Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§164. CHUYỆN CHIM DIỀU HÂU (Gijjhajātaka) (J. II. 50)

Diều hâu thấy xác chết...

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo nuôi dưỡng mẹ. Hoàn cảnh câu chuyện sẽ được kể trong Chuyện hiếu tử Sāma.[3]

Bậc Ðạo sư hỏi Tỷ-kheo ấy:

– Này Tỷ-kheo, có phải ông nuôi dưỡng một nữ gia chủ?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Họ có liên hệ gì với ông?

Bậc Ðạo sư hỏi tiếp.

– Bạch Thế Tôn, đó là mẹ con.

Bậc Ðạo sư nói:

– Lành thay, lành thay! Chớ tức giận Tỷ-kheo này. Các bậc Hiền trí thuở xưa đã hầu hạ, giúp đỡ ngay cả những người không phải bà con của mình, chỉ vì muốn làm công đức. Còn người này giúp đỡ mẹ cha mình.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con diều hâu ở núi Linh Thứu, nuôi dưỡng mẹ và cha.

Một hôm, có cơn gió thổi mạnh và mưa lớn. Các con diều hâu không thể chịu đựng gió và mưa, liền bay đến Ba-la-nại. Khi đến gần bức tường thành, chúng liền đậu trên bức tường thành, run lên vì lạnh. Lúc bấy giờ, vị triệu phú xứ Ba-la-nại từ trong thành đi ra, đi đến sông tắm, thấy các con diều hâu khốn khổ này liền dụ chúng lại một chỗ không có mưa, cho đốt lửa, sai người đi đến bãi tha ma của bò, đem thịt bò về cho chúng ăn và đặt người bảo vệ chúng. Khi mưa gió chấm dứt, thân thể các con diều hâu lành mạnh, chúng liền bay về núi. Tại đấy, chúng hội họp lại và bàn tính như sau:

– Chúng ta được người triệu phú xứ Ba-la-nại giúp đỡ. Chúng ta phải trả ơn người đã giúp đỡ chúng ta. Do vậy bắt đầu từ nay, nếu có ai lượm được tấm vải hay đồ trang sức gì, hãy bay đến Ba-la-nại và thả rơi trong sân nhà triệu phú!

Từ đó trở đi, nếu các con diều hâu thấy người ta phơi vải hay đồ trang sức giữa nắng, chúng liền chờ đợi một phút lơ đãng, rồi nhanh như cắt chụp lấy đồ vật như chụp miếng thịt và bay đến thả rơi trong sân nhà người triệu phú xứ Ba-la-nại. Khi người triệu phú biết được là đồ vật do các con diều hâu mang lại, ông cất giữ chúng tại một chỗ.

Mọi người trình vua là các con diều hâu đang đánh cắp đồ vật trong thành phố. Vua ra lệnh:

– Hãy bắt cho được một con diều hâu, ta bảo chúng mang trả lại tất cả!

Vì vậy khắp nơi, dân chúng đặt bẫy sập và lưới, rồi con diều hâu nuôi dưỡng mẹ bị mắc vào bẫy. Bắt được con diều hâu, dân chúng đưa nó đến trình vua. Người triệu phú xứ Ba-la-nại đang đi đến hầu vua, thấy các người ấy bắt được con diều hâu, liền đi theo họ vì sợ họ làm nó bị thương.

Vua hỏi con diều hâu:

– Có phải các ngươi ăn cắp, mang đi vải và đồ vật khác trong thành phố?

– Thưa vâng, tâu Ðại vương.

– Các ngươi cho ai những vật ấy?

– Chúng tôi cho vị triệu phú Ba-la-nại.

– Vì nguyên nhân gì?

– Vì vị ấy cho chúng tôi mạng sống. Chúng tôi phải trả ơn người đã làm ơn cho mình nên chúng tôi đem cho vị ấy.

Rồi vua nói:

– Này diều hâu, nghe nói đứng xa một trăm do-tuần, các con diều hâu có thể thấy xác chết, vậy sao ngươi không thấy bẫy sập được bày ra?

Nói xong, vua đọc bài kệ đầu:

27. Diều hâu thấy xác chết, Cách xa trăm do-tuần,

Sao ngươi lại không biết, Va chạm lưới và bẫy?

Con diều hâu nghe hỏi vậy, liền thốt lên bài kệ thứ hai:

28. Chúng sanh gặp tai họa, Mạng sống gần tiêu vong,

Khi ấy không thể biết, Nên va chạm lưới bẫy.

Nghe con diều hâu đáp lại, vua hỏi vị triệu phú:

– Có thật chăng, này nhà đại triệu phú, các con diều hâu mang thả vào nhà ông các thứ vải và đồ vật?

– Thưa Ðại vương, sự thật là vậy.

– Những đồ vật ấy nay ở đâu?

– Thưa Ðại vương, tất cả đã được tôi góp lại một chỗ. Những ai là chủ của chúng, tôi sẽ trả lại nhưng xin ngài hãy thả con diều hâu này!

Sau khi can thiệp để thả con diều hâu, nhà đại triệu phú trả lại tất cả đồ vật cho chủ của chúng.

***

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư liền thuyết giảng các sự thật. Sau bài giảng, vị Tỷ-kheo nuôi dưỡng mẹ đã đắc quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, vua là Ānanda, nhà triệu phú là Sāriputta (Xá-lợi-phất), còn con diều hâu nuôi dưỡng mẹ là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.