Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§131. CHUYỆN KẺ VONG ÂN (Asampadānajātaka) (J. I. 465)
Nếu người này người kia...
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Đạo sư kể về Đề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo họp tại pháp đường, khởi lên câu chuyện:
– Thưa các Hiền giả, Đề-bà-đạt-đa không biết ơn, không biết công đức của Như Lai.
Bậc Đạo sư đi đến và hỏi :
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây bàn vấn đề gì ?
Khi được nghe vấn đề ấy, bậc Đạo sư nói :
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Đề-bà-đạt-đa mới vô ơn. Trong quá khứ, kẻ ấy cũng đã vô ơn như vậy rồi.
Nói xong, bậc Đạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, ở Vương Xá trong nước Ma-kiệt-đà, khi một vị vua xứ Ma-kiệt-đà đang trị vì, Bồ-tát là một vị triệu phú tên Saṁkha có gia sản trị giá tám trăm triệu. Tại Ba-la-nại, một triệu phú tên là Piliya cũng có gia sản trị giá tám trăm triệu. Hai vị ấy là bạn thân với nhau. Trong thời ấy, vì một lý do nào đó, triệu phú Piliya gặp đại nạn và tất cả gia sản đều bị mất sạch, trở thành nghèo túng không nơi nương tựa. Piliya đoán biết triệu phú Saṁkha là chỗ có thể nhờ cậy được, liền đem vợ ra khỏi Ba-la-nại, đi bộ đến Vương Xá, đến tận trú xứ của triệu phú Saṁkha. Khi triệu phú Saṁkha thấy Piliya, liền ra đón và nói:
– Ồ, bạn thân của tôi đã đến!
Và ông đối xử với bạn rất kính trọng. Sau khi để cho bạn ở vài ngày, một hôm ông hỏi:
– Này bạn, bạn đến có mục đích gì?
– Này bạn, đại nạn đã xảy đến cho tôi. Tất cả tài sản đều mất sạch. Hãy giúp đỡ tôi!
– Lành thay, này bạn, chớ sợ hãi!
Saṁkha mở kho bạc, cho bạn bốn trăm triệu đồng tiền vàng, rồi chia tất cả gia sản còn lại của mình, kể cả vật nổi, vật chìm, động sản, bất động sản thành hai phần và cho bạn một nửa. Piliya đem tài sản ấy đi về Ba-la-nại và sống tại đấy.
Sau một thời gian, một tai nạn tương tự xảy đến với triệu phú Saṁkha. Ông tìm chỗ để nương tựa và suy nghĩ: “Ta đã giúp đỡ rất nhiều cho bạn ta. Ta cho bạn nửa gia sản. Thấy ta, bạn sẽ không từ chối. Ta hãy đi đến bạn của ta.” Nghĩ vậy, hai vợ chồng ông đi đến Ba-la-nại, rồi Saṁkha nói với vợ:
– Này hiền thê, thật không thích hợp nếu bà đi bộ với tôi giữa đường xa thế này. Bà hãy đi đến sau. Tối nay, tôi sẽ cho xe đến với một người tùy tùng để đưa bà vào thành cho đúng phép, hãy chờ tại đây!
Sau đó, Saṁkha để người vợ ở trong một nhà trọ, tự mình đi vào thành, đến nhà triệu phú và báo tin cho biết:
– Bạn của ngài tên là triệu phú Saṁkha đã từ Vương Xá đến.
Khi thấy Saṁkha, Piliya từ ghế đứng dậy, không đón mừng thân mật, chỉ hỏi:
– Bạn đến đây có mục đích gì?
– Tôi đến để thăm bạn.
– Hiện nay bạn ở đâu?
– Cho đến nay, tôi chưa có chỗ ở. Tôi để vợ tôi tại nhà trọ và đến đây.
– Ở đây, không có chỗ ở cho bạn. Hãy lấy một ít gạo, nấu tại một chỗ nào đó, ăn xong rồi đi! Ðừng để tôi thấy mặt bạn nữa!
Rồi ông sai một người nô lệ:
– Hãy cho bạn ta một lon gạo có nhiều trấu và gói vào một góc vải!
Người ta nghe rằng, ngày trước đó, nó đã có được gạo đỏ tốt chở đầy một ngàn cỗ xe và sau khi cho sàng gạo đã chất đầy kho. Tên Piliya ngày trước đã được bạn cho bốn trăm triệu đồng cùng tài sản và đi về không biết ơn, nay tên đại cướp chỉ cho bạn ân nhân một lon gạo nhiều trấu. Theo lệnh chủ, người nô lệ đong một lon gạo trấu trong một cái giỏ rồi đi đến Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ: “Con người phi nhân nghĩa này được ta cho bốn trăm triệu đồng, nay chỉ cho ta một lon gạo trấu, không biết ta có nên nhận hay không?” Rồi Bồ-tát suy nghĩ: “Người bạn ác vô ơn này đã phá vỡ tình bạn với ta khi ta gặp nạn. Nếu ta không nhận lon gạo trấu quá ít, ta sẽ phá vỡ tình bạn. Kẻ mù lòa ngu si không nhận vật cho ít ỏi, sẽ phá hoại tình bạn. Nhưng ta nhờ chế ngự được cơn giận vì lon gạo trấu do nó cho, sẽ duy trì được tình bạn.”
Do vậy, Saṁkha cột vào vạt áo lon gạo được cho và từ lâu đài bước xuống đi đến nhà trọ. Vợ Saṁkha hỏi:
– Này ông, ông nhận được gì?
– Này hiền thê, triệu phú Piliya, bạn của chúng ta, đã cho một lon gạo trấu và đuổi chúng ta đi.
Bà vợ nói:
– Vì sao ông lại nhận? Và nào có xứng đáng gì với bốn trăm triệu đồng tài sản?
Rồi bà vợ khóc, Bồ-tát nói:
– Này hiền thê, chớ khóc. Vì sợ phá vỡ tình bạn nên ta nhận để duy trì tình bạn. Sao bà lại sầu muộn?
Nói xong Bồ-tát đọc bài kệ này:
131. Nếu người này người kia, Không có cho chút gì,
Với kẻ ngu, tình bạn, Ði đến chỗ tối đen.
Do vậy, ta vẫn nhận, Lượng được nửa phần trấu.
Ta không để tình bạn, Vì ta bị hủy diệt,
Ta muốn tình bạn này, Mãi mãi được trường cửu.
Tuy nghe nói vậy, bà vợ triệu phú vẫn khóc. Trong lúc ấy, một người nô lệ do triệu phú Saṁkha đã cho triệu phú Piliya, đi ngang qua cửa nhà trọ, nghe tiếng khóc của bà triệu phú liền đi vào nhà trọ. Thấy ông bà chủ của mình, anh ta đảnh lễ dưới chân họ, khóc than và hỏi:
– Thưa ông bà chủ, ông bà chủ đến đây có việc gì?
Triệu phú kể lại tất cả sự việc. Người nô lệ nói:
– Thưa ông bà chủ, hãy để sự việc như vậy. Chớ lo nghĩ!
Sau khi an ủi cả hai người, anh ta đưa họ về nhà mình, dùng nước thơm để hai người tắm rửa, mời họ ăn cơm và tin cho các người nô lệ khác biết:
– Ông chủ, bà chủ cũ của các bạn đã đến.
Và anh ta bảo họ đến thăm. Một vài ngày sau, anh ta họp toàn thể nô lệ cùng đi đến sân chầu vua tạo ra tiếng vang lớn. Vua cho gọi họ vào và hỏi có việc gì. Họ trình lên vua hết tất cả sự việc. Vua nghe lời của họ xong, liền cho mời hai vợ chồng triệu phú đến và hỏi triệu phú Saṁkha:
– Có đúng sự thật chăng, này đại triệu phú, khanh đã cho triệu phú Piliya bốn trăm triệu đồng tiền vàng?
– Thưa Ðại vương, khi bạn tôi đi đến Vương Xá và đặt lòng tin vào tôi, tôi không cho toàn thể tài sản của tôi nhưng tôi chia tất cả tài sản và bất động sản của tôi thành hai phần đồng đều và cho bạn tôi một nửa.
Vua hỏi triệu phú Piliya:
– Có đúng sự thật chăng?
Piliya trả lời:
– Thưa Ðại vương, đúng sự thật.
– Còn khi bạn của ngươi đến đặt lòng tin vào ngươi, ngươi có lòng cung kính, tôn trọng bạn ngươi không?
Piliya im lặng.
– Có phải ngươi bảo đổ một lon gạo trấu vào một góc vải và cho bạn của ngươi chăng?
Nghe nói vậy, Piliya vẫn giữ im lặng. Sau đó, nhà vua hỏi ý kiến các đình thần nên xử trí thế nào. Cuối cùng, khi quyết định xong, vua ra lệnh:
– Hãy đi lấy tất cả tài sản trong nhà của triệu phú Piliya giao cho triệu phú Saṁkha.
Bồ-tát thưa:
– Tâu Ðại vương, tôi không muốn gia sản của người khác, tôi chỉ xin nhận tài sản trước đây tôi đã cho.
Nhà vua giao gia sản theo yêu cầu của Bồ-tát. Sau khi nhận lại gia sản mình đã cho, Bồ-tát cùng với đoàn nô lệ vây quanh, đi về Vương Xá gầy dựng cơ nghiệp và trọn đời làm các công đức như bố thí, v.v... rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
***
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, triệu phú Piliya là Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), còn triệu phú Saṁkha là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.