Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§149. CHUYỆN CÂY MỘT LÁ (Ekapaṇṇajātaka) (J. I. 504)
Cây này chỉ một lá...
Câu chuyện này, khi trú tại ngôi nhà có nóc nhọn ở Ðại Lâm gần Vesāli (Tỳ-xá-ly), bậc Ðạo sư đã kể về một hoàng tử xứ Licchavi độc ác ở Vesāli.
Lúc ấy, thành Tỳ-xá-ly được ba bức thành vây quanh, cách nhau khoảng một phần tư dặm có ba cửa với các tháp canh, được phồn thịnh phi thường. Tại đấy, luôn luôn có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy vị vua cai trị các vương quốc, với số phó vương, tướng quân, quan trông coi ngân khố cũng tương đương như vậy. Trong các hoàng tử của các vua ấy, có một hoàng tử được mệnh danh là “Hoàng tử độc ác xứ Licchavi”, hay phẫn nộ, hung bạo, độc ác, luôn luôn nổi trận lôi đình, dùng hình phạt như một con rắn độc điên cuồng. Trước mặt hoàng tử, khi phẫn nộ, không ai có thể nói hai ba lời. Ngay cả cha mẹ, bà con và bạn bè thân hữu, không ai có thể dạy chàng được. Rồi cha mẹ chàng suy nghĩ: “Ðứa trẻ này quá độc ác, hung hãn. Ngoài bậc Chánh Ðẳng Giác, không một ai có thể nhiếp phục được nó.” Rồi cha mẹ dẫn hoàng tử đến bậc Ðạo sư, đảnh lễ và thưa:
– Bạch Thế Tôn, đứa trẻ này hung bạo, ác độc, hay nổi cơn phẫn nộ, xin Ðạo sư hãy khuyên dạy nó.
Bậc Ðạo sư dạy bảo hoàng tử ấy như sau:
– Này Hoàng tử, làm người chớ nên hung hãn, độc ác, thô bạo, giận dữ. Người nói lời ác ngữ là xử sự không thân ái, không đẹp ý đối với cha mẹ, đối với con cái, đối với anh chị em, ngay cả vợ chồng, bạn bè hay bà con cũng vậy. Kẻ hung dữ như con rắn vươn lên để cắn, như kẻ cướp rình rập trong rừng, như con dạ-xoa nhảy lên để vồ mồi. Những ai hung hãn, độc ác... tâm sẽ bị dao động, hoảng hốt, nên lúc chết sẽ tái sanh vào địa ngục, ác thú, v.v... Người phẫn nộ, ngay trong hiện tại, dầu được tô điểm trang sức vẫn xấu xa. Mặt nó dầu có đẹp như vầng trăng tròn cũng trở thành xấu xí như hoa sen bị cháy sém, cũng như gương tròn bằng vàng bị nhơ bẩn. Do phẫn nộ làm cho hung dữ, chúng sanh cầm kiếm tự chém mình, uống thuốc độc, treo cổ, nhảy xuống vực sâu. Như vậy, do phẫn nộ chi phối, khi mạng chung, chúng sanh bị đọa vào địa ngục, v.v... Do làm cho người khác tổn thương, ngay trong hiện tại, chúng bị ghét bỏ và sau khi chết, chúng bị đọa vào địa ngục, v.v... Nếu được tái sanh làm người, ngay lúc chúng ra đời, chúng bị nhiều đau bệnh, với các chứng bệnh như: Bệnh đau mắt, bệnh đau tai, v.v... bắt đầu với một bệnh, chúng rơi vào một bệnh khác, không bao giờ thoát khỏi bệnh. Chúng bị đau khổ thường xuyên. Do vậy, mọi chúng sanh cần phải tu tập tâm từ bi, tâm lợi ích. Tu tập như vậy, chúng sẽ được giải thoát khỏi sự sợ hãi về địa ngục.
Hoàng tử được giáo giới như vậy, chỉ một lần giáo giới này, kiêu mạn được loại trừ, hoàng tử được nhiếp phục, chàng trở thành nhu mì, có tâm từ bi, nhu thuận, không còn mắng chửi đánh đập ai, như rắn có nanh bị nhổ ra, như con cua bị gãy càng, như con bò đực bị gãy sừng.
Khi được tin về tính tình hoàng tử thay đổi như vậy, các Tỷ-kheo bắt đầu nói chuyện tại pháp đường:
– Thưa các Hiền giả, cha mẹ và các bà con thường xuyên dạy bảo hoàng tử xứ Licchavi độc ác từ lâu nhưng không nhiếp phục được hoàng tử. Nhưng bậc Chánh Ðẳng Giác chỉ với một lần giáo giới đã nhiếp phục, khiến chàng trở thành nhu mì, chẳng khác gì tạo sáu nhân duyên hàng phục các con voi điên loạn ngay lập tức. Lời khéo nói như con voi được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện voi bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy; như con ngựa được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện ngựa bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy; như con bò được nhiếp phục, được chế ngự bởi người huấn luyện bò bảo nó chạy phương nào thì nó chạy phương ấy. Cũng vậy, này các Hiền giả, con người được nhiếp phục, được chế ngự bởi đức Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, khiến con người chạy theo tám phương, khiến con người có sắc, thấy các sắc ở ngoài tự thân. Như vậy là đức Phật và chỉ đức Phật mới được gọi là bậc Vô Thượng trong các Ðạo sư huấn luyện, bậc Đánh Xe Điều Ngự những ai đáng được điều ngự. Này các Hiền giả, không có một bậc Đánh Xe Điều Ngự những ai đáng được điều ngự giống bậc Chánh Ðẳng Giác.
Trong khi hội chúng đang tán thán công đức của Như Lai trong pháp đường thì bậc Ðạo sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây đang bàn vấn đề gì?
Và khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới nhiếp phục hoàng tử với một lần giáo giới mà thuở xưa cũng vậy.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở phương Bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đi học tại Takkasilā, được dạy ba tập Vệ-đà và tất cả các tài nghệ rồi làm gia chủ trong một thời gian. Sau khi cha mẹ mạng chung, Bồ-tát xuất gia làm vị ẩn sĩ, đạt được các thắng trí và thiền chứng và sống ở Tuyết Sơn. Tại đấy, Bồ-tát sống lâu ngày, vì cần dùng muối, giấm, Bồ-tát đi xuống con đường của dân chúng, đến Ba-la-nại và ở công viên của vua.
Ngày hôm sau, khéo vấn, khéo đắp chiếc áo vỏ cây tốt nhất, đầy đủ dáng điệu của người khổ hạnh, Bồ-tát đi vào thành để khất thực và đến cửa cung vua. Vua nhìn qua cửa sổ thấy Bồ-tát, hoan hỷ với uy nghi, cử chỉ của vị ẩn sĩ: “Vị tu khổ hạnh này, với các căn thanh tịnh, với ý thanh tịnh, chỉ nhìn trong khoảng một tầm, bước từng bước một như đang đặt xuống một túi đựng một ngàn đồng vàng, đi đến với dáng điệu uy nghiêm của con sư tử. Nếu tịnh pháp có mặt ở một nơi nào, tịnh pháp phải có mặt ở trong người này.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vua nhìn một vị đại thần. Vị ấy hỏi:
– Thưa Thiên tử, thần cần làm gì?
– Hãy mời vị khổ hạnh này đến!
– Thưa vâng, Thiên tử.
Vị đại thần ấy đi đến gặp Bồ-tát, đảnh lễ, cầm lấy bát khất thực. Bồ-tát hỏi:
– Thưa bậc đại phước, có việc gì?
– Thưa Tôn giả, đức vua cho mời ngài.
Bồ-tát nói:
– Chúng tôi không đi đến cung vua, trú xứ của chúng tôi ở tại Tuyết Sơn.
Người đại thần đi về và tâu lại vua rõ. Vua nói:
– Nay chúng ta không có người cố vấn trong cung vua. Hãy mời vị ấy đến!
Vị đại thần đi đến, đảnh lễ Bồ-tát và yêu cầu ngài vào cung điện của vua. Vua đảnh lễ Bồ-tát, mời Bồ-tát ngồi trên ngai vàng, dưới một lọng trắng uy nghiêm, đãi Bồ-tát dùng các món ăn đặc biệt dành riêng cho mình, rồi hỏi:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả ở đâu?
– Thưa Ðại vương, chúng tôi ở Tuyết Sơn.
– Nay Tôn giả đi đâu?
– Thưa Ðại vương, chúng tôi đang tìm một trú xứ thích hợp cho mùa mưa.
– Thưa Tôn giả, hãy ở lại công viên của chúng tôi!
Sau khi được Bồ-tát chấp nhận, vua ăn xong rồi, đưa Bồ-tát đi đến công viên, cho dựng một thảo am, làm phòng ở ban đêm, phòng ở ban ngày, cung cấp tám dụng cụ cho người xuất gia. Sau khi giao trách nhiệm cho người giữ công viên, vua đi vào thành. Từ đấy trở đi, Bồ-tát sống ở công viên, mỗi ngày vua đi đến hầu thăm hai ba lần.
Vua có một hoàng tử độc ác, hung bạo mà vua cũng như các người bà con, các vị đại thần khác không thể nhiếp phục. Tất cả đại thần, Bà-la-môn, dân chúng đều đã nêu rõ những lỗi lầm của hoàng tử nhưng vô hiệu. Chàng không lưu ý đến lời khuyên can của ai. Rồi vua suy nghĩ: “Ngoài vị tu khổ hạnh đáng kính, có giới đức của ta, không một người nào khác có thể nhiếp phục được hoàng tử này. Vị tu khổ hạnh ấy sẽ nhiếp phục hoàng tử.” Nghĩ vậy, vua đưa hoàng tử đến gần Bồ-tát và thưa:
– Thưa Tôn giả, hoàng tử này hung bạo, độc ác. Chúng tôi không có thể nhiếp phục nó. Mong ngài tìm một phương tiện dạy bảo nó.
Vua giao hoàng tử cho Bồ-tát rồi ra đi. Bồ-tát đưa hoàng tử cùng đi chơi trong công viên và đến một mầm cây nimba (cây sầu đâu, loại cây có lá rất đắng) mới mọc lên từ hột giống, chỉ có hai lá, một lá phía bên này, một lá phía bên kia. Thấy cây ấy, Bồ-tát nói với hoàng tử:
– Này Hoàng tử, hãy ăn lá của cây con này và xem vị của nó thế nào?
Hoàng tử lấy một lá của cây ấy, nhưng vừa đặt vào miệng và biết được vị, liền nhổ nó ra dưới đất với nước miếng kèm theo lời nguyền rủa. Bồ-tát hỏi:
– Này Hoàng tử, lá ấy thế nào?
Hoàng tử đáp:
– Thưa Tôn giả, cây ấy như thuốc độc giết người, nếu lớn lên, nó sẽ làm chết nhiều người.
Rồi hoàng tử nhổ cây con ấy lên với hai tay chà nát nó và nói lên bài kệ:
149. Cây này chỉ một lá, Cách đất bốn đốt tay,
Lá nó giống thuốc độc, Lớn lên sẽ làm gì?
Sau đó, Bồ-tát nói với hoàng tử:
– Này Hoàng tử, đối với cây nimba bé nhỏ này, Hoàng tử nghĩ rằng: “Nay cây đắng như vậy, khi nó lớn lên thì cũng chẳng dùng được việc gì phải không?” Vì vậy, chính Hoàng tử đã nhổ cây ấy lên và chà nát. Cũng như Hoàng tử đã xử sự đối với cây này, những người ở trong nước sẽ nghĩ về Hoàng tử rằng: “Khi còn trẻ đã hung bạo, độc ác như vậy thì khi lớn lên được làm vua, hoàng tử sẽ như thế nào nữa? Chúng ta dựa vào hoàng tử ấy thì sự trưởng thành của chúng ta sẽ đi đến đâu?” Họ sẽ không cho Hoàng tử trị vì quốc độ thuộc sở hữu gia đình, sẽ nhổ bứng Hoàng tử lên như cây nimba con và đuổi Hoàng tử ra khỏi nước. Do vậy, hãy từ bỏ tánh xấu giống như cây nimba! Bắt đầu từ nay, hãy đầy đủ lòng kiên nhẫn, từ bi, hòa ái!
Hoàng tử từ đấy trở đi bỏ kiêu mạn, trở nên hiền lành, đầy đủ lòng kham nhẫn, từ bi, hòa ái, an trú vững chắc trên lời khuyên răn của Bồ-tát. Sau khi phụ vương mạng chung, chàng hưởng quốc độ, trọn đời làm các công đức rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
***
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới nhiếp phục vị hoàng tử xứ Licchavi ác độc. Trong thời quá khứ, Ta cũng đã làm như vậy.
Rồi bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, hoàng tử ác độc ấy là hoàng tử xứ Licchavi này, vua là Ānanda, còn vị tu khổ hạnh đã giáo giới hoàng tử chính là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.