Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§154. CHUYỆN CON RẮN (Uragajātaka) (J. II. 12)

Ở đây, đã trốn vào...

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về sự tranh chấp của các võ quan. Cùng phục vụ vua xứ Kosala và cầm đầu binh lính, hai bậc đại thần này thấy mặt tại chỗ nào thì cãi lộn nhau ở chỗ ấy. Sự thù hằn của họ được toàn thành biết rõ. Ngay cả vua, bà con, thân hữu cũng không thể giảng hòa họ được.

Một hôm, bậc Ðạo sư, vào buổi sáng sớm, quán sát xem ai có khả năng giác ngộ và thấy hai người này có duyên chứng được Dự lưu đạo. Hôm sau, bậc Ðạo sư đi một mình vào Xá-vệ để khất thực, đứng trước cửa nhà của một trong hai người ấy. Người này đi ra, cầm lấy bát, mời bậc Ðạo sư vào nhà, sửa soạn chỗ ngồi và mời Ngài. Bậc Ðạo sư ngồi xuống, thuyết về lợi ích tu tập từ tâm, sau khi biết tâm người ấy đã sẵn sàng, liền thuyết về các sự thật. Cuối bài giảng, người ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo sư biết người ấy đã chứng quả Dự lưu, liền bảo người ấy cầm bình bát đứng dậy và đi đến nhà của người kia. Người này thấy bậc Ðạo sư đến liền ra đảnh lễ và mời Ngài vào nhà. Người này cũng cầm bình bát đi theo bậc Ðạo sư và vào nhà với Ngài. Bậc Ðạo sư tán thán mười một lợi ích của từ tâm và khi biết tâm của người sau này cũng đã thuần thục, liền thuyết giảng các sự thật. Cuối bài giảng, người này được an trú vào quả Dự lưu. Như vậy, cả hai đều đắc quả Dự lưu, thú nhận với nhau về lỗi lầm của mình, thứ lỗi cho nhau, hòa hợp, hoan hỷ với nhau và trở thành như một. Chính ngày ấy, họ cùng ăn với nhau trước mặt Thế Tôn. Sau khi ăn xong, bậc Ðạo sư liền đi về tinh xá. Cả hai vị đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, bơ chín, mật, đường phèn, v.v... cùng đi với bậc Ðạo sư về tinh xá. Sau khi nêu rõ các trách nhiệm và giáo giới cho các Tỷ-kheo, bậc Ðạo sư đi vào hương phòng. Các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, nói về câu chuyện ấy tại pháp đường:

– Thưa các Hiền giả, bậc Ðạo sư đã nhiếp phục những người không thể nhiếp phục. Hai vị đại thần ấy chống đối với nhau đã lâu ngày, vua và bà con thân hữu không thể làm họ hòa hợp. Nhưng chỉ trong một ngày, Như Lai đã nhiếp phục được họ.

Bậc Ðạo sư đến pháp đường và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi ở đây nói câu chuyện gì?

Khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới làm cho hai người này hòa hợp. Xưa kia Ta cũng làm cho họ hòa hợp rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, một số quần chúng lớn tụ họp để vui chơi ngày lễ hội. Nhiều nhóm người, chư thần, các loại rắn thần, Kim Sí điểu (chim thần Cánh Vàng),[4] v.v... tụ họp lại để xem lễ hội.

Tại một chỗ, một con rắn và một Kim Sí điểu xem hội cùng đứng với nhau. Con rắn không biết là Kim Sí điểu đứng bên cạnh, liền đặt tay lên vai nó. Kim Sí điểu xoay mình lại để xem ai đã đặt tay lên vai nó, và khi nhìn, nó biết đó là con rắn. Con rắn cũng nhìn, biết là Kim Sí điểu, hoảng hốt vì sợ chết, vội đi ra khỏi thành và chạy trốn trên mặt sông. Kim Sí điểu quyết định bắt lấy con rắn liền đuổi theo.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát là vị tu khổ hạnh, sống trong một chòi lá bên bờ sông ấy. Ðể làm dịu sức nóng ban ngày, ngài cởi áo ngoài bằng vỏ cây, mặc áo tắm và xuống sông tắm. Con rắn suy nghĩ: “Ta sẽ nhờ vị xuất gia này cứu mạng sống”, liền từ bỏ nguyên hình, biến thành hòn ngọc và trốn vào giữa áo bằng vỏ cây. Kim Sí điểu đuổi theo thấy nó đi vào trong ấy, nhưng vì kính trọng áo bằng vỏ cây, nó không chạm cái áo và thưa với Bồ-tát:

– Thưa Tôn giả, hãy cầm lấy áo bằng vỏ cây. Trong đó có con rắn mà con muốn ăn.

Và để nêu rõ ý nghĩa này, nó đọc bài kệ đầu tiên:

7. Ở đây, đã trốn vào, Vị vua các loài rắn,

Con muốn giải thoát nó, Khỏi hình hòn đá ngọc,

Và vì trọng Phạm hạnh, Dầu đói, con không bắt.

Bồ-tát đứng dưới nước nói lời tán thán vua Kim Sí điểu qua bài kệ thứ hai:

8. Mong ngươi sống lâu ngày, Ðược Phạm thiên hộ trì,

Luôn hưởng món chư thiên, Mong ngươi được đầy đủ,

Vì kính trọng Phạm hạnh, Dầu đói, chớ ăn nó.

Như vậy, Bồ-tát đứng dưới nước nói lên lời tùy hỷ. Rồi Bồ-tát đi lên, mặc áo vỏ cây và đem cả hai cùng đi về thảo am. Ngài tán thán hạnh tu tập từ tâm, khiến cả hai hòa hợp. Từ đấy trở đi, cả hai đều sống hòa hợp, vui vẻ với nhau.

***

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc ấy, con rắn và Kim Sí điểu là hai vị đại thần này, còn vị tu khổ hạnh chính là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.