Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§115. CHUYỆN CON CHIM CÁI KHUYÊN RĂN (Anusāsikajātaka) (J. I. 428)
Ai khuyên răn kẻ khác...
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về một Tỷ-kheo-ni để giáo giới người khác. Nghe nói ở tại Xá-vệ, có một thiện nữ nhân xuất gia, nhưng từ khi thọ Đại giới, Tỷ-kheo-ni ấy không chú tâm vào Sa-môn pháp, chỉ tham luyến tài vật. Tại chỗ nào các Tỷ-kheo-ni khác không đi thì tại chỗ ấy Tỷ-kheo-ni này đi khất thực một mình. Và người ta cúng dường cho Tỷ-kheo-ni này những món thượng vị. Bị trói buộc bởi lòng tham vị, cô suy nghĩ: “Nếu tại chỗ này, các Tỷ-kheo-ni khác đi đến khất thực, đồ lợi dưỡng của ta bị tổn giảm. Ta phải làm thế nào để các Tỷ-kheo-ni khác không đi đến địa phương ấy.” Cô đi đến trú xứ các Tỷ-kheo-ni và nói:
– Này các Hiền tỷ, tại chỗ ấy có voi dữ, có ngựa dữ, có chó dữ, đó là một chỗ nguy hiểm. Chớ nên đi khất thực tại đấy!
Tỷ-kheo-ni này khuyên răn các Tỷ-kheo-ni như vậy. Nghe vị này nói, không một Tỷ-kheo-ni nào dám quay đầu ngó về địa phương ấy.
Một hôm, trên đường khất thực tại đấy, khi đi vội vào một ngôi nhà, cô bị một con cừu hung dữ húc làm Tỷ-kheo-ni này gãy xương. Người ta chạy đến, cột hai khúc xương gãy làm một, đặt Tỷ-kheo-ni ấy nằm trên chiếc cáng, khiêng đến trú xứ của Tỷ-kheo-ni. Các Tỷ-kheo-ni nhạo cười vị ấy và nói:
– Tỷ-kheo-ni này khuyên các Tỷ-kheo-ni khác đừng đi nhưng tự mình đi đến địa phương ấy, do vậy bị gãy xương.
Việc làm của Tỷ-kheo-ni này không bao lâu được chúng Tỷ-kheo biết. Một hôm, tại pháp đường, các Tỷ-kheo nói về hạnh phi công đức của Tỷ-kheo-ni ấy:
– Này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ấy khuyên răn các người khác, còn tự mình đi đến tại chỗ ấy nên bị con cừu hung dữ húc cho đến gãy xương.
Bậc Ðạo sư đến, hỏi các Tỷ-kheo đang thảo luận vấn đề gì. Khi biết vấn đề ấy, bậc Ðạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mà xưa kia, cô ấy cũng đã lên tiếng khuyên răn nhưng tự mình lại không làm theo lời răn cho nên nàng thọ khổ lâu dài.
Nói vậy xong, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim, lớn lên trở thành chim chúa, có hàng trăm con chim vây quanh và trú ở Tuyết Sơn. Khi Bồ-tát sống tại đấy, có một con chim cái hung dữ, đi theo một con đường lớn để tìm đồ ăn. Con chim cái này lấy được lúa, đậu, hột giống, v.v... từ các cỗ xe rơi xuống. Nó suy nghĩ: “Nay ta phải làm thế nào để các con chim khác đừng đến chỗ này.” Nghĩ vậy, nó khuyên răn đàn chim như sau:
– Con đường lớn đầy nguy hiểm, có voi, có ngựa, có cỗ xe do các con bò hung dữ kéo và các vật nguy hiểm khác qua lại. Không thể nào cất cánh bay lên mau được. Chớ nên đi trên đường ấy!
Vì lời khuyên ấy, đàn chim gọi nó là “Con chim cái khuyên răn.” Một hôm, đang tìm mồi trên con đường lớn, nghe tiếng cỗ xe chạy mau, con chim cái ấy quay cổ lại nhìn, nghĩ rằng xe còn xa nên vẫn đi. Nhưng cỗ xe ấy đến gần nó mau như gió. Trong khi nó không thể bay lên được, bánh xe cán phải nó và xe vẫn chạy vùn vụt.
Khi họp đàn chim, chim chúa không thấy nó bèn hỏi:
– Con chim cái khuyên răn sao không có mặt? Hãy đi tìm nó!
Các con chim đi tìm, thấy nó bị cán đứt đôi, và về báo tin cho chim chúa biết, chim chúa nói:
– Chim cái ấy ngăn chặn các con chim khác, còn tự mình lại đi tại đấy nên bị cán đứt đôi.
Rồi chim chúa đọc bài kệ:
115. Ai khuyên răn kẻ khác, Tự mình chạy theo tham,
Bị gãy cánh nằm xuống, Bánh xe giết đời chim.
***
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân như sau:
– Thời ấy, con chim cái khuyên răn là Tỷ-kheo-ni khuyên răn, còn chim chúa là Ta vậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.