Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§177. CHUYỆN CÂY TIṆḌUKA (Tiṇḍukajātaka) (J. II. 76)

Tay cầm cung, ống tên...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về trí tuệ Ba-la-mật. Bậc Ðạo sư nghe tán thán trí tuệ của mình như ở trong Chuyện Hiền giả Mahābodhi[4] và trong Chuyện đường hầm vĩ đại[5] đã nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới có trí tuệ. Thuở xưa, Như Lai cũng có trí tuệ và phương tiện thiện xảo rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con khỉ với tám mươi ngàn khỉ con vây quanh, sống tại Tuyết Sơn. Gần đấy, có một làng nhỏ ở biên địa, khi thì có người ở, khi thì không. Giữa ngôi làng ấy, có một cây tiṇḍuka sanh trái ngọt và cành lá sum suê. Khi không có người ở, đàn khỉ đến ăn trái cây.

Một thời, trong mùa có trái, làng ấy đầy người đến ở, một hàng rào được dựng lên xung quanh và có cửa canh gác. Cây ấy đứng tại đấy với cành cây nặng trĩu quả. Bầy khỉ suy nghĩ: “Trước kia tại làng ấy ta thường ăn trái cây tiṇḍuka. Cây ấy nay có nhiều trái hay không và có nhiều người ở đó hay không?” Nghĩ vậy, chúng cử một con khỉ đi thăm dò:

– Hãy đi và tìm cho biết tin này!

Con khỉ ấy đi, biết được cây ấy đầy trái và làng có nhiều người, liền về và báo tin lại. Ðàn khỉ nghe cây đầy trái, chúng quyết đi hái trái để ăn, liền đến tìm khỉ chúa và báo tin ấy. Khỉ chúa hỏi:

– Làng có người ở hay không có người ở?

– Thưa chúa đàn, có người ở.

– Vậy chớ nên đi vì loài người rất xảo quyệt.

– Thưa chúa đàn, vào nửa đêm trong lúc loài người nằm ngủ, chúng tôi sẽ đến ăn.

Cả đàn khỉ đông đảo xin được phép của khỉ chúa, từ Tuyết Sơn đi xuống, nằm trên mặt một tảng đá không xa làng bao nhiêu, chờ cho đến lúc mọi người đi ngủ. Vào nửa đêm, khi mọi người đã ngủ say, chúng leo lên cây và ăn trái. Một người kia có việc cần ra khỏi nhà, đến giữa làng thấy các con khỉ, liền báo cho mọi người biết. Nhiều người nai nịt cung tên, tay cầm nhiều loại vũ khí, cầm đá, gậy và nghĩ: “Khi trời đã sáng, chúng ta sẽ bắt những con khỉ.” Họ vây quanh cây và đứng chờ.

Tám mươi ngàn con khỉ thấy những người này, sợ chết, suy nghĩ: “Không có nơi nương tựa nào khác ngoài khỉ chúa”, bèn đi đến gần khỉ chúa và đọc bài kệ đầu:

53. Tay cầm cung, ống tên, Mang các loại gươm tốt,

Chúng bao vây chúng tôi, Làm sao được giải thoát?

Nghe chúng nói, khỉ chúa an ủi:

– Chớ sợ, loài người có nhiều việc phải làm.

Khỉ chúa an ủi chúng xong, liền đọc bài kệ thứ hai:

54. Loài người có nhiều việc, Sẽ giải tán đám đông,

Những gì cây còn lại, Hãy ăn tiṇḍuka.

Bồ-tát an ủi đàn khỉ. Nếu chúng không được sự an ủi như vậy, tất cả sẽ vỡ tim và chết. Bồ-tát an ủi đàn khỉ rồi bảo họp lại tất cả bọn. Khi chúng đã họp, chúng không thấy con khỉ Senaka, cháu trai của khỉ chúa. Chúng báo cho khỉ chúa biết Senaka không đến, khỉ chúa nói:

– Nếu Senaka không đến, các ngươi chớ lo. Nay nó sẽ đem lại an toàn cho các ngươi đó.

Còn Senaka vẫn ngủ khi đàn khỉ ra đi. Sau khi thức dậy, không thấy ai, nó đi theo dấu chân chúng, thấy mọi người đến, và biết rằng đàn khỉ sẽ gặp nạn.

Khi thấy một ngôi nhà ở biên địa có lửa đốt lên và một bà già đang ngủ say, nó đi đến và làm như một đứa trẻ ở làng đi ra đồng, nó cầm lấy một que lửa và đứng theo chiều gió thổi, nó đốt làng cháy. Các người ấy liền bỏ đàn khỉ, vội vàng chạy đến dập tắt lửa. Trước khi chạy, mỗi con khỉ hái một trái cây mang theo về cho Senaka.

***

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, Senaka, cháu của khỉ chúa là Mahānāma, đàn khỉ là hội chúng của Như Lai, còn khỉ chúa là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.