Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§137. CHUYỆN CON MÈO (Babbujātaka)[4] (J. I. 477)
Tại chỗ cho một mèo...
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một học giới liên hệ đến mẹ của Kāṇā.[5] Ở Xá-vệ, có một nữ cư sĩ được biết qua người con gái tên là Kāṇamātā (mẹ của Kāṇā). Nữ cư sĩ này đã chứng quả Dự lưu, một vị Thánh đệ tử. Bà gả con gái cho một người đàn ông đồng giai cấp thọ sanh tại một ngôi làng khác. Vì một vài công việc, Kāṇā đi đến nhà mẹ. Chồng của Kāṇā, sau một vài ngày, sai một người đưa tin rằng chàng muốn Kāṇā hãy về. Kāṇā nghe lời đưa tin, hỏi mẹ:
– Thưa mẹ, con có nên đi về ngay không?
Bà mẹ nói:
– Con ở đây lâu như vậy, sao con có thể về tay không?
Rồi bà mẹ bắt đầu làm bánh. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo khất thực đi đến nhà nữ cư sĩ ấy. Bà mời vị ấy ngồi và cúng dường bánh đầy bát. Vị ấy ra đi, lại nói với một người khác đến khất thực và bà mẹ cũng cúng dường người ấy như vậy. Vị ấy ra đi, lại nói với một người khác nữa và bà mẹ cúng dường cho đến bốn người cùng được cúng dường như vậy. Vì vậy, bánh được làm ra đều hết sạch và Kāṇā không thể lên đường đi về. Chồng Kāṇā gửi người đưa tin thứ hai rồi thứ ba. Ðến lần gửi người đưa tin thứ ba, người chồng nhắn: “Nếu nàng không về, ta sẽ lấy vợ khác.” Lần thứ ba, cũng vì lý do ấy, Kāṇā không đi về được. Chồng Kāṇā lấy một người vợ khác. Kāṇā nghe tin ấy liền đứng khóc.
Bậc Ðạo sư biết được nguyên do, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến nhà mẹ của Kāṇā, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi mẹ của Kāṇā:
– Vì sao Kāṇā này lại khóc?
Khi được nghe nói lý do, bậc Ðạo sư an ủi mẹ của Kāṇā, thuyết pháp thoại xong, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi về tinh xá. Câu chuyện bốn Tỷ-kheo ba lần nhận lấy bánh ở nhà mẹ Kāṇā, vô tình ngăn chặn việc Kāṇā đi về được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, các Tỷ-kheo họp tại pháp đường, bắt đầu nói chuyện:
– Này các Hiền giả, bốn Tỷ-kheo trong ba lần ăn bánh do mẹ của Kāṇā nấu, đã làm trở ngại việc Kāṇā đi về. Do nguyên nhân ấy, người con gái bị chồng ruồng bỏ, khiến cho nữ cư sĩ sầu muộn.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây đang bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay bốn Tỷ-kheo mới ăn tài vật của mẹ Kāṇā, khiến bà ấy sinh sầu muộn. Thuở trước, họ cũng đã làm như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người thợ đẽo đá, khi đến tuổi trưởng thành, trở thành tinh xảo trong nghề. Trong nước Kāsi, tại một thị trấn có một nhà triệu phú rất giàu. Số tiền cất giữ lên đến bốn trăm triệu đồng tiền vàng. Vợ vị triệu phú mạng chung, vì quá luyến ái tài sản nên tái sanh làm con chuột sống trên đống tài sản. Như vậy, dần dần tất cả gia đình đi đến hủy diệt. Người chồng cũng chết. Ngôi làng trở thành hoang phế và vắng người.
Lúc ấy, Bồ-tát đang đào và đẽo đá tại ngôi làng cũ. Rồi con chuột ấy đi tìm đồ ăn, thấy Bồ-tát nhiều lần, khởi lên tâm luyến ái, nghĩ như sau: “Tài sản lớn của ta vô cớ bị hủy diệt. Ta sẽ ăn tiêu tài sản cùng chung với người này!” Nghĩ vậy, một hôm, nó ngậm trong miệng một đồng tiền vàng và đi đến Bồ-tát. Bồ-tát thấy nó, liền nói lên lời thân ái:
– Này bạn, có gì khiến bạn đến đây với đồng tiền vàng?
– Này ông chủ, tiền này để ông chủ tiêu dùng cho mình và đem thịt cho ta.
Bồ-tát chấp nhận nói:
– Tốt lắm!
Rồi Bồ-tát lấy đồng tiền vàng đi về nhà, dùng một nửa mua thịt và đem đến cho con chuột. Con chuột lấy thịt đem về hang của mình và ăn thật thỏa thích. Từ đấy trở đi với cách thức này, hàng ngày, nó đem đến cho Bồ-tát một đồng tiền vàng và Bồ-tát lại cung cấp thịt cho nó. Một hôm, con chuột bị một con mèo bắt được. Nó nói:
– Này bạn, chớ giết ta.
– Vì sao? Ta nay đang đói muốn ăn thịt. Ta không thể không giết ngươi được.
– Trước hết, hãy nói cho ta biết, ngày nào bạn cũng đói hay chỉ đói hôm nay thôi.
– Ồ, ngày nào ta cũng đói cả.
– Vậy, nếu bạn muốn ăn thịt hàng ngày, xin hãy thả ta ra.
Con mèo nói:
– Ngươi nhớ đấy.
Và nó thả con chuột ra. Từ đấy trở đi, con chuột chia thành hai phần thịt, một phần cho nó, một phần cho con mèo. Một ngày kia, nó bị một con mèo khác bắt, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Từ đấy trở đi, chúng chia thịt thành ba phần và chúng ăn. Một ngày kia, nó bị một con mèo khác bắt, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Từ đó, chúng chia thịt thành bốn phần và chúng ăn. Rồi một con mèo khác bắt nó, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Giữ lời hứa, chúng chia thịt thành năm phần và ăn. Con chuột vì ăn ít, bị mệt mỏi và trở thành ốm yếu, gầy còm. Bồ-tát thấy con chuột như vậy, bèn hỏi:
– Này bạn, sao bạn ốm yếu thế?
Khi được biết lý do, Bồ-tát nói:
– Lâu nay sao bạn không nói với tôi? Ở đây, tôi sẽ biết việc gì nên làm.
Bồ-tát an ủi con chuột rồi làm một cái hang bằng đá pha lê trong suốt, đem đến và nói với con chuột:
– Này bạn, hãy vào trong hang này mà nằm. Với những ai đến đấy, hãy dọa nạt chúng với những lời thật là ác độc.
Con chuột vào trong hang nằm. Rồi một con mèo đến và nói:
– Hãy đem thịt cho ta!
Con chuột nói với nó:
– Ôi, con mèo độc ác kia, sao ta lại đem thịt cho ngươi? Hãy về ăn thịt các con mèo con của ngươi đi!
Con mèo không biết con chuột nằm trong hang bằng pha lê, quá tức giận, liền dùng sức mạnh nhảy đến để bắt con chuột, quả tim nó đập mạnh vào cái hang bằng pha lê bị vỡ, khiến hai con mắt lồi ra. Như vậy, con mèo chết và rơi xuống tại một chỗ kín. Cũng với cách thức ấy, bốn con mèo đều chết.
Từ đấy trở đi, con chuột không còn sợ hãi nữa, và hàng ngày đem cho Bồ-tát hai, ba đồng tiền vàng. Như vậy, dần dần nó cho Bồ-tát tất cả tài sản. Cả hai sống với nhau cho đến trọn đời với tình thân ái không chia rẽ, rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
***
Khi bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ này xong, với danh nghĩa bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài nói lên bài kệ:
137. Tại chỗ cho một mèo, Mèo thứ hai hiện ra,
Rồi mèo thứ ba, bốn, Tất cả con mèo chết,
Vì chạm hang gương này.
Sau khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này, Ngài nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, bốn con mèo là bốn Tỷ-kheo ấy, con chuột là mẹ của Kāṇā, và người thợ đẽo đá là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.