Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§117. CHUYỆN CHIM ÐA ÐA (Tittirajātaka) (J. I. 431)

Lời quá thời cao mạnh...

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về Kokālika. Câu chuyện sẽ được kể rõ ràng trong chương XIII, Chuyện Hiền giả Takkāriya.[6] Bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải nay mà cả thời xưa nữa, Kokālika đã bị nạn diệt vong rồi.

Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở phía Tây Bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học tất cả các nghề ở Takkasilā, rồi từ bỏ các dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, chứng được năm thắng trí và tám thiền chứng. Tất cả hội chúng ẩn sĩ ở Tuyết Sơn họp lại, tôn Bồ-tát lên làm Sư trưởng khuyên giáo và đi theo thầy. Bồ-tát lãnh đạo năm trăm ẩn sĩ, hưởng thọ thiền lạc, sống ở Tuyết Sơn.

Lúc ấy, một vị tu khổ hạnh bị bệnh vàng da, đang dùng búa chặt củi. Một vị tu khổ hạnh nói nhiều đến ngồi gần vị này và nói:

– Hãy chặt chỗ này, hãy chặt chỗ này!

Vị tu khổ hạnh kia mất kiên nhẫn, phẫn nộ và nói:

– Ngươi đâu phải là thầy dạy ta bửa củi?

Kẻ ấy giơ cây búa sắc bén, và với một nhát búa, giết ngay mạng sống của vị tu khổ hạnh nói nhiều. Bồ-tát lo liệu các việc phải làm đối với thi thể nạn nhân.

Lúc bấy giờ, không xa am thất bảo, có một con chim đa đa sống dưới chân một gò mối. Vào buổi chiều, nó thường hay đứng trên gò mối ấy và hót lớn tiếng. Nghe tiếng nó, một thợ săn độc ác nhận ra được là tiếng con đa đa, liền giết nó và mang xác đi.

Bồ-tát không nghe tiếng con chim ấy, liền hỏi các người tu khổ hạnh tại gò mối:

– Tại sao ta không nghe tiếng nó nữa?

Các vị tu khổ hạnh báo cáo sự việc cho Bồ-tát rõ. Bồ-tát kết hợp hai sự kiện với nhau và nói lên bài kệ này giữa hội chúng ẩn sĩ:

117. Lời quá thời cao mạnh, Ðưa chết cho người nói.

Chim đa đa mất mạng, Vì ngu, hót quá lời.

Như vậy, Bồ-tát tu tập bốn vô lượng tâm và được sanh lên cõi trời Phạm thiên.

***

Bậc Ðạo sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokālika vì lời nói của mình bị nạn diệt vong, mà thuở trước kẻ ấy cũng đã bị diệt vong rồi.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:

– Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh nói nhiều là Kokālika, chúng ẩn sĩ là hội chúng của Như Lai, còn Ðạo sư hội chúng là Ta vậy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.