Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§167. CHUYỆN TRƯỞNG LÃO SAMIDDHI (Samiddhijātaka)[6] (J. II. 56)

Tỷ-kheo đi khất thực...

Câu chuyện này, khi trú ở Vương Xá tại Tapodārāma, bậc Ðạo sư kể về Trưởng lão Samiddhi. Một hôm, Tôn giả Samiddhi trọn đêm tinh cần, tu tập. Khi trời rạng đông, Tôn giả tắm xong, quấn nội y, cầm thượng y trên tay, đứng phơi cho khô, thân mình có sắc màu vàng chói giống như một tượng vàng được tạc tuyệt đẹp, vì thế có tên gọi Samiddhi (Thân Hình Tuyệt Đẹp).

Thấy thân sắc tuyệt đẹp của Tôn giả, một thần nữ sanh tâm say đắm, nói như sau với Trưởng lão:

– Này Tỷ-kheo, chàng còn trẻ với tuổi niên thiếu, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống, đẹp mắt, khả ái như vậy, sao chàng không hưởng thụ các dục, vì mục đích gì lại xuất gia? Hãy hưởng thụ các dục lạc trước, rồi sau sẽ xuất gia và hành Sa-môn pháp!

Trưởng lão nói với thần nữ ấy:

– Này thần nữ, đến một tuổi nào đó, ta sẽ chết. Ta không biết thời nào ta sẽ chết. Thời ấy đối với ta bị che kín. Do vậy, trong tuổi trẻ, ta hành trì Sa-môn pháp để chấm dứt đau khổ.

Thần nữ không cám dỗ được Trưởng lão liền biến mất tại chỗ. Trưởng lão đi đến bậc Ðạo sư và thuật lại câu chuyện. Bậc Ðạo sư nói:

– Này Samiddhi, không phải chỉ nay ông bị thần nữ luyến ái. Thuở trước, các thần nữ cũng luyến ái các vị xuất gia rồi.

Sau đó, theo lời thỉnh cầu của vị Trưởng lão, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại một làng ở Kāsi. Khi đến tuổi trưởng thành và đạt thành công trong tất cả tài nghệ, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các thắng trí và các thiền chứng, rồi sống gần một hồ thiên nhiên trong khu vực Tuyết Sơn.

Bồ-tát suốt đêm tinh tấn tu tập. Ðến rạng đông, sau khi tắm xong, Bồ-tát quấn tấm y làm bằng vỏ cây, còn tấm y kia cầm tay và đứng phơi thân cho khô. Rồi một thần nữ nhìn thân thể tuyệt đẹp của Bồ-tát, tâm tư say đắm, sanh luyến ái Bồ-tát và đọc bài kệ đầu:

33. Tỷ-kheo đi khất thực,  Có biết hưởng dục chăng? 

Chàng theo hạnh khất thực, Không hưởng thọ dục lạc.

Tỷ-kheo, hãy hưởng dục,  Rồi sẽ hành khất thực, 

Chàng chớ để thời gian  Trôi qua thật uổng phí.

Bồ-tát nghe lời nói của thần nữ, liền nêu lên chí nguyện của mình qua bài kệ thứ hai:

34. Thời chết, ta không biết,  Thời gian bị ngăn che, 

Do vậy, không hưởng thụ,  Ta hành trì khất thực, 

Ta không để thời gian,  Trôi qua thật uổng phí.

Thần nữ nghe Bồ-tát nói liền biến mất tại chỗ.

***

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, thần nữ ấy là thần nữ này, còn Ta là vị tu khổ hạnh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.