Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§121. CHUYỆN THẦN CÂY CỎ KUSA (Kusanāḷijātaka) (J. I. 441)

Hãy để cho tất cả...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về một người bạn chân thật của ông Cấp Cô Ðộc. Các thân hữu, bạn bè quen biết, các thân tộc của ông Cấp Cô Ðộc ngăn chặn ông:

– Thưa đại trưởng giả, người này không ngang bằng, không hơn trưởng giả về thọ sanh, dòng họ, tài sản, ngũ cốc. Trưởng giả chớ chơi thân với người ấy!

Cấp Cô Ðộc trả lời:

– Tình bạn thân chớ nên dựa vào sự so sánh thấp hơn, bằng nhau hay cao hơn.

Trưởng giả không nghe lời can ngăn và đi về làng mà trưởng giả làm thôn trưởng, mời người ấy làm quản lý gia sản của mình. Mọi việc xảy ra như trong Chuyện Kāḷakaṇṇī.[1] Nhưng trong trường hợp này, khi trưởng giả tường thuật sự việc xảy đến cho nhà mình lên bậc Ðạo sư, Ngài nói:

– Này gia chủ, một người bạn chân thật, không bao giờ nhỏ hơn. Ở đây, sự đo lường tình bạn nằm ở khả năng bảo vệ tình bạn. Một người bạn chân thật, bằng mình hay kém hơn mình, phải được xem là cao hơn. Tất cả người bạn ấy, sẽ giải quyết gánh nặng, sự khó khăn đã dành cho mình. Nay chính nhờ người bạn chân thật của mình mà gia chủ đã cứu được tài sản của mình. Thuở trước, bạn bè chân thật đã cứu được cung điện của một thần cây.

Nói vậy xong, theo lời thỉnh cầu của vị ấy, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm vị thần ở một khóm cỏ kusa trong công viên của vua. Trong công viên ấy, gần nơi tấm đá vua thường ngồi có một cây điềm lành, thân cây cao thẳng, cành lá sum suê, rất được vua ưa thích. Tại đấy, sanh ra một thần cây, trước kia là một ông vua có uy quyền lớn. Bồ-tát là bạn thân với thần cây ấy.

Lúc bấy giờ, vua sống trong lâu đài được một cột trụ chống đỡ nhưng cây cột ấy bị lung lay. Tình trạng ấy được báo lên vua. Vua cho gọi thợ mộc và bảo:

– Cột trụ độc nhất chống đỡ lâu đài của trẫm bị lún, hãy lấy một cây cột khác có lõi cứng rắn thay vào!

Tốp thợ mộc vâng theo lời vua, đi tìm một cây thích hợp, nhưng chưa tìm được. Họ đi vào công viên, thấy cây điềm lành, liền đến yết kiến vua. Khi vua hỏi có tìm được cây nào thích hợp không, họ thưa:

– Tâu Ðại vương, chúng tôi đã thấy nhưng không dám đốn cây ấy.

Ðược vua hỏi vì sao, họ thưa:

– Chúng tôi không tìm thấy một cây nào khác nên đã đi vào công viên. Tại đấy, trừ cây điềm lành của vua, chúng tôi không tìm thấy cây nào khác. Nhưng chúng tôi không dám đốn cây điềm lành ấy.

– Hãy đốn cây ấy và làm trụ cột cho lâu đài của trẫm! Trẫm sẽ trồng một cây điềm lành khác.

Các người ấy vâng lời, đem theo đồ cúng thần đi đến công viên, dâng lễ vật cúng cho cây, trình thần cây biết, ngày mai sẽ đốn cây rồi đi về. Nữ thần cây biết được sự việc này, suy nghĩ: “Ngày mai, nhà ở của ta bị hủy hoại rồi ôm các con, ta sẽ đi đâu bây giờ?”

Nữ thần cây không tìm thấy chỗ cần đi, phải cõng con trên lưng rồi khóc. Các thần rừng, bạn bè thân thích của nữ thần cây ấy tới hỏi nguyên do. Sau khi nghe sự việc, thấy mình không có phương tiện gì để chặn tay các người thợ mộc lại, liền ôm nữ thần cây ấy và bắt đầu khóc. Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi đến thăm nữ thần cây, biết được sự việc liền nói:

– Chớ lo nghĩ, ta sẽ không để cho chặt cây. Ngày mai, khi thợ mộc đến, ta sẽ có cách đối phó.

Ngày hôm sau, khi tốp thợ mộc đến, Bồ-tát hóa làm con tắc kè, đến trước thợ mộc, chui vào giữa rễ của cây điềm lành, làm cho cây ấy như trống rỗng, tắc kè leo lên chính giữa cây, chui ra khỏi đầu thân cây rồi nằm xuống lắc đầu qua lại. Người tổ trưởng thợ mộc thấy vậy, lấy tay đập vào thân cây và nói:

– Cây này trống rỗng, không có lõi. Hôm qua không nhìn kỹ, chúng ta đã làm lễ cúng dâng.

Rồi anh ta bỏ đi, đầy khinh bỉ đối với cây to lớn mà không chắc ấy. Như vậy, nữ thần cây nhờ Bồ-tát, vẫn làm chủ chỗ ở của mình. Và nhiều thần cây thân hữu quen biết tụ họp để chúc mừng nàng. Nữ thần cây hài lòng với vị thần đã cho nàng trú xứ, giữa các vị thần ấy, nàng tán thán công đức của Bồ-tát:

– Thưa chư thần, chúng ta có phước đức, có quyền lực lớn nhưng với trí tuệ chậm chạp, không biết phương tiện này. Còn vị thần khiêm tốn của cây cỏ lau, với trí thông minh của mình, đã cho chúng ta làm chủ ngôi nhà của chúng ta. Thật vậy, chúng ta cần phải làm bạn với các vị bằng ta, hơn ta và thua ta. Tất cả các vị, tùy theo sức mạnh của mình, có thể giúp các bạn thoát khỏi đau khổ và an trú trong hạnh phúc.

Sau khi tán thán tình bạn, nữ thần cây nói bài kệ này:

121. Hãy để cho tất cả, Bằng, hơn hay thua ta,

Làm hết sức của mình, Trong thời hoạn nạn đến,

Như ta được giúp đỡ, Nhờ thần cây cỏ lau!

Do vậy, những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ, chớ phân biệt bạn bằng ta hay hơn ta, hãy làm bạn với những bậc có trí dù địa vị ra sao.

Như vậy, nữ thần cây thuyết pháp cho chư thần với bài kệ này. Nàng sống cho đến trọn đời và sau cùng với vị thần cây cỏ lau mạng chung rồi đi theo nghiệp của mình.

***

Sau khi nói lên pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Thời ấy, nữ thần cây là Ānanda, còn thần cây cỏ lau là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.