Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§163. CHUYỆN VUA SUSĪMA (Susīmajātaka) (J. II. 45)
Hơn trăm voi toàn đen...
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về sự bố thí tùy theo ý muốn. Tại Xá-vệ, đôi khi một gia đình cúng dường cho chúng Tỷ-kheo do đức Phật lãnh đạo; đôi khi họ bố thí cho các ngoại đạo; đôi khi nhiều người hội họp thành một tổ chức, chung nhau bố thí; đôi khi cùng chung một con đường; đôi khi toàn thể dân ở thành quyên góp tùy nguyện rồi bố thí.
Trong trường hợp này, toàn dân trong thành quyên góp tùy nguyện, nhưng khi sắp đặt tất cả vật dụng để bố thí, họ chia thành hai phe. Một số người muốn bố thí tất cả vật dụng cho các ngoại đạo; một số người muốn bố thí cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị lãnh đạo. Vì vậy có sự cãi vã, đệ tử các ngoại đạo bênh vực các ngoại đạo, đệ tử đức Phật bênh vực chúng Tỷ-kheo. Khi quyết định lấy số đông thì những người nói: “Chúng tôi bố thí cho chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo” chiếm đông hơn nên được chấp nhận. Ðệ tử các ngoại đạo không thể ngăn chặn các sự bố thí cúng dường đức Phật. Các người thị dân mời chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo. Họ tổ chức bố thí lớn trong bảy ngày và đến ngày thứ bảy, họ cúng dường tất cả các vật dụng. Bậc Ðạo sư nói lời tùy hỷ công đức. Rồi Ngài chỉ dạy cho đại chúng về các quả tu chứng.
Tại tinh xá Kỳ Viên vào buổi chiều, các Tỷ-kheo hội họp tại pháp đường và nói lên câu chuyện này:
– Thưa các Hiền giả, đệ tử các ngoại đạo cố gắng ngăn chặn sự cúng dường đức Phật, nhưng họ không thể ngăn chặn. Tất cả vật dụng bố thí ấy đều được đặt dưới gót chân của đức Phật. Ôi, vĩ đại thay là sức mạnh của đức Phật!
Bậc Ðạo sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp tại đây và đang bàn vấn đề gì?
Khi được trả lời vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ngoại đạo mới cố gắng ngăn chặn sự bố thí cho Ta. Thuở xưa, họ đã cố gắng như vậy rồi. Nhưng các vật dụng bố thí trong tất cả trường hợp rồi cũng được đặt dưới gót chân của Ta.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, có một thời Vua Susīma trị vì Ba-la-nại. Lúc bấy giờ, Bồ-tát nhập mẫu thai một nữ Bà-la-môn là vợ của vị cố vấn tế tự cho vua. Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, người cha mạng chung. Khi còn sống, người cha là vị chủ trì hội lễ voi. Tất cả những đồ trang bị, trang sức cho các con voi đi dự hội đều thuộc sở hữu người cha. Nhờ vậy, sau ngày hội lễ voi, người cha thâu hoạch được mười triệu đồng tiền vàng. Lúc bấy giờ, hội lễ voi đã đến, các Bà-la-môn đi yết kiến vua và thưa:
– Tâu Ðại vương, lễ voi năm nay đã đến. Chúng ta cần phải chuẩn bị tổ chức lễ cho thật tốt. Nay con trai của vị Bà-la-môn cố vấn tế lễ còn quá trẻ, lại không biết ba tập Vệ-đà và không biết tượng kinh (những vấn đề kiến thức liên hệ đến voi). Hãy để cho chúng thần tổ chức hội lễ voi!
Vua chấp thuận việc này. Các Bà-la-môn nghĩ: “Chúng ta không cho người con của vị cố vấn tế tự tổ chức hội lễ voi, chính chúng ta đứng ra tổ chức. Chúng ta sẽ thâu nhiều tiền.” Họ hoan hỷ đi ra.
Còn bốn ngày nữa sẽ đến ngày lễ hội. Mẹ Bồ-tát được tin, suy nghĩ: “Suốt bảy đời truyền thống gia đình chúng ta đã tổ chức hội lễ voi. Truyền thống này sẽ chấm dứt ở gia đình chúng ta và tài sản sẽ bị tổn giảm.” Vì vậy, bà mẹ sầu muộn và than khóc. Bồ-tát hỏi:
– Vì sao mẹ khóc?
Và khi nghe rõ lý do, Bồ-tát nói:
– Thưa mẹ, con sẽ tổ chức hội lễ voi.
Bà mẹ nói:
– Này con thân, con không biết ba tập Vệ-đà, lại không biết tượng kinh, làm sao con có thể tổ chức hội lễ được?
– Thưa mẹ, khi nào họ tổ chức hội lễ voi?
– Này con thân, còn bốn ngày nữa.
– Thưa mẹ, các Sư trưởng thuộc lòng ba tập Vệ-đà và tượng kinh sống ở đâu?
– Này con thân, Sư trưởng có tiếng nhiều phương đang sống ở Takkasilā, tại nước Gandhāra, cách xa khoảng hai ngàn do-tuần.
– Thưa mẹ, con sẽ không để hủy hoại truyền thống của gia đình chúng ta. Trong một ngày, con sẽ đi đến Takkasilā; trong một đêm, con sẽ học xong ba tập Vệ-đà và tượng kinh. Ngày sau, con sẽ trở về; và đến ngày thứ tư, con sẽ tổ chức hội lễ voi, mẹ chớ khóc nữa!
Với những lời này, Bồ-tát an ủi mẹ. Sau khi ăn xong, sáng sớm hôm sau, Bồ-tát ra đi một mình. Chỉ trong một ngày đi đến Takkasilā, Bồ-tát đảnh lễ vị Sư trưởng, vị Sư trưởng hỏi Bồ-tát:
– Này con thân, con từ đâu đến?
– Thưa Sư trưởng, con từ Ba-la-nại đến.
– Vì mục đích gì?
– Vì mục đích học ba tập Vệ-đà và tượng kinh từ Sư trưởng.
– Lành thay, này con thân, ta sẽ dạy cho con!
Bồ-tát thưa:
– Thưa Sư trưởng, con có công việc khẩn cấp.
Bồ-tát báo cho Sư trưởng biết mọi sự việc và thưa:
– Trong một ngày, con đã đi hai ngàn do-tuần đến đây. Hãy cho con cơ hội học một đêm nay. Ðến ngày thứ ba, sẽ là ngày lễ hội voi rồi. Con sẽ học tất cả qua một bài thôi.
Sau khi thưa vậy, Bồ-tát được Sư trưởng bằng lòng, liền rửa đôi chân Sư trưởng, rồi đặt một ngàn đồng tiền vàng, đảnh lễ Sư trưởng và ngồi xuống một bên. Bồ-tát chăm chú học thuộc lòng cho đến lúc rạng đông đã xong ba tập Vệ-đà và tượng kinh, rồi hỏi:
– Thưa Sư trưởng, có gì khác nữa không?
Khi được trả lời:
– Này con thân, không có gì khác, tất cả đã xong.
Bồ-tát muốn sửa cách dạy của Sư trưởng, liền nói:
– Thưa Sư trưởng, trong quyển sách này, câu kệ ấy đến quá trễ, câu này đọc sai, từ nay về sau thầy phải dạy đệ tử như thế này.
Sau khi sửa sai xong, Bồ-tát ăn thật sớm, đảnh lễ vị Sư trưởng và trong một ngày đi về Ba-la-nại, đảnh lễ bà mẹ. Bà mẹ hỏi:
– Này con thân, con đã học nghề xong chưa?
Bồ-tát thưa:
– Con đã học xong.
Và Bồ-tát làm cho bà mẹ vui lòng. Ngày hôm sau, ngày hội lễ voi được sửa soạn. Khoảng một trăm con voi được đem ra sắp hàng, mọi thứ trang sức bằng vàng, cờ xí cũng bằng vàng, tất cả được bao phủ với một lưới bằng vàng mịn. Cả sân chầu ở cung điện vua cũng được trang hoàng tuyệt đẹp. Các Bà-la-môn nghĩ: “Chúng ta sẽ cử hành lễ hội voi, tất cả đều được trang sức tốt đẹp.” Vua Susīma trang sức rất lộng lẫy, rực rỡ ngự đến và truyền cho đem các vật dụng làm lễ. Còn Bồ-tát trang sức như một hoàng tử, với hội chúng của mình vây quanh, đi đến vua và thưa:
– Tâu Ðại vương, có đúng sự thật chăng ngài chấm dứt truyền thống của gia đình chúng thần và cho các Bà-la-môn khác tổ chức hội lễ voi và cho họ các thứ trang sức trang bị của voi?
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
25. Hơn trăm voi toàn đen, Với những ngà trắng bạch,
Bao phủ với lưới vàng, Thần đều cúng Ðại vương.
Hỡi Vua Susīma, Có phải ngài đã nói,
Ngài có nhớ đến chăng, Quyền lợi tổ tiên thần?
Vua Susīma nghe lời Bồ-tát, liền thốt lên bài kệ thứ hai:
26. Hơn trăm voi toàn đen, Với những ngà trắng bạch,
Bao phủ với lưới vàng, Ðều thuộc sở hữu ta,
Ta nói, này thanh niên, Ta cho khanh, cho khanh!
Ta thật có nhớ đến, Quyền lợi tổ tiên khanh.
Rồi Bồ-tát thưa với vua:
– Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương nhớ đến truyền thống của chúng thần, vì sao ngài bỏ thần một bên và giao cho người khác tổ chức hội lễ voi?
– Này khanh thân, ta được báo cáo khanh không biết ba tập Vệ-đà và tượng kinh nên ta cho các Bà-la-môn khác tổ chức hội lễ voi.
– Vậy tâu Ðại vương, nếu một vị nào giữa các Bà-la-môn ấy có thể đọc lên một phần của ba tập Vệ-đà và tượng kinh với thần, xin hãy đứng lên! Trong toàn cõi Diêm-phù-đề không một ai khác trừ thần ra có thể biết ba tập Vệ-đà và tượng kinh để tổ chức hội lễ voi.
Như vậy, Bồ-tát rống lên tiếng rống con sư tử đáp lời vua. Không một Bà-la-môn nào có thể đứng dậy để địch lại Bồ-tát. Sau khi đòi lại truyền thống gia đình của mình, Bồ-tát liền tổ chức hội lễ voi, rồi mang nhiều tài sản đi về trú xứ của mình.
***
Khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng các sự thật. Sau bài thuyết giảng, một số Tỷ-kheo đắc quả Dự lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả Bất lai, một số đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, bà mẹ là Mahāmāyā, người cha là Suddhodana (Tịnh Phạn vương), Vua Susīma là Ānanda, vị Sư trưởng có danh tiếng khắp nơi là Sāriputta (Xá-lợi-phất) và thanh niên Bà-la-môn là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.