Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§173. CHUYỆN CON VƯỢN (Makkaṭajātaka) (J. II. 68)
Có một kẻ khốn cùng...
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một kẻ gian trá. Hoàn cảnh câu chuyện này sẽ được trình bày trong chương XIV, Chuyện nam tử Uddālaka.[2] Lúc bấy giờ, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới gian trá. Thuở xưa, kẻ ấy là con vượn, vì ngọn lửa, cũng đã gian trá như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng ở Kāsi. Khi đến tuổi trưởng thành và đã đi học đủ các tài nghệ ở Takkasilā, Bồ-tát lập gia đình. Nữ Bà-la-môn ở nhà, sanh được một con trai. Khi đứa con bắt đầu chạy qua chạy lại, nữ Bà-la-môn mạng chung. Bồ-tát làm xong tang lễ cho người chết, liền suy nghĩ: “Nay ta còn sống ở gia đình làm gì?” Và dắt con đi với ý định: “Chúng ta sẽ xuất gia.”
Từ giã bà con, bạn bè tiễn đưa khóc lóc, Bồ-tát đem theo con đi vào Tuyết Sơn, làm vị ẩn sĩ và sinh sống trong rừng với các thứ rễ và trái cây.
Một hôm, trong khi trời mưa, Bồ-tát đốt lửa củi lên, nằm xuống trên một tấm phản và hơ lửa cho ấm. Cậu con trai ngồi xoa bóp chân cha. Có một con vượn rừng bị lạnh hành hạ, chợt thấy ngọn lửa trong chòi lá của Bồ-tát, liền suy nghĩ: “Nếu ta vào đấy, chúng sẽ đập ta và la: ‘Ôi con vượn, con vượn’, và đuổi ta ra ngoài. Như vậy ta không sưởi lửa được. Nay ta có một cách, ta sẽ khoác áo một người tu khổ hạnh và trá hình đi vào.” Vì vậy, nó choàng áo bằng vỏ cây của một người tu khổ hạnh đã chết, cầm lấy cái rổ và cái gậy có móc, dựa vào một cây cọ dừa ở cửa chòi lá và đứng đấy co ro cúm rúm. Cậu con trai thấy nó, không biết nó là con vượn, suy nghĩ: “Có một vị tu khổ hạnh lớn tuổi, bị rét muốn đến hơ lửa! Ta sẽ nói với cha ta cho vị này vào chòi lá và hơ lửa.” Vì vậy, cậu gọi cha và đọc bài kệ đầu:
45. Có một kẻ khốn cùng, Dựa vào cây cọ dừa,
Ðây ta có chòi lá, Cho nó vào, cha thân.
Bồ-tát nghe con nói liền đứng dậy, ra cửa chòi lá nhìn, biết đấy là con vượn, ngài bảo:
– Này con thân, bộ mặt như vậy không phải là người thường, nó là con vượn, chớ gọi nó vào.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
46. Con thân, chớ gọi nói, Nó làm nhớp nhà ta,
Bộ mặt vậy không phải, Hạnh tốt Bà-la-môn.
Bồ-tát cầm một nhánh củi, ném nó và la lớn:
– Ngươi đứng đấy làm gì?
Và đuổi nó đi. Con vượn quăng bỏ áo bằng vỏ cây, leo lên cây và đi vào trong khóm rừng.
Sau đó, Bồ-tát tu tập bốn vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) và khi mạng chung được sanh lên Phạm thiên giới.
***
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, con vượn là Tỷ-kheo gian trá, con trai vị tu khổ hạnh là Rāhula (La-hầu-la) và vị tu khổ hạnh là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.