Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§133. CHUYỆN LỬA CHÁY (Ghatāsanajātaka) (J. I. 471)
Tại chỗ được an ổn...
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một vị Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này lấy một đề tài thiền quán từ bậc Ðạo sư, đi đến biên địa và an cư mùa mưa tại một trú xứ trong rừng, gần một ngôi làng nhỏ. Trong tháng đầu, khi đi vào làng khất thực, cái chòi lá bị cháy, bị mệt mỏi vì không có chỗ trú ẩn, Tỷ-kheo nói cho các vị hộ trì biết, họ đáp:
– Thưa Tôn giả, hãy yên tâm. Chúng tôi sẽ làm lại chòi lá cho Tôn giả.
Ban đầu họ đến nói vậy, nhưng ba tháng đã trôi qua, họ vẫn chưa làm. Vì không có trú xứ thích hợp, Tỷ-kheo ấy không đạt được kết quả đề tài thiền quán. Ngay cả một tia ánh sáng cũng không khởi lên cho vị ấy.
Khi an cư mùa mưa xong, vị ấy đi đến Kỳ Viên đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo sư tiếp đón Tỷ-kheo ấy thân mật và hỏi:
– Này Tỷ-kheo, đề tài thiền quán của ông có thích hợp không?
Tỷ-kheo ấy trình lên Thế Tôn biết về trú xứ của mình. Bậc Ðạo sư nói:
– Thuở xưa, này Tỷ-kheo, ngay các loài bàng sanh cũng đã biết được trú xứ của mình, khi thích hợp thì chúng sống, khi không thích hợp thì chúng từ bỏ trú xứ ấy, đi đến chỗ khác trước khi trú xứ an lạc của chúng trở thành nguy hiểm. Và nếu loài bàng sanh cũng đã biết như vậy, vì sao ông lại không biết trú xứ thích hợp hay không thích hợp cho mình?
Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim. Khi đến tuổi trưởng thành, đạt được dung sắc tối thượng, làm vua các loài chim, ở lại trong rừng sống với đàn chim tùy tùng, nương tựa vào một cây lớn. Cây ấy có nhiều lá sum suê với các cành lá vươn ra trên một hồ nước, và nhiều con chim sống trên các cành cây làm cho phân rơi trong nước.
Bấy giờ, có con rắn chúa tên Caṇḍa sống trong hồ nước ấy. Nó suy nghĩ: “Những con chim này làm rơi phân trong hồ nước của ta. Vậy ta hãy làm cho lửa từ trong nước cháy lên thiêu rụi cây và đuổi chúng đi.” Trong cơn nóng giận, con rắn chúa đợi ban đêm, trong khi tất cả đàn chim đang nằm ngủ. Đầu tiên nó làm cho nước hồ sôi lên, kế đó làm cho khói bốc lên và phun cao hơn cây thốt nốt. Bồ-tát thấy lửa từ nước phun lên, liền gọi bầy chim:
– Này các bạn chim, nước thường hay dập tắt lửa. Nay chính nước đốt cháy. Chúng ta không thể ở đây được. Chúng ta sẽ đi tìm chỗ khác.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
133. Tại chỗ được an ổn, Tại đấy, rắn nổi lên,
Chính ở giữa lòng nước, Lửa từ đấy cháy lên,
Nay không nên trú ở, Tại cây mọc trên đất,
Hãy bay tản các phương, Hồ này rất đáng sợ!
Sau đó, Bồ-tát đem các con chim nghe theo mình bay đi tìm chỗ khác. Còn những con chim không nghe lời Bồ-tát vẫn ở lại đều bị thiêu cháy.
***
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư giảng bốn sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo chứng đắc quả A-la-hán và Ngài nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, các con chim nghe theo lời Bồ-tát là hội chúng của Như Lai, còn vua loài chim là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.