Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§176. CHUYỆN NẮM HẠT ÐẬU (Kalāyamuṭṭhijātaka) (J. II. 74)

Thưa Nhân chủ, vượn này...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về vua xứ Kosala.

Một thời, trong mùa mưa, bạo loạn bùng nổ ở biên địa. Quân lính đến đóng đồn tại đó và sau hai, ba trận giao chiến, họ không thể đánh bại quân địch liền dâng sớ trình vua. Mặc dù đang mùa mưa, vua vẫn ra đi và cắm trại trước Kỳ Viên. Rồi vua bắt đầu suy nghĩ: “Khởi binh trong mùa mưa, các khe đá, hang đá đều ngập nước, đường sá rất khó đi. Ta sẽ đi đến viếng thăm bậc Ðạo sư. Khi Ngài hỏi: ‘Thưa Ðại vương, Ðại vương đi đâu?’, ta sẽ trình sự việc cho Ngài biết. Bậc Ðạo sư không chỉ che chở làm lợi ích cho ta trong đời tương lai mà còn che chở cho ta trong hiện tại. Do vậy, nếu việc ra đi của ta không được thuận tiện, Ngài sẽ nói với ta: ‘Thưa Ðại vương, nay không đúng thời.’ Còn nếu việc ra đi được thuận tiện, Ngài sẽ im lặng.” Vì vậy, vua đi vào Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo sư và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo sư hỏi:

– Thưa Ðại vương, Ðại vương đi từ đâu đến quá sớm như vậy?

Vua trả lời:

– Bạch Thế Tôn, trẫm sắp đi dẹp loạn ở biên địa. Ðảnh lễ Thế Tôn xong, trẫm sẽ đi.

Bậc Ðạo sư nói:

– Thuở xưa, trước khi ra trận, nghe lời nói của các bậc Hiền trí, các Đại vương đã không xuất quân phi thời.

Rồi theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần tâm phúc của nhà vua và cố vấn cho vua về các vấn đề tục sự và thánh sự. Thời ấy có một cuộc nổi loạn tại biên địa và các lính biên phòng gửi cho vua một bức thư. Vua xuất quân vào mùa mưa và đóng trại ở ngự viên. Bồ-tát đứng cạnh vua. Lúc ấy, có người nấu sôi một loại đậu cho ngựa ăn và đem đậu đổ vào máng. Một con vượn ở trong vườn, từ cây leo xuống lấy những hạt đậu từ nơi máng ấy, ngậm đầy miệng và nắm đầy tay, leo lên cây, lại ngồi đấy và bắt đầu ăn.

Trong khi nó đang ăn, một hạt đậu từ tay rơi xuống đất, nó quăng bỏ tất cả hạt đậu lấy từ miệng và từ tay, rồi từ cây leo xuống, tìm hạt đậu bị rơi ấy. Nhưng không thấy hạt đậu, nó lại leo lên cây, ngồi trên cành, buồn bã, xịu mặt như thua vụ kiện cả ngàn đồng. Vua thấy việc con vượn làm, chỉ cho Bồ-tát và hỏi:

– Này khanh, khanh nghĩ thế nào về việc làm này của con vượn?

Bồ-tát thưa:

– Thưa Ðại vương, kẻ ngu kém trí bỏ ra nhiều tiền để mua được ít, chính là như vậy.

Rồi Bồ-tát đọc lên bài kệ đầu:

51. Thưa Nhân chủ, vượn này, Ngu si sống trên cành, 

Trí tuệ nó không có, Nó đã quăng tất cả, 

Nắm đậu nằm trong tay, Ðể tìm một hạt rơi.

Sau đó, vị đại thần đi đến gần vua và đọc bài kệ thứ hai:

52. Chúng ta và người khác,  Tham lam cũng như vậy, 

Thưa Ðại vương, chúng ta,  Mất nhiều để được ít, 

Chẳng khác con vượn ấy, Xử sự với hạt đậu.

Vua nghe Bồ-tát nói vậy, liền quay trở lại và vào thành Ba-la-nại. Các bọn ăn cướp nghe tin vua xuất quân chinh phạt kẻ thù và đã đi ra khỏi thành, liền chạy trốn khỏi biên địa.

Vào thời có câu chuyện hiện tại, bọn ăn cướp nghe tin vua xứ Kosala đã đi ra khỏi thành, liền chạy trốn.

Vua nghe bậc Ðạo sư thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, với thân bên hữu hướng về Ngài rồi đi về Xá-vệ.

***

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ānanda, và vị đại thần có trí là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.