lên và quăng nó trên mặt đất như một cục đất. Trong khi cảm thọ đau đớn, con rùa ấy nói:

– Do ta không từ bỏ chỗ ở nên phải gặp nạn diệt vong như vậy.

Nói vậy xong, nó khóc với những bài kệ:

55. Tại đây ta sanh ra, Trong bùn này ta sống,

Bùn ấy hủy diệt ta, Ta yếu đuối thế này,

Thế Tôn, con van Ngài, Hãy nghe tiếng con thưa!

56. Ở làng hay tại rừng, Chỗ nào được an lạc,

Với người có trí thức, Là chỗ sanh, chỗ lớn.

Chỗ nào có sự sống, Hãy đi đến chỗ ấy,

Tốt hơn chỗ trú ẩn, Ðem lại sự hủy diệt.

Như vậy, con rùa nói với Bồ-tát rồi chết. Bồ-tát lượm nó lên, họp mọi người trong làng lại, khuyến dạy họ như sau:

– Hãy xem con rùa này! Trong khi các loài cá, loài rùa khác đi ra trên sông lớn, nó không thể cắt đứt sự luyến ái đối với trú xứ, không cùng đi ra sông, đào đất ở chỗ ta đến lấy đất sét và núp tại đấy. Khi ta đến lấy đất sét, với cái cuốc lớn, ta đập vỡ lưng của nó và quăng nó lên mặt đất như một cục đất. Nó nhớ đến việc làm của mình, than khóc với hai bài kệ rồi chết. Như vậy, do luyến ái trú xứ của mình, nó phải chết. Các ngươi chớ làm như con rùa này. Bắt đầu từ nay, đừng nghĩ rằng: “Sắc của ta, tiếng của ta, các nam nô, nữ tỳ hầu hạ ta, vàng và bạc của ta, chớ có tham ái; vì thọ hưởng chấp thủ chúng, mọi chúng sanh phải trải qua ba hiện hữu (dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu).”

Như vậy, với sự tinh thông của một bậc Giác ngộ, Bồ-tát khuyên dạy đại chúng. Lời khuyên dạy của Bồ-tát lan rộng toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Độ) và tồn tại đến bảy trăm năm. Ðại chúng nghe lời Bồ-tát khuyên dạy, làm các công đức như bố thí, v.v... rồi khi mạng chung, họ sanh lên thiên giới.

***

Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo sư liền giảng các sự thật. Cuối bài giảng, người thanh niên đã đắc quả Dự lưu.

Và Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, con rùa là Ānanda, còn người làm đồ gốm là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.