Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§158. CHUYỆN CON NGỰA SUHANU (Suhanujātaka) (J. II. 30)
Loài vật tính không khác...
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về hai Tỷ-kheo hung bạo, độc ác. Lúc bấy giờ, ở Kỳ Viên, có một Tỷ-kheo hung bạo, độc ác, ở tỉnh thành cũng có một vị như vậy. Một hôm, Tỷ-kheo ở tỉnh thành vì một vài công việc đi đến Kỳ Viên. Các Sa-di và các Tỷ-kheo trẻ biết tánh hung bạo của Tỷ-kheo ấy, họ nói:
– Chúng ta muốn thấy hai Tỷ-kheo hung bạo ấy cãi nhau.
Họ cười khúc khích dẫn Tỷ-kheo ấy đến phòng Tỷ-kheo ở Kỳ Viên. Cả hai vị hung bạo vừa thấy nhau liền mến nhau, xoa bóp tay chân và lưng cho nhau. Các Tỷ-kheo ở tại pháp đường nói về câu chuyện như sau:
– Thưa các Hiền giả, những Tỷ-kheo hung bạo này đối với người khác thường hay lỗ mãng, độc ác. Nhưng đối với nhau, cả hai lại hòa thuận, hoan hỷ, thương mến nhau.
Bậc Ðạo sư đến pháp đường hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, hôm nay ở đây, các ông ngồi hội họp đang bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay là như vậy. Thuở xưa, họ cũng là người hung bạo, độc ác đối với những người khác; nhưng họ đối với nhau lại hòa hợp, hoan hỷ, sống thân ái.
Rồi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là vị đại thần của vua, làm tất cả mọi việc, cố vấn cho vua về thế sự và thánh sự. Vua có tánh hơi tham. Trong chuồng ngựa của vua có một con ngựa lỗ mãng tên là Mahāsoṇa (Hạt Dẻ Lớn). Một số người buôn ngựa từ phương Bắc đem đến năm trăm con ngựa và báo cho vua biết. Từ trước, vị đại thần thường bảo họ tự định giá ngựa rồi trả tiền đầy đủ mà không đòi bớt lui gì. Nhà vua không được vui, cho gọi một đại thần khác và nói:
– Này khanh, hãy cho họ định giá các con ngựa. Trước hết hãy thả con ngựa Mahāsoṇa vào giữa đàn ngựa ấy, khiến nó cắn các con ngựa mới đến làm chúng bị thương và yếu sức rồi bảo họ hạ giá và trả bớt tiền.
– Thưa vâng.
Ðại thần ấy vâng lời làm như đã bảo. Các người buôn ngựa không hoan hỷ, báo cho Bồ-tát việc làm của vị đại thần ấy. Bồ-tát hỏi:
– Các ngươi có con ngựa lỗ mãng ở trong chuồng ngựa của các ngươi không?
– Thưa ngài, có. Con ngựa lỗ mãng ấy tên là Suhanu (Quai Hàm Mạnh), nó rất hung bạo, độc ác.
– Vậy khi nào các ngươi trở lại, hãy đem con ngựa ấy đến!
Họ nói:
– Thưa vâng, khi nào đến, chúng tôi sẽ đem theo ngựa lỗ mãng ấy đến.
Một hôm, vua nghe nói đoàn người buôn ngựa đã đến liền cho mở toang cửa sổ nhìn các con ngựa và bảo thả con ngựa Mahāsoṇa ra. Các người buôn thấy con ngựa Mahāsoṇa đến, liền thả con ngựa Suhanu. Hai con ngựa ấy gặp nhau, liền đứng lại và liếm thân nhau. Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, hai con ngựa lỗ mãng này thật hung hãn, độc ác, bạo hành với con ngựa khác. Còn chúng đối với nhau lại đứng liếm thân và hoan hỷ với nhau, sao lại như vậy?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, vì tính của loài vật không khác nhau. Khi tính của chúng cùng loại với nhau thì chúng thương yêu nhau.
Và Bồ-tát đọc hai bài kệ:
15. Loài vật tính không khác, Soṇa và Suhanu,
Cả hai đều hòa hợp, Suhanu giống như vậy,
Cùng loại với Soṇa.
16. Hoang dã và ác độc, Thường cắn những dây cương,
Như vậy ác, ác đồng, Bất thiện, bất thiện đồng.
Sau đó, Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, một vị vua chớ nên quá tham lam. Chớ nên làm hại tài sản của người khác.
Sau khi khuyên răn nhà vua, Bồ-tát cho định giá ngựa và trả tiền đúng giá. Các người buôn ngựa nhận được tiền đúng giá, vui vẻ ra đi. Còn nhà vua tuân theo lời khuyên răn của Bồ-tát, rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
***
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy, hai con ngựa là hai Tỷ-kheo độc ác, vua là Ānanda và vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.