Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§150. CHUYỆN THANH NIÊN SAÑJĪVA (Sañjīvajātaka) (J. I. 508)

Ai theo kẻ bất thiện...

Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo sư đã kể về Vua Ajātasattu (A-xà-thế) theo phe kẻ bất thiện.[7] Vua đã tin tưởng Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), kẻ theo ác giới, kẻ phản lại các đức Phật. Và vì theo phe kẻ bất thiện, phi chân nhân ấy, vua đã tôn trọng vị ấy, tiêu phí nhiều tài sản để xây dựng một tinh xá ở Gayāsīsa. Theo lời khuyên ác của Devadatta, vua đã giết phụ thân là một vị vua theo Chánh pháp, một vị Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu; do đó, đã tự mình cắt đứt cận duyên chứng quả Dự lưu và sẽ gặp tai họa lớn.

Khi nghe Devadatta đã bị đất nuốt sống, vua suy nghĩ: “Ta cũng có thể bị đất nuốt”, liền hoảng hốt lo sợ, không vui trong vương vị, ngủ không yên giấc, đi lang thang, hoảng hốt, run rẩy như con voi con bị những hình phạt sắc bén. Trong tưởng tượng, vua thấy như đất nứt nẻ ra, như lửa địa ngục Avīci (A-tỳ) phun lên, như mình bị đất nuốt xuống, như mình bị bắt nằm ngửa trên tấm đồng nung đỏ, như bị các cây gậy sắt đâm xuyên vào thân, như một con gà trống bị thương tích, không giây phút nào vua không run sợ.

Vua muốn đến yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác, muốn cầu hòa với Ngài và xin Ngài hướng dẫn nhưng không thể đi đến gần Ngài vì tội lỗi quá lớn.

Nhân ngày lễ hội Kattikā đêm rằm tháng Mười, thành Vương Xá được thắp đèn và trang hoàng như thành phố chư thiên, khi vua ngự trên ngai vàng với quần thần vây quanh trong cung điện lớn, và thấy Jīvaka ngồi không xa bao nhiêu, vua suy nghĩ: “Ta sẽ đem Jīvaka đi theo yết kiến bậc Chánh Ðẳng Giác. Nhưng ta không có thể nói thẳng: ‘Này bạn Jīvaka, ta không muốn đi một mình. Hãy đưa ta đến bậc Ðạo sư!’ Ta hãy dùng phương tiện tán thán đêm đẹp trời và sẽ nói: ‘Hôm nay, chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể làm tâm chúng ta được an lạc?’ Nghe ta nói, các đại thần sẽ tán thán bậc Ðạo sư của mình. Jīvaka sẽ tán thán bậc Chánh Ðẳng Giác và ta sẽ đem Jīvaka theo rồi đi đến bậc Ðạo sư.”

Vì vậy, vua tán thán đêm ấy với năm câu kệ:

Thật là điềm lành thay, Ðêm rằm sáng trăng này!

Thật là diễm lệ thay, Ðêm rằm sáng trăng này!

Thật là quyến rũ thay, Ðêm rằm sáng trăng này!

Thật là thích thú thay, Ðêm rằm sáng trăng này!

Thật là khả ái thay, Ðêm rằm sáng trăng này![8]

Hôm nay, chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, để vị ấy làm tâm chúng ta được an lạc?

Một đại thần tán thán Purāṇa Kassapa (Phú-lan Ca-diếp), một đại thần tán thán Makkhali Gosāla (Mặc-già-lê Cù-xá-lợi), một đại thần tán thán Ajita Kesakambala (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la), một đại thần tán thán Kakudha Kaccāyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-diên), một đại thần tán thán Sañjaya Belaṭṭhiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất), một đại thần tán thán Nigaṇṭha Nāthaputta (Ni-kiền-tử).

Vua nghe các đại thần ấy tán thán nhưng vẫn im lặng. Vua chờ đợi đại thần Jīvaka nói. Nhưng Jīvaka ngồi không xa, suy nghĩ: “Không biết vua có chờ đợi mình nói hay không?” Nên Jīvaka vẫn ngồi im lặng. Cuối cùng, vua nói với đại thần Jīvaka:

– Này Hiền khanh Jīvaka, sao khanh không nói gì?

Khi ấy, Jīvaka từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay vái về hướng Thế Tôn và thưa:

– Thưa Thiên tử, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, nay đang trú ở rừng xoài của chúng thần với một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo. Tiếng đồn tốt đẹp như vậy được truyền đi về Thế Tôn.

Sau khi nói lên chín đức tánh, bắt đầu từ A-la-hán, Jīvaka trình bày những tướng tốt, v.v... từ khi sanh ra, uy lực của Thế Tôn đã vượt hẳn mọi dự đoán và mong đợi trước kia, rồi thưa:

– Thiên tử hãy đi đến chiêm bái Thế Tôn, nghe pháp và hỏi đạo!

Vua được toại ý liền nói:

– Này Hiền khanh Jīvaka, hãy cho thắng voi vào các cỗ xe!

Sau khi các cỗ xe được thắng xong, vua đi đến rừng xoài của Jīvaka với uy nghi của một vị vua. Thấy Thế Tôn được vây quanh với chúng Tỷ-kheo, với hương hoa, vòng hoa, nhìn thấy chúng Tỷ-kheo ở mọi nơi, không dao động, như biển hoàn toàn vắng lặng, vua suy nghĩ: “Một hội chúng như vậy, ta chưa bao giờ thấy.” Vua hoan hỷ với uy nghi ấy, liền chắp tay vái chúng Tỷ-kheo, nói lên lời tán thán, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên rồi hỏi về quả của Sa-môn hạnh.[9] Thế Tôn chia làm hai phần tụng Kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphala Sutta). Cuối bài kinh, vua hoan hỷ, xin Thế Tôn tha thứ lỗi lầm, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân bên hữu hướng về Thế Tôn rồi đi ra. Khi vua vừa đi không bao lâu, bậc Ðạo sư nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, vua này đã bị tổn thương. Này các Tỷ-kheo, nếu vua ấy đã không vì tham vương quyền hại mạng vua cha, một Đại vương trị vì đúng pháp thì vua ấy ngay trên chỗ ngồi này đã khởi lên Pháp nhãn không bụi, không dơ! Do nương tựa Devadatta, theo kẻ bất thiện nên vua đã không chứng quả Dự lưu.

Ngày hôm sau, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện tại pháp đường:

– Thưa các Hiền giả, nghe nói Vua Ajātasattu theo phe kẻ bất thiện, nương tựa Devadatta theo ác giới, làm ác pháp, đã tự mình giết cha nên mất quả Dự lưu. Như vậy, vua bị Devadatta làm hại.

Trong lúc ấy, bậc Ðạo sư đi đến pháp đường hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây bàn câu chuyện gì?

Khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, Vua Ajātasattu không phải nay mới theo phe kẻ bất thiện và chịu thiệt hại lớn. Thuở xưa, vua cũng đã theo phe bất thiện và gặp đại nạn.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể lại câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi đến Takkasilā học tất cả các nghề và trở thành một Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương, dạy nghề cho năm trăm thanh niên trong đó có một người tên là Sañjīva.

Bồ-tát dạy cho thanh niên ấy bùa chú, làm các vật chết sống dậy nhưng không dạy bùa chú chế ngự lại. Một hôm, vì kiêu mạn về năng lực của mình, anh ta đi cùng với các thanh niên vào rừng lượm củi, thấy một con cọp chết, liền nói với họ:

– Thưa các hiền hữu, tôi sẽ làm cho con cọp chết này sống lại.

Các thanh niên ấy nói:

– Bạn không thể làm được.

– Các bạn cứ nhìn, tôi sẽ làm cho nó đứng dậy.

Nghe vậy xong, các thanh niên ấy liền leo lên trên cây. Sañjīva đọc bùa chú, lấy mảnh sành đánh cọp. Con cọp vùng đứng dậy, nhanh như chớp xông tới cắn vào cổ Sañjīva, hủy diệt mạng sống của anh ta và rơi xuống tại chỗ ấy. Sañjīva cũng rơi xuống. Cả hai đều nằm chết tại chỗ. Các thanh niên lượm củi xong, đi về và trình Sư trưởng câu chuyện ấy. Ngài gọi các thanh niên và nói:

– Này các con thân, do thân cận với kẻ bất thiện, do kính trọng những kẻ không xứng đáng nên nó phải gặp đại nạn như vậy!

Rồi ngài đọc bài kệ này:

150. Ai theo kẻ bất thiện, Thân cận kẻ bất thiện,

Sẽ bị nó giết chết, Như cọp giết Sañjīva.

Bồ-tát thuyết pháp cho các thanh niên với bài kệ này và suốt đời làm các công đức như bố thí, v.v... rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.

***

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, thanh niên làm sống dậy con cọp chết là Vua Ajātasattu, còn vị Sư trưởng có danh tiếng nhiều phương là Ta vậy.

  1. Xem J. I. 481, Godhājātaka (Chuyện con kỳ nhông), số §138.

  2. Xem J. I. 185, Mahilāmukhajātaka (Chuyện con voi Mahilāmukha), số §26.

  3. Xem M. I. 77-8.

  4. Xem J. I. 214, Vaṭṭakajātaka (Chuyện chim cút), số §35.

  5. Xem J. III. 461, Indriyajātaka (Chuyện các căn), số §423.

  6. Xem SBE. vol. XX, p. 188.

  7. Xem D. I. 85; SBE. vol. XX, p. 242.

  8. Xem D. I. 51.

  9. Như trên.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.