Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§140. CHUYỆN CON QUẠ (Kākajātaka) (J. I. 484)

Tâm thường bị chấn động...

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một vị Sư trưởng có danh tiếng. Các chi tiết của chuyện sẽ được kể ở chương XI, Chuyện cổ thụ Cát Tường Sāla.[10]

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con quạ. Một hôm, vị cố vấn tế tự của vua đi tắm trong một con sông ở ngoại thành, sau đó thoa nước thơm, đeo vòng hoa, mặc áo đẹp rồi đi vào thành. Có hai con quạ đang đậu trên lầu cạnh cửa thành, một con nói với con kia:

– Này bạn, tôi sẽ đi đại tiện trên đầu người Bà-la-môn này.

Con kia can:

– Chớ làm như vậy, vị Bà-la-môn này có quyền thế, chúng ta không nên gây hận thù với người có quyền thế. Người này phẫn nộ có thể sát hại tất cả loài quạ.

Nhưng nó cương quyết:

– Tôi không thể không làm được.

– Nếu không nghe tôi rồi bạn sẽ được nếm mùi.

Nói vậy xong, con quạ kia bay đi. Khi người Bà-la-môn đi đến dưới lầu canh, con quạ làm rơi phân trên đầu ông như làm rơi một tràng hoa. Vị Bà-la-môn phẫn nộ và nuôi lòng hận thù với loài quạ.

Lúc bấy giờ, một nữ tỳ được thuê để đập và phơi lúa giữa nắng. Tại cửa này, nó ngồi để giữ lúa rồi ngủ gật. Biết nó không để ý, một con dê lông dài đi đến ăn lúa. Người nữ tỳ thức dậy, thấy con dê bèn đuổi đi. Lần thứ hai, lần thứ ba, khi người nữ tỳ đang ngủ như vậy, con dê lại đến ăn lúa. Người nữ tỳ, sau ba lần đuổi con dê, suy nghĩ: “Con vật này tiếp tục ăn, ăn hết nửa phần lúa, sẽ thiệt hại nhiều cho ta, nay ta sẽ chặn con dê đến ăn lúa.” Nó đứng dậy, lấy que lửa đánh con dê. Lông con dê bắt lửa. Con vật với thân bị cháy, chạy thật mau đến một kho chứa cỏ gần một chuồng voi để dập tắt lửa, và chà thân vào kho chứa cỏ, làm cho kho cỏ cháy lên, và từ đó, bắt cháy qua chuồng voi. Khi chuồng voi bị cháy, lưng voi bị cháy, và nhiều con voi bị vết thương ở thân. Các thầy thuốc voi không thể nào chữa cho các con voi lành bệnh liền báo cho vua biết. Vua hỏi vị cố vấn tế tự:

– Này Sư trưởng, các thầy thuốc không thể chữa trị các con voi lành bệnh. Khanh có biết thứ thuốc nào không?

– Thưa Ðại vương, thần biết.

– Cần lấy thuốc gì?

– Thưa Ðại vương, cần lấy mỡ quạ.

Vua nói:

– Vậy hãy giết quạ và đem mỡ quạ lại!

Từ đấy trở đi, họ giết các con quạ nhưng không tìm được mỡ. Tại chỗ này chỗ khác, họ chất thây quạ thành đống. Một nỗi sợ hãi lớn khởi lên trong loài quạ. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sống với tám mươi ngàn con quạ vây quanh tại một khu rừng lớn dùng làm bãi tha ma. Một con quạ đến báo cho Bồ-tát biết về sự sợ hãi khởi lên cho loài quạ. Bồ-tát suy nghĩ: “Ngoài ta ra, không có một ai có thể giải tỏa sự sợ hãi khởi lên cho bà con ta. Ta sẽ giải tỏa sự sợ hãi khủng khiếp ấy.” Rồi Bồ-tát hướng niệm mười Ba-la-mật, đề cao lòng từ Ba-la-mật, bay một mạch đến cung vua, vào cửa sổ mở lớn và đến núp dưới chiếc ngai của vua. Lúc bấy giờ, một người muốn bắt con quạ nhưng vua vừa đi vào cung ngăn anh ta lại. Bậc Ðại sĩ nghỉ mệt một lát, rồi niệm lòng từ Ba-la-mật, và từ dưới chiếc ngai đi ra thưa với vua:

– Tâu Ðại vương, một vị vua trị vì quốc độ không nên đi theo các dục, v.v... Khi cần làm việc gì, phải quan sát và rõ biết toàn bộ vấn đề rồi mới làm. Nếu vị vua làm một việc không có kết quả thì không nên làm, vì công việc ấy đưa đến sợ hãi hoặc chết chóc cho mọi loài. Vị cố vấn tế tự bị hận thù xúi giục đã nói láo, vì các con quạ không có mỡ.

Khi nghe nói vậy, vua rất bằng lòng với Bồ-tát, cho Bồ-tát ngồi trên ghế bằng vàng. Tại đấy, Bồ-tát được thoa đôi cánh với những loại dầu được nấu trăm lần, ngàn lần, rồi cho Bồ-tát ăn các món thịt ngon dành cho vua, được đựng trong các bát đĩa bằng vàng. Sau khi cho Bồ-tát uống nước để được an lạc, vua nói với bậc Ðại sĩ:

– Thưa bậc Hiền trí, ngài nói các loài quạ không có mỡ? Vì lý do gì chúng không có mỡ?

Bồ-tát nói:

– Vì lý do sau đây.

Với tiếng nói lớn, vang dậy cả cung điện, Bồ-tát thuyết pháp qua bài kệ này:

140. Tâm thường bị chấn động, Bị thế giới làm hại,

Do vậy không có mỡ, Bà con quạ chúng tôi.

Như vậy, sau khi nói lên lý do này, bậc Ðại sĩ dạy vua như sau:

– Thưa Ðại vương, các vị vua chớ làm những việc gì mà không quan sát, không biết rõ toàn bộ vấn đề.

Nhà vua với tâm tư thỏa mãn, cúng dường Bồ-tát cả vương quốc. Nhưng Bồ-tát không nhận vương quốc của vua, dạy vua giữ năm giới và xin vua chớ làm cho mọi loài chúng sanh sợ hãi.

Vua xúc động trước những lời này nên ban lệnh tha chết cho mọi loài, và đặc biệt, vua thường xuyên bố thí cho các loài quạ. Mỗi ngày, vua bảo nấu sáu đấu gạo rồi nêm gia vị thơm ngon và bố thí cho bầy quạ. Riêng bậc Ðại sĩ được ban các thứ đồ ăn chỉ mình vua dùng.

***

Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, vua xứ Ba-la-nại là Ānanda và vua loài quạ là Ta vậy.

  1. Bản Tích Lan viết Pañcagarukajātaka. Bản CST viết Bhīrukajātaka, nghĩa là Chuyện run sợ. Bản Thái Lan viết Pañcabhīrukajātaka, nghĩa là Chuyện năm điều làm run sợ.

  2. Xem J. I. 393, Telapattajātaka (Chuyện bát dầu), số §96.

  3. Xem Vin. IV. 258-59.

  4. Xem Vin. IV. 79.

  5. Kāṇa có nghĩa là người “một mắt”.

  6. Tham chiếu: Pháp cú kinh “Phạm chí phẩm” 法句經梵志品 (T.04. 0210.35. 0572b20); Xuất diệu kinh “Phạm chí phẩm” 出曜經梵志品 (T.04. 0212.34. 0768c14); Pháp tập yếu tụng kinh “Phạm chí phẩm” 法集要頌經梵志品 (T.04. 0213.33. 0798a01).

  7. Xem J. I. 460, Biḷārajātaka (Chuyện con mèo), số §128; J. III. 84, Godhajātaka (Chuyện con kỳ nhông), số §325.

  8. Xem J. III. 13, Ekarājajātaka (Chuyện vị Thánh vương), số §303.

  9. Xem Dh. v. 394.

  10. Xem J. IV. 144, Bhaddasālajātaka (Chuyện cổ thụ Cát Tường Sāla), số §465.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.