Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§147. CHUYỆN ÁO VẢI MÀU ÐỎ (Puppharattajātaka) (J. I. 499)

Khổ này không phải khổ...

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một Tỷ-kheo luyến ái. Khi được Thế Tôn hỏi:

– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông có luyến ái?

Tỷ-kheo ấy trả lời có thật. Bậc Ðạo sư hỏi:

– Luyến ái ai?

Tỷ-kheo trả lời:

– Bạch Thế Tôn, luyến ái người vợ cũ. Nữ nhân ấy, bạch Thế Tôn, là người đã tự tay cho con các vị ngọt. Con không thể sống mà không có nàng.

Bậc Ðạo sư nói:

– Này Tỷ-kheo, nữ nhân ấy không làm lợi cho ông. Thuở trước, vì nàng, ông đã bị đâm và phơi thây trên cọc nhọn. Chính vì ông khóc nàng khi ông chết nên ông đã tái sanh vào địa ngục. Vậy nay sao ông lại luyến ái nàng?

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm vị thần tiên trên hư không. Thời ấy, tại Ba-la-nại có ngày lễ hội đêm rằm tháng Kattikā (tháng Mười). Thành phố được trang hoàng như thành phố chư thiên. Tất cả dân chúng đều vui chơi hội lớn. Có một người nghèo khổ chỉ có một cặp áo vải thô đã được giặt và ủi đến độ trở thành trăm, thành ngàn đường lằn. Vợ anh ta nói với anh ta:

– Thưa chàng, em muốn có áo màu đỏ cây kusumbha và đắp áo ấy, ôm cổ chàng đi chơi lễ hội đêm Kattikā.

– Này hiền thê, chúng ta nghèo, làm sao có được vải màu đỏ kusumbha? Hãy đắp vải sạch này và đi chơi.

– Không có được vải kusumbha thì chúng ta không đi chơi đâu cả. Chàng hãy lấy một nữ nhân khác mà đi chơi hội.

– Này hiền thê, sao làm khổ ta vậy, làm sao chúng ta có được vải kusumbha?

– Này chàng, khi người ta muốn, sao lại không có được? Chẳng phải trong nhà kho của vua có rất nhiều vải kusumbha đó sao?

– Này hiền thê, chỗ ấy chẳng khác gì một hồ nước do dạ-xoa canh giữ, có quân lính canh giữ, không thể đi đến được. Chớ ham thích như vậy. Hãy tự bằng lòng với những gì nàng có được!

– Chàng ôi, ban đêm tối trời thì có ai ngăn chặn được người muốn đến nơi mình thích?

Như vậy, do người vợ nói đi nói lại mãi và chịu ảnh hưởng lời nài nỉ của nàng, người chồng an ủi vợ:

– Thôi được, hiền thê chớ nghĩ ngợi gì nữa.

Vào ban đêm, không kể đến mạng sống, người chồng đi khỏi thành đến kho của vua, phá hàng rào và vào trong kho. Những người canh gác nghe tiếng hàng rào bị phá, liền bao vây kẻ trộm, bắt được anh ta, mắng chửi, đánh đập và trói anh ta. Khi trời vừa sáng, họ dẫn anh ta đến trước nhà vua. Vua bảo:

– Hãy đem nó đâm vào cọc nhọn!

Họ trói cánh tay anh ta ra đằng sau, dắt anh ta đi ra khỏi thành với tiếng trống hành quyết và đâm anh ta vào cọc nhọn. Anh ta cảm thấy rất đau đớn. Các con quạ đậu trên đầu, mổ con mắt anh ta với mỏ sắc bén như kiếm. Nhưng anh ta không nghĩ gì đến sự đau đớn như vậy mà chỉ nghĩ đến nữ nhân ấy: “Ta mất đi chơi hội Kattikā ban đêm với nàng mặc áo màu hoa đỏ và với cánh tay của nàng ôm ở cổ ta.” Vì vậy, anh ta đọc bài kệ:

147. Khổ này không phải khổ, Vì cọc nhọn đâm ta,

Vì ta bị quạ mổ, Chính điều này mới khổ,

Vì vợ ta không thể, Vui chơi ngày hội lớn,

Với áo màu hoa đỏ!

Như vậy, anh ta nói lời lảm nhảm về vợ mình, rồi chết và tái sanh vào địa ngục.

***

Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Hai vợ chồng thời ấy là hai vợ chồng ngày nay, và vị thần tiên đứng trên hư không chứng kiến câu chuyện này chính là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.