Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§155. CHUYỆN NHẢY MŨI (Gaggajātaka)[5] (J. II. 15)

Mong cha sống trăm năm...

Câu chuyện này, khi trú ở Rājakārāma (Vương Lâm) do Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) xây dựng gần Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể như sau:

Một hôm, ngồi giữa bốn hội chúng ở Rājakārāma, trong khi thuyết pháp, bậc Ðạo sư nhảy mũi. Các Tỷ-kheo lớn tiếng nói lên:

– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn sống lâu! Mong Thiện Thệ sống lâu!

Và họ tạo ra một tiếng ồn lớn. Do tiếng ồn ấy, pháp thoại bị chấm dứt. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, khi có ai nhảy mũi nếu Ta nói: “Mong hãy sống lâu” thì do nhân duyên ấy, một người có thể sống hay chết không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Này các Tỷ-kheo, khi nhảy mũi, chớ nói: “Mong hãy sống lâu!” Ai nói vậy thì phạm ác hạnh.

Lúc bấy giờ, khi các Tỷ-kheo nhảy mũi, các cư sĩ thường nói:

– Mong Tôn giả sống lâu!

Các Tỷ-kheo cảm thấy ray rứt nhưng không đáp lại. Các cư sĩ bực tức nói:

– Sao các Sa-môn Thích tử khi được chúc: “Mong Tôn giả sống lâu!” đã không đáp lại?

Họ trình sự việc này lên Thế Tôn. Ngài nói:

– Này các Tỷ-kheo, các gia chủ hay mê tín ở điềm lành, vì vậy, khi các gia chủ nói: “Mong Tôn giả sống lâu!”, các ông được phép trả lời: “Mong các người sống lâu!”

Các Tỷ-kheo hỏi Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, từ khi nào khởi lên tục lệ đáp lời chúc sống lâu?

Bậc Ðạo sư trả lời:

– Tục lệ này được khởi lên từ ngàn xưa.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn ở xứ Kāsi. Thân phụ Bồ-tát làm nghề buôn để sống. Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, người cha giao cho Bồ-tát hòn ngọc có bùa chú, cùng đi từ làng này qua thị trấn khác rồi đến Ba-la-nại. Sau khi ăn cơm xong tại nhà người gác cổng, hai cha con không tìm được nhà để ở, bèn hỏi:

– Những người đi đến trễ trú ở chỗ nào?

Các người khác trả lời họ:

– Ngoài thành có một ngôi nhà. Nhưng nhà ấy có một phi nhân (quỷ thần) đang ở. Nếu các ông muốn, cứ đến đấy mà ở.

Bồ-tát nói:

– Thưa cha thân, hãy đi, chớ sợ dạ-xoa, con sẽ nhiếp phục nó, làm cho nó quỳ lạy dưới chân cha.

Nói xong, Bồ-tát đưa cha đến chỗ ấy. Rồi người cha nằm trên tấm ván, còn Bồ-tát ngồi bóp chân cho cha. Bấy giờ, con quỷ dạ-xoa trú tại đấy, sau mười hai năm phục vụ Vua Vessavaṇa (Tỳ-sa-môn, một trong bốn Thiên vương), được cho ngôi nhà này với điều kiện: Trừ những người nào vào trong ngôi nhà này, khi nhảy mũi, nếu được chúc: “Mong sống lâu!”, và đáp lại: “Mong sống lâu!”, con quỷ ấy có thể ăn thịt những người khác không chúc sống lâu.

Con dạ-xoa ấy ở tại cột của cây kèo chính.[6] Nó nghĩ: “Ta sẽ làm cho người cha Bồ-tát nhảy mũi.” Vì vậy, với thần lực của mình, nó làm đám bụi mịn bốc lên. Bụi ấy bay vào mũi người cha. Người cha nằm trên tấm ván nhảy mũi. Người con không nói: “Mong cha sống lâu!” Con dạ-xoa muốn ăn thịt người cha nên từ cột cây kèo đi xuống. Bồ-tát thấy nó xuống liền nghĩ: “Cha ta bị con quỷ này làm cho nhảy mũi. Con quỷ này, khi ai nhảy mũi mà không đáp: ‘Mong sống lâu’, sẽ trở thành mồi cho nó ăn thịt.” Vì vậy, Bồ-tát nói lên bài kệ đầu với cha:

9. Mong cha sống trăm năm, Cộng thêm hai mươi tuổi,

Mong quỷ không ăn cha, Mong cha sống trăm thu!

Khi nghe lời Bồ-tát nói, con dạ-xoa nghĩ: “Vị thanh niên này trả lời: ‘Mong cha sống trăm thu!’ Ta không thể ăn thịt, nhưng ta sẽ ăn thịt người cha.” Vì vậy, nó đi đến gần người cha. Thấy con dạ-xoa đi đến gần, ông liền suy nghĩ: “Con quỷ này sẽ ăn thịt những ai không đáp: ‘Mong sống lâu.’ Vậy ta sẽ đáp lại: ‘Mong con sống lâu.’” Và người cha nói câu kệ thứ hai với con:

10. Mong con sống trăm năm, Cộng thêm hai mươi tuổi,

Mong quỷ ăn thuốc độc, Còn con sống trăm thu!

Con dạ-xoa suy nghĩ: “Cả hai người này, ta không thể ăn thịt được”, liền quay trở lui. Nhưng Bồ-tát hỏi nó:

– Này dạ-xoa, vì sao ngươi ăn thịt những người đi vào trong ngôi nhà này?

– Do tôi phục vụ Vua Vessavaṇa mười hai năm nên được phép ăn tất cả mọi người, trừ những ai đáp lời chúc: “Mong sống lâu!”

– Này dạ-xoa, ngươi trước kia làm điều bất thiện nên phải sanh ra hung dữ, độc ác, làm hại người. Nay nếu ngươi làm hành động tương tự, ngươi sẽ đi từ cảnh đen tối này đến cảnh đen tối khác. Do vậy từ nay, ngươi hãy từ bỏ sát sanh, v.v...

Sau khi nhiếp phục con dạ-xoa, làm cho nó hoảng sợ với cảnh khổ của địa ngục, khuyên nó giữ năm giới, Bồ-tát thu phục con dạ-xoa trở thành người giúp việc.

Ngày hôm sau, nhiều người đi đến thấy con dạ-xoa, biết rằng nó đã được Bồ-tát nhiếp phục, liền báo cáo lên vua:

– Thưa Thiên tử, có một thanh niên đã nhiếp phục con dạ-xoa và đã làm nó trở thành người giúp việc.

Vua cho mời Bồ-tát, đặt Bồ-tát vào chức Ðại tướng quân và thưởng cho thân phụ Bồ-tát nhiều danh vọng. Sau khi con dạ-xoa được vua phong làm người thu thuế, vua tuân theo lời khuyên răn của Bồ-tát, làm các công đức như bố thí, v.v... và khi chết, vua được sanh lên cõi trời làm đông đảo hội chúng chư thiên.

***

Sau khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này, để giải thích phong tục trả lời: “Mong sống lâu”, Ngài nói:

– Tục lệ này từ xưa đã có rồi.

Và bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ānanda (A-nan), người cha là Kassapa (Ca-diếp) và người con trai là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.