Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§138. CHUYỆN CON KỲ NHÔNG (Godhajātaka)[6] (J. I. 480)
Kẻ ngu có ích gì...
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ viên, bậc Ðạo sư kể về một người lừa đảo. Các chi tiết câu chuyện cũng giống như Chuyện con mèo.[7]
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con kỳ nhông. Lúc bấy giờ, một vị tu khổ hạnh chứng được năm thắng trí, sống trong một chòi lá tại một khu rừng gần một ngôi làng ở biên địa. Những người trong làng hầu hạ vị tu khổ hạnh, rất kính trọng vị ấy. Bồ-tát sống trong một gò mối tại cuối con đường đi kinh hành của vị tu hành. Sống tại đây, Bồ-tát hàng ngày hai, ba lần đi đến vị tu khổ hạnh, nghe những lời liên hệ đến pháp, liên hệ đến nghĩa và đảnh lễ vị tu khổ hạnh rồi đi về trú xứ của mình.
Sau một thời gian, vị tu khổ hạnh ấy báo tin cho những người trong làng biết mình sẽ ra đi. Khi vị tu khổ hạnh có giới đức này ra đi, một vị tu khổ hạnh giả dối đến ở tại am thất ấy. Bồ-tát suy nghĩ: “Ðây là vị có giới hạnh” và cũng đi đến vị ấy với cách thức như trước. Một hôm, trong mùa nắng hạn, một cơn dông trái mùa khởi lên, những con kiến, mối từ những gò mối bò ra; và các con kỳ nhông cũng bò ra để ăn chúng.[8] Những người trong làng đi ra, bắt nhiều con kỳ nhông, nấu chúng, xào trộn chua ngọt rồi cúng dường cho vị tu khổ hạnh. Vị tu khổ hạnh ăn thịt kỳ nhông, tham đắm vị ngon, liền hỏi:
– Món thịt thật là ngon ngọt, đó là thịt gì vậy?
Khi được trả lời là thịt kỳ nhông, vị ấy suy nghĩ: “Có con kỳ nhông lớn thường đến với ta. Ta sẽ giết nó để ăn thịt.” Nghĩ vậy, vị ấy đem lại xoong chảo để nấu, bơ chín, muối... các món gia vị, để chúng một bên, cầm một cái vồ, lấy áo che lại rồi ngồi tại cửa chòi lá để chờ Bồ-tát đến với một dáng điệu hết sức an tịnh.
Bồ-tát đi ra, suy nghĩ: “Vào buổi chiều, ta sẽ đi đến vị tu khổ hạnh.” Khi đang đi đến, Bồ-tát thấy sắc diện của người tu khổ hạnh này đổi khác, liền suy nghĩ: “Người tu khổ hạnh này ngồi với dáng điệu khác những ngày trước. Hôm nay, vị ấy đang nhìn ta với cặp mắt như muốn nuốt sống ta và suy nghĩ: ‘Ta sẽ bắt nó.’”
Con kỳ nhông là hiện thân của Bồ-tát, vì đứng trong gió dưới vị tu khổ hạnh, ngửi được mùi thịt kỳ nhông, suy nghĩ: “Người tu khổ hạnh dối trá này hôm qua đã được ăn thịt kỳ nhông, bị trói buộc bởi lòng tham vị nên hôm nay chờ ta đến gần để lấy vồ đánh ta, nấu và ăn ta.” Nghĩ vậy, Bồ-tát không đi đến gần người ấy nữa và trở lui chỗ khác.
Người tu khổ hạnh biết rằng Bồ-tát không tới nữa, liền nghĩ: “Chắc con kỳ nhông này biết ta muốn giết nó nên nó không đến. Nhưng dầu nó không đến cũng không sao thoát được.” Nghĩ vậy, vị ấy rút vồ và ném vào con kỳ nhông, nhưng chỉ trúng cái chóp đuôi của con kỳ nhông, Bồ-tát chạy mau vào gò mối, thò đầu ra từ một lỗ khác và nói:
– Này kẻ bện tóc giả dối kia, ta đi đến gần ngươi vì ta nghĩ ngươi là người có giới hạnh. Nay ta đã biết ngươi là kẻ giả dối. Một kẻ đại ăn cướp như ngươi thì xuất gia để làm gì?
Sau khi chỉ trích người tu khổ hạnh ấy, Bồ-tát đọc bài kệ trong Kinh Pháp cú:
138. Kẻ ngu có ích gì, Bện tóc với da dê,
Nội tâm đầy phiền não, Ngoài mặt đánh bóng suông.[9]
Như vậy, sau khi lên án kẻ tu khổ hạnh giả dối, Bồ-tát liền đi vào gò mối. Còn người tu khổ hạnh ác độc bỏ đi chỗ khác.
***
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, người tu khổ hạnh giả dối là kẻ lừa đảo này, người tu khổ hạnh có giới đức trước là Sāriputta (Xá-lợi-phất) và con kỳ nhông là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.